Nguy cơ Đàn Xã Tắc bị xâm phạm

Thứ ba, ngày 16/04/2013 06:54 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đàn Xã Tắc được phát hiện vào năm 2006 khi thi công đường vành đai 1 thuộc dự án cải tạo đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa (Hà Nội). Thế nhưng di tích này đang bị đe doạ nghiêm trọng khi một chiếc cầu vượt sắp được khởi công và có nguy cơ xâm phạm vùng bảo vệ.
Bình luận 0

Lưu giữ nhiều di vật quý

Đàn Xã Tắc là một trong các loại đàn tế cổ, theo học giả Đào Duy Anh trong Từ điển Hán Việt, “Xã tắc” có nghĩa là “Thuở xưa dựng nước (....) dân cần có đất ở nên lập nền xã để tế thần hậu thổ; dân cần có lúa ăn, nên lập nền tắc để tế thần nông. Mất nước thì mất xã tắc, nên xã tắc cũng có nghĩa là quốc gia”.

Theo Việt sử lược và Đại Việt sử ký toàn thư – bản kỷ - quyển 2 đều chép việc Vua Thái Tông – Lý Phật Mã: “Mậu Tý, Thiên cảm Thánh vũ năm thứ 5 1048, mùa thu tháng 9… lập Đàn Xã Tắc ở ngoài cửa Trường Quảng, bốn mùa cầu đảo cho mùa màng” (cửa ngõ Ô Chợ Dừa từng được gọi là cửa Trường Quảng vào thời nhà Lý).

Và sau mấy trăm năm mất dấu, Đàn Xã Tắc được tìm thấy vào tháng 11.2006, khi thi công đường vành đai 1 thuộc dự án cải tạo đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa với khu chính điện của một trong các loại đàn tế cổ qua ba thời đại Lê – Trần – Lý.

img
Các cụm đồ sành thời Lý được tìm thấy ở Đàn Xã tắc.

Không chỉ lưu giữ dấu tích về Đàn Xã Tắc Thăng Long, địa điểm này còn lưu giữ rất nhiều di tích, di vật quý hiếm của lịch sử. Trong các lớp đất văn hóa đã thu được hàng nghìn di vật rất có giá trị, đó là các mảnh gạch, ngói, gốm, trang sức, tiền đồng qua thời Bắc thuộc (đầu Công nguyên) đến thời Lý, Trần, Lê sơ, Lê Trung hưng… và đặc biệt là phát hiện được 13 điểm có di cốt người nằm rải rác khắp nơi, trong đó có 3 di cốt tương đối đầy đủ các bộ phận.

Ngoài ra nơi đây còn phát hiện tầng văn hóa Phùng Nguyên, đây là di chỉ thời đại đồ đồng đầu tiên được phát hiện trong nội thành Hà Nội. Trước đây, các nhà khảo cổ mới chỉ phát hiện ở 2 khu vực là di chỉ Văn Điển và Triều Khúc, cho đến nay, lịch sử thủ đô Hà Nội thời tiền sử và sơ sử vẫn còn rất nhiều khoảng trống. Chính vì vậy phát hiện Đàn Xã Tắc đã góp phần khẳng định, đánh dấu bước tiến của tổ tiên ra (từ vùng trung du) xuống chinh phục châu thổ sông Hồng.

Với những dày đặc tầng văn hóa của nhiều thời kỳ thuộc lịch sử Trung đại như vậy, ngày 7.12.2007, Bộ VHTTDL đã có Quyết định số 15/2007/QĐ-BVHTTDL xếp hạng khu di tích khảo cổ học đàn tế Xã Tắc là di tích lịch sử quốc gia. Và việc khoanh vùng khu vực bảo vệ di tích được áp dụng theo quy định tại Điều 32 chương IV của Luật Di sản Văn hóa và Điều 16, chương III Nghị định số 92/2001/NĐ-CP ngày 11.11.2002 của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản Văn hóa.

Nhưng ngay sau đó, để phục vụ giao thông, di tích đã được lấp cát và làm đường chạy qua gần như giữa di tích trung tâm đàn tế, đến năm 2007, các cấp lãnh đạo Hà Nội và trung ương đã phủ quyết ý kiến xin xây cầu vượt qua khu di tích này.

Xâm phạm Đàn Xã Tắc?

Theo tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Hồng Kiên (Viện Khảo cổ)- người trực tiếp tham gia khảo cổ tại Đàn Xã Tắc, ngày 3.4.2013, Ban Quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội đã có “Báo cáo về việc thực hiện dự án xây dựng cải tạo nút giao thông Ô Chợ Dừa”, trong đó có cho biết đã có được “ý kiến thẩm định của 6 sở, ngành địa phương và thông báo thẩm định của Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội”.

“Tôi tin là các nhà quản lý có đủ tỉnh táo để dừng dự án lại và chọn một giải pháp phù hợp vừa giải phóng được ách tắc ở nút giao thông có lịch sử đến hơn nghìn năm lại vừa bảo tồn được di tích có một không hai của quốc gia, dân tộc” - GS Nguyễn Quang Ngọc- Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội.

Đoạn cuối của báo cáo viết: “Quá trình lập thiết kế cơ sở dự án nút Ô Chợ Dừa (phương án kiến trúc, quy hoạch tổng mặt bằng), chủ đầu tư đã thống nhất với Sở VHTT báo cáo và có thỏa thuận của Bộ VHTTDL tại các Văn bản số 2461/BVHTTDL-DSVH ngày 3.8.2011 về việc thống nhất phương án xây dựng và cải tạo nút giao thông Ô Chợ Dừa, Văn bản số 2511/BVHTTDL-DSVH ngày 25.7.2012 về việc thỏa thuận phương án kiến trúc cầu vượt nút giao thông Ô Chợ Dừa (trong đó các trụ cầu nằm ngoài khu di tích Đàn Xã Tắc)

Vào cuối tháng 3.2013, Ban quản lý các dự án trọng điểm giao thông đô thị Hà Nội cho hay, phương án kiến trúc cầu vượt trực thông ngã 5 Ô Chợ Dừa hạn chế giải phóng mặt bằng, cầu sẽ đi sát phạm vi bảo tồn Đàn Xã Tắc và nhà dân. Mố cầu nằm ngoài di tích, còn mặt cầu có một phần chạy qua di tích này. Theo chủ đầu tư, cầu vượt dự kiến khởi công trong năm nay và hoàn thành năm 2015.

Ông Nguyễn Sỹ Bảo - Giám đốc Ban Quản lý các dự án trọng điểm giao thông đô thị Hà Nội trả lời với báo chí, dự án cầu vượt Ngã 5 Ô Chợ Dừa không xâm hại di tích Đàn Xã Tắc. Đồng thời hiện tại dự án này có khoảng 15-17 phương án, đang trình Chính phủ phê duyệt.

Thế nhưng theo tiến sĩ Kiên, khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích khảo cổ học Đàn Xã Tắc (được thể hiện bằng cái đảo giao thông hiện nay) không đảm bảo đủ diện tích 1.571,8m2 như trong “biên bản khoanh vùng bảo vệ di tích khảo cổ học Đàn Xã Tắc”. Trong khi đó, khu di tích đã được xếp hạng lại có chiều dài trùng với tuyến cầu vượt và sẽ khó tránh được cầu vượt sẽ gồm 9 hoặc 10 nhịp, nghĩa là khoảng 60m sẽ có 1 trụ/mố cầu.

Vậy di tích Đàn Xã Tắc có bị xâm phạm hay không và việc phải công khai các phương án làm cầu vượt (bản vẽ quy hoạch, thiết kế) đang là vấn đề cần một sự vào cuộc mạnh mẽ từ các cơ quan, ban ngành để xác định những biện pháp bảo vệ thích hợp di chỉ quý hiếm này. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem