Nhà văn Nguyễn Hiếu: Điểm trũng của văn nghệ Việt Nam đã qua, sự phục hưng sẽ hé lộ

Nhà văn Nguyễn Hiếu Thứ ba, ngày 01/01/2019 17:00 PM (GMT+7)
Nhà văn Nguyễn Hiếu kỳ vọng: “Năm 2019 hy vọng điểm trũng của văn nghệ Việt Nam đã qua, sự phục hưng sẽ hé lộ. Cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ quân đội, Tạp chí Nhà văn và tác phẩm khuyến khích bút pháp mới sẽ phát hiện ra những tài năng mới”.
Bình luận 0

Theo tôi, năm 2018 có thể nói là năm bình lặng của nền văn nghệ nước ta, nếu không muốn nói là đi xuống. Mặc dù các hoạt động bình thường như các trại sáng tác vẫn mở ra, những cuộc thi văn chương như cuộc thi thơ của tạp chí Nhà văn và tác phẩm, cuộc thi truyện ngắn của báo Văn nghệ đã tổng kết, các Hội diễn sân khấu kịch nói, cải lương... toàn quốc, sân khấu Thủ đô vẫn tìm ra những tác phẩm trao giải, nhưng đều trong tình trạng "so bó đũa chọn cột cờ” chứ chưa có những tác phẩm nổi trội đúng nghĩa. Giải thưởng của Hội nhà văn Hà Nội không tìm ra một sáng tác nào để trao. Hội nhà văn Việt Nam cũng lúng túng “chả nhẽ cả một năm mà không có giải”.

img

Liên hoan điện ảnh quốc tế thì thêm một lần càng thấy điện ảnh nước ta thụt lùi quá sâu với thế giới cả nội dụng, hình thức thể hiện và kĩ thuật làm phim. Hai hiện tượng nổi trội đáng lo ngại là tác phẩm tự tin trong năm 2018 quá nhiều, nhất là thơ, đã làm chất nghiệp dư trong văn chương lấn át chất chuyên nghiệp, chất lượng nền văn học giảm sút. Tại hội diễn, liên hoan sân khấu kịch bản cũ được dựng lại chiếm tỉ lệ quá cao, dường như tiêu chí an toàn cho tiết mục tham gia hay ứng phó với sự eo hẹp tài chính ở các đơn vị sân khấu đã làm kịch mục hội diễn, liên hoan sân khấu năm 2018 nghèo nàn hẳn.

Năm 2018 là năm lò chống tham nhũng của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều thanh củi gộc vào lò, nhưng văn nghệ, nhất là sân khấu, vẫn không có kịch phẩm nào phản ánh đề tài nóng bỏng mà rất phù hợp với kịch. Hai vở diễn được đánh giá cao là “Bão tố  Trường Sơn” và “Tổ quốc cuối con đường” vẫn thuộc đề tài chiến tranh, cách mạng. Nói về những bức xúc về xã hội, người xem vẫn phải tìm đến kịch Lưu Quang Vũ mặc dù ông đã đi xa 3 thập niên.

Thêm vào đó, sự sát nhập các đơn vị sân khấu trong cơn bão giảm biên càng làm các đơn vị hoạt động sân khấu khó khăn. Trong khi sân khấu quốc doanh lúng túng thì sân khấu tư nhân phía Bắc có điểm sáng là sân khấu Lệ Ngọc, mà thành tựu lớn nhất trong năm qua là kéo khán giả trở lại kịch trường và quảng bá kịch Việt Nam ra thế giới. Năm 2019 đã đến, tôi hy vọng điểm trũng của văn nghệ Việt Nam đã qua, sự phục hưng sẽ hé lộ.

Cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ quân đội và Tạp chí Nhà văn cùng tác phẩm khuyến khích bút pháp mới sẽ phát hiện ra những tài năng mới. Kỳ viết mới của “Cây bút vàng”, cuộc thi đề tài “Vì an ninh tổ quốc” của Hội nhà văn Việt Nam và Bộ Công an khuyến khích nhiều thể loại khó như kịch sẽ có nhiều thu hoạch, tạo nội lực cho Liên hoan sân khấu lực lượng vũ trang mở ra vào năm kỷ niệm chẵn cận kề.

Cuộc thi kịch bản viết về Hà Nội vừa phát động hy vọng sẽ có nhiều tác phẩm để sân khấu thủ đô khỏi cơn khát về tác phẩm Hà Nội đúng nghĩa. Và cuối cùng là hy vọng Liên hoan sân khấu thể nghiệm quốc tế  lần ba sẽ là cú hích mạnh mẽ để nền kịch nước ta thoát khỏi sự suy thoái đáng buồn hiện nay cả về đề tài và hình thức thể hiện. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem