Nhiều đại biểu Quốc hội phát biểu “vuốt ve” quá!

Lương Kết-Hải Phong Thứ năm, ngày 24/03/2016 06:33 AM (GMT+7)
“Đại biểu Quốc hội khi phát biểu còn "vuốt ve" nhiều quá. Một cơ thể có bướu, một người có bệnh nên chỉ ra bệnh gì. Tất nhiên đừng nói sốc quá, người ta sợ mà chết mất" – đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đỗ Văn Đương đánh giá như vậy khi thảo luận về báo cáo nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XIII.
Bình luận 0

Hoạt động Quốc hội dân chủ hơn

Ngày 23.3, Quốc hội làm việc tại tổ để cho ý kiến vào các báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ… Nhiều đại biểu (ĐB) đã dành sự quan tâm đến báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội.

img

Đại biểu Đỗ Văn Đương mong tiếng nói của các ĐBQH phản ánh mạnh mẽ hơn tâm tư
của nhân dân.  Ảnh:  T.L.

ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) đánh giá nhiệm kỳ qua, hoạt động Quốc hội đã dân chủ hơn, ĐB được bày tỏ chính kiến nhiều hơn. “ĐBQH đã đem hơi thở cuộc sống vào nghị trường để các nghị quyết sát với thực tiễn” - ông Đương nói.

Tuy nhiên, ĐB Đương vẫn còn nhiều băn khoăn, trăn trở: "Quốc hội đã thực sự là cơ quan cao nhất của dân chưa? Mỗi ĐBQH có dám phản ánh tâm tư, nguyện vọng của dân, có đeo bám vấn đề đến cùng không?".

Theo ĐB Đương, tính tranh luận tại nghị trường chưa đến cùng, các vấn đề gai góc chưa được làm rõ. Nhiều dự án luật còn nặng về câu chữ, sử dụng từ ngữ rắc rối, khó hiểu nên khi đi vào cuộc sống trở nên phức tạp.

Về công tác giám sát của Quốc hội, ĐB Đương đánh giá giám sát vẫn dựa vào báo cáo, tính phản biện chưa cao. “ĐBQH khi phát biểu còn "vuốt ve" nhiều quá. Một cơ thể có bướu, một người có bệnh nên chỉ ra bệnh gì. Tất nhiên đừng nói sốc quá, người ta sợ mà chết mất" - ĐB Đương nói.

Ở một góc độ khác, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) nhìn nhận Quốc hội khóa XIII có một sự đổi mới vượt bậc về công tác lập pháp, tuy vậy Quốc hội dường như vẫn chưa có sự tin tưởng lắm với sáng kiến xây dựng luật của một số ĐBQH. “Đơn cử như dự án Luật Hành chính công do tôi đề xuất xây dựng, sau 4 năm từ khi đề xuất Chính phủ đã ủng hộ, các cơ quan của Quốc hội đã ủng hộ, nhưng khi trình ra vẫn chưa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình” - nữ ĐB Khánh phân vân.

“Đó là điều làm tôi đau xót”

ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) -Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, bài học kinh nghiệm đầu tiên của Quốc hội nhiệm kỳ XIII là vấn đề nhân sự, làm thế nào để bầu ra ĐBQH tốt là rất quan trọng. "Tổng kết nhiệm kỳ công tác của Quốc  hội cũng không có đánh giá nào về hoạt động cụ thể của ĐBQH. Không có đánh giá ĐBQH nào làm tốt, trăn trở, nỗ lực cho công việc, ĐBQH nào cả kỳ chẳng có hoạt động gì đáng kể. Đó là điều làm tôi đau xót, lòng người còn chưa thỏa" - ĐB Quyền nói.

Theo ĐB Quyền. những ĐBQH hoàn thành tốt nhiệm vụ và những ĐBQH chưa hoàn thành nhiệm vụ phải được đánh giá. Ông Quyền nhìn nhận trong nhiệm kỳ qua không thể có chuyện 100% ĐBQH đều đã hoàn thành nhiệm vụ của mình.

“Tôi nhớ rất nhiều báo cáo tổng kết của các khóa Quốc hội đều có một câu là Quốc hội ngày càng vươn lên để làm tròn trách nhiệm, chức năng nhiệm vụ của mình trước nhân dân theo Hiến pháp, pháp luật quy định. Vậy là Quốc hội chưa bao giờ làm tròn, đầy đủ hay sao? Thành tựu đúng là nhiều, song cũng còn quá nhiều việc chưa làm được hoặc cần nỗ lực hơn” - ông Quyền nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) cho rằng, báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội không có trang nào, dòng nào nói riêng về thực hiện trách nhiệm của cá nhân ĐBQH mà chỉ là những ý rất sơ sài, chung chung. “Qua theo dõi trên nghị trường, có những ĐBQH phát biểu giống hệt nhau, ý tứ trùng lặp hoàn toàn. Vậy trách nhiệm của các ĐBQH đó thế nào?” - bà Hà đặt câu hỏi. 

Mong có tuyên bố về Biển Đông
Về tình hình Biển Đông, ĐB Trần Đình Long (Đăk Nông) cho rằng đã đến lúc chúng ta phải đánh giá, xem xét. Hiện giờ, hàng ngày ngư dân ta vẫn bị Trung Quốc xua đuổi đe dọa ngay trên vùng biển Trường Sa. Tại sao Quốc hội không có nghị quyết chính thức về vấn đề Trường Sa, Hoàng Sa, trong khi Mỹ và các nước EU đều chính thức có ý kiến? “Là một đảng viên và ĐB Quốc hội, tôi cũng thấy không biết nói với cử tri thế nào khi dân hỏi về thái độ của Quốc hội đối với vấn đề Trường Sa, Hoàng Sa” - ông Long cho biết.
Đồng quan điểm, ĐB Võ Thị Dung (TP.HCM) cho rằng, Quốc hội đã làm được nhiều việc, nhưng đáng tiếc là chưa có thêm quyết sách, quyết định công bố trước toàn dân về quyết tâm bảo vệ chủ quyền, nhất là trong thời điểm nhiều thách thức: "Nếu làm được vậy thì nhân dân, cử tri cả nước sẽ hài lòng hơn với Quốc hội".
ĐB Lê Minh Thông (Thanh Hóa) cũng nhận định: Cử tri muốn Quốc hội chúng ta mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa và cần có tuyên bố trong vấn đề Biển Đông. Nhiều cử tri hỏi tại sao chúng ta không có tiếng nói mạnh mẽ hơn dù chúng ta có những bước đi của chúng ta.  


Quốc hội vượt lên “con số  định mệnh”
ĐB Lê Minh Thông (Thanh Hóa) cho rằng: “Nhìn chung, báo cáo về nhiệm kỳ vừa qua của Quốc hội khóa XIII là đúng mức, không quá tô hồng mà nói rõ thực trạng. Về mặt tâm linh, người ta ngại con số 13. Nhưng con số 13 có thể nói là đã vượt lên định mệnh. Rõ ràng Quốc hội khoá XIII để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong mỗi cử tri và mỗi ĐBQH. Đây là nhiệm kỳ đầy thách thức, rất nặng nề nhưng cũng rất đáng tự hào. Nhiệm kỳ mà khối lượng công việc lớn chưa từng có trong lịch sử, tính cả kỳ này là thông qua 107 đạo luật. Công sức bỏ ra là rất lớn, chưa kể bản Hiến pháp 2013 mở ra tiềm năng phát triển của chúng ta”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem