Nguy hiểm rình rập các kho chứa lúa “khổng lồ” ở miền Tây

Huỳnh Xây Thứ sáu, ngày 05/08/2016 16:59 PM (GMT+7)
Ngày 5.7, người dân ở thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang vẫn chưa hết kinh hoàng khi kể, bàn luận về việc kho chứa nếp của ông Ngô Quang Trường (tên thường gọi Tư Trường, ở ấp Thượng 1, Phú Mỹ) xảy ra vụ tai nạn lao động bất ngờ, cướp đi tính mạng của 1 người và làm 4 người khác bị thương.
Bình luận 0

img

Kho chứa nếp của Ngô Quang Trường - nơi có 4 người bị thương và 1 người tử vong vì bị bao nếp rơi đè.

Theo người dân địa phương, sáng 3.8, một nhóm người đang khuân vác tại kho nếp của ông Tư Trường thì bất ngờ bị đống bao nếp được chất cao hơn 4 mét đổ xuống, đè trúng Trần Hữu Trường Sơn Vũ (25 tuổi), Phan Văn Thạnh (36 tuổi), Ngô Văn Uôl (47 tuổi), Ngô Văn Hồ (27 tuổi, ngụ xã Phú Thọ, Phú Tân) và một người phụ nữ (chịu trách nhiệm ghi sổ số lượng bao, số ký nếp trước khi được đưa ra khỏi kho).

Sau tiếng đổ lớn từ đóng bao nếp, nhiều người làm chung chạy lại cứu người, nhưng do lượng bao nếp rơi xuống quá nhiều và lực đè ập xuống rất mạnh nên anh Vũ đã tử vong tại chỗ, những người còn lại bị thương nặng được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang. Riêng người phụ nữ bị thương nhẹ ở mặt nên không vào bệnh viện chữa trị.

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Hải - Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Đa khoa tỉnh An Giang), bệnh viện vẫn đang điều trị 2 trong số 3 nạn nhân vụ tai nạn trên. Trong đó, anh Hồ và anh Thạnh cùng bị gãy xương cẳng chân phải, tổn thương cơ phần mềm và đã được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật. Còn nạn nhân Uôl bị gãy đốt sống thắt lưng đã được đưa lên TP.HCM đều trị theo nguyện vọng của gia đình.

img

Các bao lúa được chất thành đống lớn, cao bằng chiều cao từ  2 đến 3 người cộng lại. Để có thể khuân vác ra khỏi kho, thường phải có hợp sức của nhiều lao động. Nếu sơ suất, các bao lúa có thể rơi xuống, đè lên người lao động bất cứ lúc nào.

Tai nạn hy hữu trên rất hiếm xảy ra ở các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên, thực tế cho thấy thời gian qua, nhiều nhà hộ dân, cơ sở xay xát, hợp tác xã hay cả doanh nghiệp thu mua lúa gạo đều chất đống lúa quá cao trong nhà kho chập hẹp. Điều này rất nguy hiểm đến tính mạng của người lao động làm công việc khuân vác, vận chuyển.

Một người dân chuyên đi vác lúa, nếp thuê ở thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang cho biết, việc xảy ra ở kho nếp ông Tư Trường không ai mong muốn, nhưng thực tế là kho nếp của ông chất lên rất cao.

“Chiều cao của các bao nếp bằng chiều cao từ  2 đến 3 người cộng lại. Vì vậy, khi lấy bao để vác rất khó phải có sự trợ giúp từ 2 đến 3 người, nếu xảy ra sơ suất một tý là mất mạng như chơi”, người dân này nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên, phần lớn những người tham gia khuân vác là những thanh niên nông thôn, không có công việc ổn định. Thông thường mỗi tấn lúa, người khuân vác sẽ được trả khoảng 60.000 đồng. Nếu siêng năng, trung bình mỗi người khuân vác từ 4-5 tấn/ngày (tức được 240.000 đồng - 300.000 đồng/ngày). Tuy nhiên, những người làm việc nặng nhọc này chỉ “hợp đồng miệng” với người chủ thuê nên khi xảy ra tai nạn thì tự chịu, tự xuất tiền để chữa trị.

Anh Nguyễn Văn Tâm (ngụ tại phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ) cho biết, việc vác lúa thật chất rất nguy hiểm và nặng nhọc, nhất là trong các nhà kho đầy khói bụi của các hợp tác xã. “Vì đất ít nên các hợp tác xã thường xây dựng kho hẹp và tận dụng chiều cao để chất lúa lên. Có những kho nhìn cao ngất, thấy thôi đã không muốn làm, nhưng vì trình độ học vấn thấp nên phải cố”, anh Tâm nói.

Cũng theo anh Tâm, nghề khuân vác lúa thường xảy ra tai nạn như trầy da, gãy tay hoặc chân, viêm đường hô hấp. Phần lớn, ai khuân vác lâu ngày cũng bị bệnh đau lưng, đau xương khớp khi tuổi tác càng lớn về sau.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem