Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bị hành hung: Thiệt hại cho cả cộng đồng

Vinh Hải (thực hiện) Chủ nhật, ngày 27/03/2016 15:11 PM (GMT+7)
“Các cơ quan chức năng có đầy đủ bộ công cụ để xử lý hành vi cản trở nhà báo tác nghiệp nhưng lại đùn đẩy nhau, không ai làm cả. Đến nay mới chỉ có 3 trường hợp bị xử phạt sau khi có sự lên tiếng mạnh mẽ của cộng đồng, các tổ chức xã hội nghề nghiệp”.
Bình luận 0

Nhà báo Mai Phan Lợi - Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng (MEC) - chia sẻ sau vụ việc nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (Báo Lao Động) bị hành hung dã man.

Ông có nhận định gì qua vụ việc nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (cây bút phóng sự điều tra nổi tiếng của báo Lao Động) cùng nhiều nhà báo khác bị hành hung, cản trở tác nghiệp thời gian qua?

- Đối với vụ việc nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bị hành hung, hiện chưa có kết quả điều tra cuối cùng. Tuy nhiên, anh Hoàng đã trình bày là không có tư thù với ai cả. Thời gian qua anh đã cùng đồng nghiệp thực hiện nhiều loạt bài điều tra, trong quá trình thực hiện cũng đã nhận được nhiều tin nhắn đe dọa.

Nếu đúng như vậy thì có thể nhận định trong vụ việc này có sự răn đe, dằn mặt có tổ chức, mang tính chất côn đồ khi nhằm đánh vào những vị trí hiểm của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng. Vụ việc này cũng như những vụ việc nhà báo, phóng viên bị hành hung, cản trở tác nghiệp thời gian qua cho thấy tính chất ngang nhiên, trắng trợn của các đối tượng muốn ngăn nhà báo vạch trần những tham nhũng, tiêu cực trong xã hội.

img

Nhà báo Mai Phan Lợi (phải) cùng nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (Báo Lao Động) tại một chương trình giao lưu "Nhà báo với sức khỏe cộng đồng" tại Khuyên Club. (Ảnh: MEC)

Theo ông, những hành vi côn đồ như vậy sẽ ảnh hưởng thế nào đến hoạt động tác nghiệp của các nhà báo, đến việc phanh phui tiêu cực của báo chí?

“Tại một hội nghị báo chí, lãnh đạo Hội Nhà báo cho biết đã gửi 80 công văn liên quan đến việc hội viên bị cản trở tác nghiệp, bị hành hung nhưng không có cơ quan nào trả lời cả. Điều này khiến nhà báo rất đơn độc, khi có vấn đề xảy ra với mình, chỉ có thể đăng báo để phản ánh”.

Nhà báo Mai Phan Lợi

- Tôi cho rằng đây là những hành vi cực kỳ nghiêm trọng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân nhà báo, phóng viên và tòa soạn, mà còn là sự thiệt hại cho cả cộng đồng. Như việc nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bị đánh, không chỉ cá nhân anh Hoàng đau đớn, sống trong lo sợ, mà tòa soạn Báo Lao Động có một phóng viên bị chấn thương, phải hạn chế trong tác nghiệp sau này.

Những hành vi côn đồ này có thể khiến nhiều nhà báo, phóng viên khác chùn tay trước âm mưu của các đối tượng cản trở mình, không dám lên tiếng để đưa những thông tin quan trọng cho độc giả.

Thứ hai, việc các nhà báo, phóng viên bị hành hung liên quan đến quá trình tác nghiệp cũng sẽ gây tổn hại tới niềm tin của cộng đồng. Người ta ngày càng nhận ra rằng nghề báo là nghề nguy hiểm. Đây mới là điều hết sức đáng lo ngại và nguy hiểm. Bởi nếu cứ như vậy rồi sẽ đến lúc, thông tin về nhà báo bị hành hung trở thành "nhàm" trên mặt báo, khiến cho mọi người “vô cảm”.

Việc nhà báo bị hành hung là do chưa có đủ hành lang pháp lý để bảo vệ họ khi tác nghiệp hay còn lý do nào khác, thưa ông?

- Về mặt hành chính, chúng ta đã có quy định xử phạt lên tới 30 triệu đồng đối với đối tượng có hành vi cản trở nhà báo, phóng viên tác nghiệp. Thế nhưng đến nay mới chỉ có 3 trường hợp bị xử phạt sau khi có sự lên tiếng mạnh mẽ của cộng đồng, các tổ chức xã hội nghề nghiệp.

Các cơ quan chức năng có đầy đủ bộ công cụ để xử lý hành vi cản trở nhà báo tác nghiệp, nhưng lại đùn đẩy nhau, không ai làm cả. Còn các biện pháp dân sự chưa bảo vệ được nhà báo, phóng viên và các hội viên.

Theo ông, có cần thiết phải quy định tội cản trở nhà báo tác nghiệp trong Bộ luật Hình sự hay không?

- Trung tâm MEC đã nhiều lần đưa ra kiến xử lý hình sự đối với hành vi cản trở báo chí tác nghiệp. Chúng ta thường hô hào nghề báo là quan trọng, là đóng góp cho xã hội, nhưng đến khi nhà báo bị hành hung, bị cản trở thì các cơ quan pháp luật thụ lý như những vụ việc mâu thuẫn cá nhân thông thường, chứ không phải có yếu tố công vụ. Họ chờ nhà báo bị hại đến trình báo, rồi sau đó xác định tài sản hư hại có giá trị vượt quá 2 triệu đồng, thương tích có hơn 11% hay không mới vào cuộc.

Do đó các vụ việc nhà báo bị hành hung vẫn chỉ được xem xét ở yếu tố mâu thuẫn cá nhân chứ không phải công vụ. Về mặt chính sách như thế là không ổn, cần có quy định hình sự về tội cản trở báo chí. Đã có nhiều trường hợp nhà báo, phóng viên bị hành hung khi tác nghiệp rồi, chúng ta cần hành động chứ không chỉ kiến nghị, hô hào bảo vệ lẫn nhau nữa.

Theo ông, cần hành động như thế nào để bảo vệ quyền tác nghiệp của nhà báo?

- Mỗi phóng viên, nhà báo cần tự xây dựng kế hoạch phòng ngừa rủi ro trước, trong và sau mỗi vụ việc, đánh giá kỹ phản ứng của các đối tượng liên quan. Chúng ta luôn giữ gìn đạo đức nghề nghiệp và có kỹ năng tự phòng thân khi tác nghiệp. Các cơ quan báo chí cần sử dụng tối đa các công cụ hiện có để bảo vệ quyền tác nghiệp, nhất thiết không vì quan hệ hay lợi ích riêng mà im lặng.

Đồng thời cũng cần kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Đối với các cơ quan, tổ chức có liên quan, cần sớm bổ sung, sửa đổi chính sách hình sự, vận dụng để đảm bảo mọi hành vi cản trở, hành hung nhà báo đều bị xử lý hình sự mà không cần đợi giám định thương tật.

Bên cạnh đó, cũng cần sửa đổi quy trình, tập huấn cho lực lượng thanh tra thông tin truyền thông các cấp về xử phạt vi phạm hành chính các hành vi cản trở báo chí. Điều này cốt để đảm bảo các chế tài đã có được thực thi chứ không phải là hô hào khẩu hiệu.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem