Nguyên nhân khiến Nha Trang thiệt hại nặng nề sau áp thấp nhiệt đới

Đình Thắng Thứ hai, ngày 19/11/2018 15:47 PM (GMT+7)
Chiều nay (19/11), trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Trường Sơn- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai đã lý giải vì sao Nha Trang (Khánh Hòa) lại chịu thiệt hại lớn từ trận sạt lở vừa qua.
Bình luận 0

Tối ngày 18/11, sau khi đi vào vùng bờ biển các tỉnh Ninh Thuận-Bình Thuận, áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành một vùng áp thấp trên đất liền tỉnh Bình Thuận, tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, suy yếu và tan dần.

img

Ông Nguyễn Trường Sơn- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai đã lý giải vì sao Nha Trang lại chịu thiệt hại lớn từ trật sạt lở vừa qua.Ảnh: Đình Thắng

Điều đáng nói là, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, tối cùng ngày tại Nha Trang đã xảy ra mưa lớn, tiếp sau đó là sạt lở núi ở khu vực núi Hòn Rớ (TP.Nha Trang) khiến 18 người chết và mất tích. Đây là thể nói là thiệt hại lớn và rất bất ngờ khiến cơ quan chức năng lẫn người dân không thể lường trước được

Lý giải nguyên nhân khiến tỉnh Khánh Hoà chịu thiệt hại lớn từ trận sạt lở, ông Nguyễn Trường Sơn- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, thứ nhất, việc phát triển kinh tế xã hội ở núi Hòn Rớ (TP.Nha Trang) rất mạnh, nhà cửa đã được xây dựng ven chân núi, chính bởi vậy khi xảy ra sạt lở, hậu quả rất lớn. Từ sự việc xảy ra chúng ta có thể thấy việc phát triển kinh tế xã hội khu vực này đã không lồng ghép với phòng chống rủi ro thiên tai nên khi thiên tai xảy ra, hậu quả rất lớn.

img

Sạt lở núi đêm 18/11 tại TP Nha Trang khiến 18 người chết và mất tích. Ảnh: Zing.vn

Nguyên nhân thứ hai theo lý giải của ông Sơn, do lượng mưa quá lớn ngoài sức tưởng tượng, và ngoài khả năng dự báo, chỉ 12 tiếng mà tổng lượng mưa đạt 300mm, mưa xảy ra ở địa hình hẹp dốc khiến nước, đất đá trôi nhanh theo các khe suối đổ xuống chân núi, nơi có nhà cửa san sát. Theo các chuyên gia dự báo đây là mưa cực đoan nên rất khó lường.

Ông Sơn cho biết, trước đó theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia, lượng mưa ở khu vực này từ 100-150mm. Riêng Đài khí tượng thuỷ văn tỉnh Khánh Hoà dự báo lượng mưa 150-200mm. 

Tuy nhiên đây là mưa cực đoan dị thường nên lượng mưa kỷ lục vượt quá dự báo, mưa lại tập trung từ đêm đến sáng nên gây ra thiệt hại lớn.

"Qua đó cho thấy công tác dự báo định lượng mưa còn rất khó khăn, nên công tác cảnh báo chưa đáp ứng được yêu cầu, thiệt hại từ lũ quét sạt lở vẫn còn rất lớn" - ông Sơn khẳng định.

Hiện nay tỉnh Khánh Hoà đã sơ tán gần 400 hộ dân. Đây là bài học quá đắt giá đối với tỉnh Khánh Hoà khi có 18 người chết và mất tích

Để tập trung ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, theo ông Sơn, UBND tỉnh Khánh Hòa và các địa phương khác ở khu vực Nam Trung Bộ cần tổ chức tìm kiếm người còn mất tích, cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, mai táng người bị thiệt mạng; hỗ trợ chỗ ở, lương thực, thực phẩm, không để người dân bị đói, “màn trời, chiếu đất”

Tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ trượt lở đất, lũ quét để chủ động sơ tán, di dời dân cư đảm bảo an toàn. Tăng cường tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn người dân chủ động phòng ngừa; cử người canh gác, hướng dẫn giao thông tại các khu vực có nguy cơ bị sạt lở, ngập sâu, nước chảy xiết, nhất là qua các ngầm, tràn, hạn chế thiệt hại do mưa lũ.

Để hạn chế thiệt hại tương tự xảy ra, theo ông Sơn, chúng ta cần tiến tới phòng chống thiên tai theo hướng quản lý rủi ro. Bao gồm công tác dự báo, cảnh báo, tuyên truyền cho người dân nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng tráng, ứng phó thiên tai. Có những khu vực không thể di dời toàn bộ dân cư đi được, vậy nên việc quản lý rủi ro ở những khu vực này là rất quan trọng.

Xuất hiện bão số 9, khả năng đổ bộ Nam Trung Bộ

Ông Nguyễn Trường Sơn- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, trong vài ngày tới sẽ tiếp tục xuất hiện cơn bão số 9, có thể đổ bộ vào Nam Trung Bộ. Cơn bão số 9 được dự báo nguy hiểm hơn rất nhiều so với cơn bão số 8, mưa sẽ rất lớn, nguy cơ lũ quét sạt lở rất cao, chính vì vậy công tác đầu tiên là phòng chống, ứng phó bão trên biển, ở những vùng nuôi trồng thuỷ sản. Thứ hai, ứng phó với lũ quét sạt lở đất, rà soát những vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét sạt lở đất, để quyết liệt sơ tán dân nếu bão đổ bộ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem