Người tiếp xúc với đám cháy Rạng Đông ở nhiệt độ cao có nguy cơ ngộ độc thủy ngân

Diệu Linh Thứ sáu, ngày 30/08/2019 15:18 PM (GMT+7)
Trước thông tin về nguy cơ ngộ độc kim loại nặng sau vụ cháy Công ty Rạng Đông, chiều 30/8, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã có buổi chia sẻ về điều này. Theo đó, đã có 10 phóng viên tham gia tác nghiệp vụ cháy đến Trung tâm để chấn đoán ngộ độc thủy ngân.
Bình luận 0

Sáng 30/8, trên mạng xã hội, mọi người truyền nhau thông báo: “Khoa chống độc bệnh viện Bạch Mai đề nghị tất cả anh chị em phóng viên tác nghiệp tại vụ cháy Rạng Đông có biểu hiện đau đầu, buồn nôn, cay mắt... đến ngay Khoa chống độc xét nghiệm thủy ngân trong máu".

Thông tin này khiến nhiều phóng viên tham gia tác nghiệp vụ cháy Công ty Rạng Đông và không ít người dân hoang mang. Tuy nhiên, bác sĩ khám tại Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) khuyến cáo, không phải ai tiếp xúc với đám cháy, sống gần đám cháy đều phải đi khám. Chỉ những người có biểu hiện mệt mỏi bất thường, đau đầu, chảy máu mũi mới nên đi kiểm tra sức khỏe.

img

Thông tin gây hoang mang.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc cho biết, khi xảy ra cháy có nguy cơ ngộ độc khí, ngộ độc hơi độc, bệnh viện đã liên hệ với các cơ quan liên quan để tìm hiểu nhưng chưa có thông tin về nguy cơ ngộ độc tại hiện trường hay nguy cơ ngộ độc kim loại, thủy ngân. 

Sáng 30/8, đã có 10 phóng viên tác nghiệp trong đám cháy và 2 người dân tham gia cứu chữa đám cháy đến khám về nguy cơ ngộ độc. Bác sĩ Nguyên cho biết, các bệnh nhân cho biết bị đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi. Các biểu hiện sức khỏe bề ngoài chưa có vấn đề gì bất thường, bệnh viện đã làm các xét nghiệm máu, nước tiểu để xem nồng độ thủy ngân trong máu, nước tiểu. "Chúng tôi sẽ cố gắng có kết quả xét nghiệm trong tối nay" - bác sĩ Nguyên nói. 

Đánh giá về nguy cơ ngộ độc trong đám cháy lớn, bác sĩ Nguyên cho biết, đám cháy thông thường sẽ có nguy cơ ngộ độc các khí độc như CO, gây kích ứng đường hô hấp, đồng thời hơi nóng rát cũng có thể làm bỏng đường hô hấp, nguy hiểm. 

img

Còn về nguy cơ sau vụ cháy Công ty Rạng Đông, bệnh viện đã có trao đổi với nhiều chuyên gia hóa học và được biết, thủy ngân được sử dụng trong sản xuất bóng đèn. Nếu bóng đèn vỡ, nguy cơ ngộ độc thấp nhưng nếu đốt nóng, nhiệt độ cao thì thủy ngân có thể bốc hơi trong không khí, có nguy cơ ngộ độc với người hít phải. "Nguy cơ ngộ độc thủy ngân đến đâu còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố: nồng độ thủy ngân, người tiếp xúc trực tiếp lâu hay nhanh, môi trường có thông gió hay không... Nếu ở môi trường độc hại cao, lâu, bí thì nguy cơ ngộ độc càng lớn. Tuổi của người hít vào cũng quan trọng, người càng trẻ thì nguy cơ ngộ độc càng lớn, nhất là trẻ em", bác sĩ Nguyên cho biết. 

Bác sĩ Nguyên khẳng định, với vụ cháy Rạng Đông thì chỉ ngay tại đám cháy, nhiệt độ cao mới có nguy cơ ngộ độc. Tuy nhiên, bác sĩ cũng xác nhận, đây đều là suy đoán, đánh giá dựa trên lý thuyết, còn nguy cơ ngộ độc thủy ngân đến đâu thì phải cần đánh giá, đo đạc của các chuyên gia môi trường. 

Theo bác sĩ Nguyên, những người cần thiết phải đi khám sau vụ cháy Rạng Động là những người tham gia trực tiếp khi đám cháy đang to như: nhân viên cứu hỏa, công nhân tham gia chữa cháy, phóng viên tác nghiệp gần vụ cháy, người dân tham gia cứu đám cháy, những người hít nhiều hơi nóng, khói độc trong thời gian từ 30 phút trở lên; Những người có biểu hiện bất thường như: khó thở, ho nhiều, ho, tức ngực, đau bụng, nôn mửa, đi ngoài, cháng váng, tê chân tay, lẫn.. và các triệu chứng bất thường khác. 

"Những người dân sống quanh đám cháy nếu không hít phải khói nóng có nguy cơ ngộ độc thấp. Nếu chưa có biểu hiện bất thường về sức khỏe thì không nhất thiết phải đến bệnh viện kiểm tra gây tốn kém. Người dân chỉ cần đến các bệnh viện cấp quận làm các xét nghiệm máu và nước tiểu để tìm thủy ngân", bác sĩ Nguyên nhận định.

Nếu tìm thấy thủy ngân trong máu, người bệnh sẽ được uống thuốc thải độc tại cơ sở y tế. 

img

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên.

Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) khẳng định, để sản xuất đèn huỳnh quang, người ta sẽ dùng thủy ngân và ion có khả năng phát xạ. Các hợp chất thủy ngân hoặc kim loại thủy ngân khi bị cháy ở nhiệt độ cao dễ bốc hơi và gây ra ô nhiễm không khí.

“Dù chưa có khảo sát về mức độ phơi nhiễm, ô nhiễm không khí, tuy nhiên trên thực tế là có nguy cơ này xảy ra. Tôi đề nghị các chuyên gia môi trường nên khảo sát mức độ tồn dư hóa chất trên đất, lá cây, nguồn nước để đưa ra kết luận khoa học, chính xác cho người dân yên tâm”, PGS Thịnh nói.

img

Hàng nghìn bóng đèn các loại bị vỡ, cháy rụi sau vụ hỏa hoạn tại Công ty Rạng Đông. Ảnh: Zing

img

Nhiều người lo ngại nhiều kim loại độc hại trong đó có thủy ngân sẽ phát tán trong không khi gây ô nhiễm không khí, đất, nước và thực phẩm. 

Sau đám cháy ở Công ty Rạng Đông, UBND phường Hạ Đình đã có hướng dẫn vệ sinh môi trường sau vụ cháy, đơn vị này yêu cầu người dân và các cơ quan, tổ chức, trường học đóng trên đại bàn phường cần có các biện pháp bảo vệ sức khỏe. Cụ thể, người dân nên rửa mắt, rửa mũi, súc miệng hàng ngày bằng nước muối sinh lý nhiều hơn trong thời gian 7 đến 10 ngày tới. 

Đồng thời, thực hiện chế độ ăn uống đảm bảo dinh dưỡng, đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà. Đặc biệt, không sử dụng thực phẩm, rau, hoa quả, trái cây, gia cầm, cá, lợn... được nuôi trồng trong vòng bán kính 1km kể từ tâm đám cháy trong 21 ngày tới.

Ngoài ra, nên sơ tán trẻ nhỏ, người già, người ốm bệnh ra khỏi khu vực chịu ảnh hưởng của vụ cháy. Thời gian sơ tán từ 1- 10 ngày nếu có thể, để hạn chế tác hại của khói bụi sau vụ cháy tới sức khỏe.

Thông báo này dù không nhắc đến nguy cơ ngộ độc thủy ngân nhưng khá nghiêm trọng khiến nhiều người dân lo ngại. 

Tuy nhiên, bà Vương Thị Vân Khánh - Chánh văn phòng UBND quận Thanh Xuân cho biết, Chủ tịch UBND phường Hạ Đình đã ký quyết định thu hồi văn bản khuyến cáo do ban hành không đúng thẩm quyền và không có cơ sở. Hiện quận đang phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết hậu quả vụ cháy và sẽ công khai khi có kết quả.

Theo cảnh báo từ Bộ Y tế, ngộ độc thủy ngân có các biểu hiện lâm sàng ngộ độc khác nhau, tùy vào dạng thủy ngân gây ngộ độc và thời gian, cường độ tiếp xúc. Nếu hít thủy ngân nguyên tố và nuốt thủy ngân vô cơ sẽ gây ngộ độc cấp, trong khi ăn uống thực phẩm nhiễm thủy ngân sẽ gây ngộ độc mãn tính.

Các biểu hiện ngộ độc thủy ngân cấp tính bao gồm: sốt do khói kim loại gồm: sốt, ớn lạnh, thở khó. Những triệu chứng khác gồm: viêm miệng, lơ mơ, co giật, nôn ói và viêm ruột. Những triệu chứng này thường dịu đi trong vòng 1 tuần. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, diễn tiến nặng hơn phù phổi cấp, suy hô hấp và tử vong.

Ngộ độc mạn do hít thủy ngân gây tam chứng kinh điển: viêm lợi và chảy nước miếng, run giật tay và rối loạn tâm thần kinh. Trẻ thường mất ngủ, hay quên, tâm lý không ổn định, kém ăn, vẻ buồn bã.

Còn nuốt phải thủy ngân vô cơ (điển hình là pin) gây phỏng niêm mạc miệng, đau bụng, buồn nôn, nôn ra máu. Diễn tiến sau đó vài ngày hoại tử ống thận cấp, gây suy thận, rối loạn nước và điện giải có thể gây tử vong.

Ăn thức ăn chứa thủy ngân hữu cơ như cá biển gây ngộ độc mạn, xuất hiện sau nhiều ngày đến nhiều tuần. Biểu hiện thần kinh là dị cảm, thất điều, suy nhược thần kinh, giảm thính giác, loạn vận ngôn, thu hẹp thị trường, rối loạn tâm thần, run cơ, rối loạn cử động và có thể tử vong.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem