Nhà sưu tầm báo cổ: “Tán chủ tư liệu còn khó hơn tán gái“

Bùi Hồng Liên Chủ nhật, ngày 19/04/2015 09:37 AM (GMT+7)
“Nói thật là tán chủ tư liệu còn khó hơn tán gái. Tôi đã từng đi tán gái nhiều nên tôi biết, khó thì khó thật nhưng tán gái vẫn không thể khó bằng tán các ông già. Có những ông già tôi phải tán đến đúng 8 năm mới chịu “đổ”...
Bình luận 0

Đó là chia sẻ hóm hỉnh của nhà sưu tầm báo cổ Hoàng Minh, một trong những khách mời tới tham dự buổi tọa đàm “150 năm báo chí Quốc ngữ” (1865-2015) diễn ra vào ngày 18.4.

img

Buổi tọa đàm với sự tham gia của nhà sưu tầm báo chí Tạ Thu Phong, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, nhà văn Nguyễn Trương Quý, nhà sưu tầm Hoàng Minh (từ trái qua phải) tại thư viện Hà Nội

Buổi tọa đàm kéo dài gần 3 tiếng đồng hồ, xoay xung quanh những vấn đề ngôn ngữ báo chí quốc ngữ thời kỳ đầu thế kỷ XX, sự thay đổi của báo chí Quốc ngữ so với báo chí ngày nay và công việc của những người sưu tầm báo chí tại Việt Nam- một công việc gian khổ và đơn độc.

Cách đây tròn 150 năm, ngày 15.4.1865, Gia Định Báo, tờ báo Quốc ngữ số đầu tiên đã ra đời. Lần đầu tiên, người Việt Nam có được tờ báo in bằng chữ Quốc ngữ.

Kể từ đó đến nay, báo chí Quốc ngữ đã phát triển vượt bậc, trở thành chủ lưu của báo chí Việt Nam. Tọa đàm “150 năm báo chí Quốc ngữ” cũng chính là buổi tọa đàm nhìn lại 150 năm lịch sử văn hóa của dân tộc với bao thăng trầm, biến động.

Đặc biệt để có được cái nhìn khách quan và chân thật nhất về những thăng trầm, biến động của báo chí Quốc ngữ, không thể không nhắc tới và tôn vinh những con người thầm lặng làm công tác sưu tầm báo chí-  những người làm cái nghề mà ở Việt Nam chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

img

PGS.TS Văn Giá phát biểu tại toạ đàm

Kể về hành trình sưu tầm báo chí cổ, nhà sưu tầm Hoàng Minh chia sẻ: “Trong quá trình sưu tầm báo, tôi nghĩ nhiều khi tìm được nó giống như một cái cơ duyên và cái duyên này cũng phải trả bằng một cái giá khá đắt. Cụ thể là trong khi sưu tầm bộ Tân Thiếu Niên, tôi đã phải è cổ ra để mua nó bởi cái giá rất đắt. Bởi, nếu tôi không chớp lấy thời cơ thì đã có một anh Việt Kiều trả giá cao hơn đem ra nước ngoài”.

 

Kỉ niệm mà anh Hoàng Minh cảm thấy luyến tiếc nhất đó là: không “với” được tới bộ Ngày Nay trọn vẹn được xuất hiện ở Sài Gòn. Anh Minh cho biết, lúc đó bộ Ngày Nay này được bán với giá quá cao. Mặc dù, anh đã đã nằn nì đủ kiểu, lại thêm là chỗ thân quen người  bán đã hạ giá tối đa... mà vẫn vượt quá nhiều lần sức anh có thể mua được.

Khi có đủ tiền rồi, anh Minh quay lại mua thì bộ đó không còn nữa. “Với tôi, đó là điều tiếc nuối vô cùng trong cuộc đời khi mà mình không làm gì được, lực bất tòng tâm”- anh Hoàng Minh tâm sự.

Cũng trong buổi tọa đàm, nhà sưu tầm Tạ thu Phong - người lưu giữ hàng trăm đầu báo cổ cũng chia sẻ về hành trình sưu tầm báo cổ. Với anh, mỗi tờ báo đều có thân phận, là lịch sử, thông tin, mỹ thuật và vô vàn kiến thức mà anh nâng niu.

Anh Phong cho hay, trong giới sưu tập, tờ báo xưa nhất, cổ nhất chưa chắc đã quý nhất. Mà tờ quý nhất chính là những tờ hiếm nhất, ít gặp nhất. Trong đó tờ Phan Yên Báo (1898) tuy không phải là tờ báo Quốc ngữ đầu tiên nhưng lại là tờ mà xưa nay hiếm có ai đã nhìn thấy và biết "mặt mũi" nó như thế nào.

Nói về lý do tại sao người sưu tầm sách thì lại nhiều mà người sưu tầm báo thì lại ít, thậm chí đếm được trên đầu ngón tay, anh Phong thẳng thắn chia sẻ:

"Thứ nhất là do tâm lý người Việt Nam luôn có truyền thống tôn sư trọng đạo, mỗi cuốn sách là một người nhưng chưa ai coi báo là thầy cả. Chính vì tâm lý đó mà báo chí chỉ được coi là công cụ. Khi công cụ đã sử dụng vào việc lấy thông tin thì hoàn toàn có thể sử dụng vào việc khác".

Việc khác ở đây mà anh Phong nói đến là khi công nghệ chưa phát triển, tức là thời kỳ chưa có túi nilon thì báo chí ngoài chức năng để đọc còn có chức năng để bọc, gói.

Thứ hai là do quan niệm khác nhau về chính trị - chính thể nên trong thế kỷ XX, báo bị tiêu hủy rất nhiều.

Thứ ba là điều kiện khí hậu ở Việt Nam, thời tiết nóng ẩm, trời nồm nên việc bảo quản những tờ báo đặc biệt là những tờ có khổ rộng là việc cực kỳ khó khăn.

Chủ nhân của những tờ báo quý như tờ Gia Định báo xuất bản số đầu năm 1865, tờ Khai hóa Nhật báo của Bạch Thái Bưởi... tiếp tục kể về việc làm sao để có được những tờ báo cổ trong tay.

"Đó là một trành hình dài, một cuộc chiến đấu vô cùng căng thẳng, vừa mang tính nhân tình lại vừa phải lì lợm, vừa phải làm cho người giữ cảm động. Thậm chí là cứ thế đi mãi, đến mãi, gặp mãi, ngồi mãi rồi và cuối cùng người ta không thể chịu đựng nổi nữa, lì quá rồi thôi thì đầu hàng", anh Phong nói.

img

Các diễn giả và các nhà báo chụp ảnh lưu niệm sau khi tọa đàm kết thúc.

Những cái tên quen thuộc trong nhóm sưu tầm báo cổ như Hoàng Minh, Tạ Thu Phong hay Trịnh Hùng Cường, Nguyễn Phát Hà Giang,... là những người đọc lịch sử qua lớp phủ của thời gian, nhận giá trị của hôm nay từ quá khứ đã lưu lạc và chìm sâu dưới lòng đất .

Những người làm công tác tìm kiếm, bảo tồn, bảo tàng - họ là những người lưu giữ ký ức. Bằng tất cả trái tim và niềm đam mê vốn có họ đã đến với nghề như một cơ duyên, lặng lẽ góp phần lưu giữ những giá trị truyền thống của dân tộc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem