Nhật - Trung hoãn hội đàm do căng thẳng gia tăng

Thứ bảy, ngày 27/10/2012 06:07 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngày 26.10, Nhật Bản cho biết các cuộc hội đàm về xây dựng “cơ chế liên lạc trên biển” giữa cơ quan quốc phòng Nhật Bản và Trung Quốc nhằm tránh các xung đột trên biển Hoa Đông đã chính thức bị hoãn do căng thẳng ngoại giao song phương.
Bình luận 0

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Satoshi Morimoto cho biết, hai nước dự kiến tổ chức các phiên tham vấn tiến tới thiết lập “Cơ chế liên lạc trên biển” vào cuối năm 2012. Tuy nhiên, những căng thẳng ngoại giao gần đây đã làm quá trình này ngừng trệ, đặc biệt là sau khi Tokyo quốc hữu hóa quần đảo Senkaku (mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư).

Ngoài ra, ông Morimoto cũng bày tỏ hy vọng “sẽ sớm nối lại quá trình này” trong khi “quả bóng hiện đang nằm trên phần sân của Trung Quốc”.

img
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Satoshi Morimoto cho biết, tương lai của cuộc hội đàm phụ thuộc vào Bắc Kinh.

Theo ông Morimoto, “Cơ chế liên lạc trên biển” được xây dựng nhằm mục đích phòng ngừa khả năng phát sinh xung đột quân sự một cách ngẫu nhiên do phán đoán sai như các sự cố va chạm giữa tàu chiến, máy bay của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) và máy bay, tàu chiến của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Trụ cột của cơ chế liên lạc trên biển này là việc thiết lập đường dây nóng giữa cơ quan quốc phòng hai nước.

Giáo sư Lương Vân Tường thuộc Học viện Quan hệ Quốc tế Đại học Bắc Kinh bình luận, trên thực tế, Trung-Nhật chưa hề từ bỏ nỗ lực cải thiện quan hệ song phương. Mặc dù cả hai đều muốn có được sự thỏa hiệp về mặt ngoại giao, song hiện vẫn chưa thấy được sự nhượng bộ cơ bản của hai bên về lập trường. Hai nước không công khai hội đàm có lẽ là bởi cả Bắc Kinh và Tokyo đều thấy được rằng đàm phán lần này khó có thể đạt các kết quả khả quan.

Liên quan đến hòn đảo tranh chấp Senkaku/ Điếu Ngư, Tân Hoa xã ngày 25.10 đưa tin nước này có một bản đồ vẽ năm 1832 của một đại tá người Pháp, trong đó ghi tên quần đảo tranh chấp với Nhật là Tiaoyu-Su, tức Điếu Ngư (Nhật gọi là Senkaku). Tân Hoa xã cho rằng, đây là bằng chứng chứng tỏ chủ quyền của Trung Quốc với quần đảo. Tấm bản đồ do đại tá người Pháp Pierre Lapie vẽ năm 1832 và được đại sứ Trung Quốc tại Bỉ Liêu Lý Cường tìm thấy ở hiệu sách Schwilden tại đường Galerie Bortier, Brussels (Bỉ).

Theo ông Liêu, văn tịch sớm nhất của Nhật Bản có đề cập đến quần đảo tranh chấp là quyển Đại cương minh họa Tam quốc do Hayashi Shihei viết vào năm 1785, trong đó có một bản đồ vẽ nhóm đảo này có cùng một màu với đại lục Trung Quốc. Ông khẳng định điều này có nghĩa "Điếu Ngư đảo là lãnh thổ của Trung Quốc”.

Trước đó, ngày 10.10, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Koichiro Gemba từng lên tiếng bác bỏ chủ quyền của Trung Quốc với quần đảo Senkaku, với việc công bố một tấm bản đồ do chính Trung Quốc xuất bản năm 1960 cho thấy quần đảo này là lãnh thổ Nhật Bản. Theo thông tin trên trang web của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, bản đồ thế giới của Trung Quốc cho thấy quần đảo tranh chấp này là một phần của Nhật Bản.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem