Người lớn mất kiểm soát, con trẻ thành “cá nằm trên thớt”

Nguyệt Tạ Thứ sáu, ngày 08/12/2017 06:15 AM (GMT+7)
Những vụ bạo hành nghiêm trọng trẻ em được phát giác trong thời gian ngắn. Đặc biệt, nhiều vụ bạo hành trong số này lại đến từ chính những người thân, thậm chí là phụ huynh của các em. Nguyên nhân xuất phát từ sự hung bạo của người bố hay sự vô cảm của người mẹ và cả những người thân bên cạnh các em.
Bình luận 0

Đánh con rạn sọ não

Cách đây không lâu, dự luận không thể kiềm chế được sự phẫn nộ bởi việc một ông bố ở Kiên Giang cầm roi sắt nung dí vào cô con gái mới học lớp 1. Ngay sau đó, dư luận lại “dậy sóng” khi một ông bố ở (Cầu Giấy, Hà Nội) đang tay đánh đập, hành hạ cậu con trai mới chỉ 10 tuổi trong suốt 2 năm trời.

img

Trẻ em bị chính người thân trong gia đình bạo hành là vấn đề nhức nhối trong xã hội. (ảnh minh họa).Ảnh: I.T

Ông Nguyễn Trọng An – Chuyên gia trẻ em – Nguyên Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH) cho rằng, thật khó để có thể chấp nhận hành động của một ông bố bạo hành con ruột. Có thể một số người vì “giận cá chém thớt” thù hận người vợ, người chồng, hoặc bản thân người đó vì nghiện ngập, rượu chè nên mới đánh đập con. Việc đánh đập tàn nhẫn kiểu nung roi sắt dí vào người hay đánh, đập tàn nhẫn tới rạn hộp sọ, nghi gãy xương sườn thì rõ ràng người thân ấy đã không còn nhân tính. Họ thực sự là quỷ đội lốt người.

“Câu chuyện này đặt ra vấn đề lương tâm đạo đức của người làm cha, làm mẹ. Đã đành là hành vi của người cha là không thể tha thứ, nhưng sự vô trách nhiệm của người mẹ và ông bà nội cũng không thể chấp nhận được. Cần phải lên án cả gia đình đó, không riêng gì người bố” – ông An nói.

Thêm vào đó, ông An cũng cho biết, cần mạnh tay hơn nữa trong việc xử lý với chính quyền địa phương, chủ tịch phường, thầy cô giáo, hàng xóm... nơi em bé đó sinh sống. “Cần phải quy trách nhiệm và xử lý cụ thể với từng cá nhân không tố giác tội phạm, không tố cáo việc trẻ em bị xâm hại. Đáng buồn, dù rất nhiều vụ việc trẻ em bị xâm hại, bạo lực đã xảy ra, bị dư luận phanh phui, thậm chí cơ quan công an khởi tố nhưng lãnh đạo các địa phương này vẫn bình chân như vại, chẳng ai bị xử lý hay quy trách nhiệm” – ông An nói.

Theo ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em, thời gian qua, với sự tuyên truyền mạnh mẽ từ cơ quan quản lý Nhà nước về Luật trẻ em, việc người dân phát hiện và tố cáo các vụ việc cũng có chiều hướng tăng lên so với trước đó. Gần đây nhất, sáng ngày 6.12, Bộ LĐTBXH cũng đã thành lập Tổng đài trẻ em và Uỷ ban Quốc gia bảo vệ trẻ em.

img

Biểu đồ về người gây bạo lực với trẻ em, trong đó gần 40% người gây bạo lực cho trẻ em chính là do người bố. Đường dây 18001567

Vấn đề chăm sóc, bảo vệ trẻ em được đề cập cụ thể trong Điều 1, chương 4 Luật trẻ em. Theo đó, để bảo vệ trẻ em cần phải kiện toàn 3 cấp độ, đặc biệt cấp độ dự phòng.

Sự vô trách nhiệm từ phía gia đình

Không chỉ sống trong cảnh bị bạo hành nghiêm trọng về thể xác, bé trai 10 tuổi tại Hà Nội bị bố đẻ bạo hành còn phải hứng chịu cả sự bạo hành nặng nề về tinh thần. Bà Ngô Thị Ngọc Anh – Giám đốc trung tâm Nghiên cứu giới gia đình và phát triển cộng đồng cực lực lên án hành vi thú tính của người cha. “Tôi cho rằng, pháp luật cần xử tăng nặng với những hành vi bố mẹ bạo hành nghiêm trọng con đẻ của họ. Thêm vào đó sự vô trách nhiệm, thờ ơ của gia đình, người thân như bố, mẹ (không gây bạo hành trực tiếp) cũng cần bị xử lý bởi vì đó là hành vi gián tiếp tạo nên sự bạo hành ở trẻ em” – bà Ngọc Anh kiến nghị.

“Tỷ lệ trẻ em bị bạo lực từ chính trong gia đình là cao nhất, chiếm 63.2%. Trong đó người  bố là người gây ra bạo lực nhiều nhất đối với trẻ em, chiếm 37,5%; tiếp đó là người mẹ, chiếm 11.8%; các đối tượng khác trong gia đình thường là bố dượng, mẹ kế, họ hàng sống chung trong một mái nhà chiếm 13,9%”.

Hiện nay, phòng khám Cây Thông xanh nơi ông Nguyễn Trọng An làm việc cũng từng tiếp nhận khá nhiều ca trẻ em bị sang chấn tâm lý do chính bố mẹ đẻ bạo hành. Nhiều trường hợp trong số này không được ai phát hiện tố giác. Chỉ khi có vụ bạo hành nghiêm trọng được cơ quan pháp luật vào cuộc điều tra thì trẻ em mới được bảo vệ đưa đi hỗ trợ điều trị tâm lý.

“Bạo hành trẻ em không chỉ để lại thương tổn về thể xác mà còn để lại nỗi đau về tinh thần. Nhiều trẻ dù đã lớn nhưng vẫn bị ám ảnh bởi ký ức đòn roi, điều này khiến chúng thích gây bạo lực với người xung quanh không ngoại trừ lại gây bạo lực với chính vợ con mình” – ông An nói.

Theo một thống kê của đường dây tư vấn hỗ trợ bảo vệ trẻ em 18001567 nay là Tổng đài 111, số ca trẻ em bị bạo hành được phát hiện trong 5 năm gần đây tăng cao, gấp 2,3 lần so với giai đoạn trước đó.

Bà Nguyễn Thuận Hải - Trưởng phòng Dịch vụ tư vấn, Trưởng Tổng đài 18001567 cho biết: “Thông thường người gọi đến tố giác về hành vi bạo hành cho trẻ là mẹ, cha, ông bà, chú bác, anh, chị của trẻ và người gây bạo lực phần nhiều là ông bố. Cũng có đến 28,5% cuộc gọi đến Tổng đài là người ngoài gia đình của trẻ. Đây có thể là người đi đường chứng kiến, hàng xóm, bạn bè của trẻ… Có tới 91% số ca bạo lực là về thể chất”. Bà Hải nhận định, thật đáng buồn bởi những người đáng lẽ gần gũi, thương yêu, chăm sóc trẻ lại là người gây bạo lực cho trẻ nhiều nhất. Đây cũng là những nhân tố làm cho tình trạng sang trấn tâm lý của trẻ lâu hồi phục hơn so với thủ phạm là người ngoài gia đình.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem