Nhiều tỉnh chưa trả tiền dịch vụ môi trường rừng

Thứ sáu, ngày 26/04/2013 16:47 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT), đến nay vẫn còn nhiều tỉnh chưa trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Việc chậm trễ này đã ảnh hưởng lớn đến việc hỗ trợ người trồng rừng...
Bình luận 0

 Triển khai quá chậm

Theo đánh giá của nhiều địa phương, việc thực hiện chi trả DVMTR được coi là một giải pháp bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Tuy nhiên, hiện nhiều địa phương triển khai giải ngân tiền DVMTR còn rất chậm. Như tại Tuyên Quang, công tác này mới chỉ ở mức tiến hành rà soát, lập danh sách các chủ rừng. Trong đó, hệ thống chủ rừng là hộ gia đình cũng chưa lập xong nên dự kiến phải tới tháng 6 mới có kế hoạch chi trả và trong quý IV/2013 mới thanh toán xong phí dịch vụ môi trường.

img
Công ty TNHH Canon Việt Nam hỗ trợ trồng rừng tại Vườn quốc Gia Bến En (Thanh Hóa).

Còn tại Quảng Nam, công tác thực hiện chi trả tiền DVMTR cũng mới dừng lại ở việc tiến hành thành lập xong bộ máy và triển khai thực hiện 50% nội dung của các đề án.

Theo ông Nguyễn Bá Ngãi - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, đến nay đã có 29 tỉnh thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp tỉnh. Trong quý I/2013, Quỹ T.Ư đã thu được hơn 203 tỷ đồng, đạt 28,4% kế hoạch năm. Trong đó, đã chuyển cho các tỉnh là trên 136 tỷ đồng. Song chủ yếu do các địa phương giải ngân chậm, nên việc chi trả tiền DVMTR cho người dân chưa đạt kế hoạch đề ra.

Ông Trịnh Nam Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) cho biết, Chính phủ đã quy định mức khoán bảo vệ rừng rất cụ thể là 200.000 đồng/ha/năm. Như vậy, tổng nhu cầu vốn cho hoạt động này khoảng 49.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2011- 2020.

Thiếu vốn trồng rừng

Theo ông Nguyễn Đức Quyền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, tỉnh hiện có 626.800ha đất rừng, trong đó có 69.500ha là đất trống. Dù tỉnh đã bố trí 13 tỷ đồng trồng rừng ở Mường Lát, cộng thêm 3.000 tấn gạo được Chính phủ hỗ trợ cho người dân trồng rừng trên diện tích nương rẫy (10kg/nhân khẩu/tháng). Tuy nhiên, do diện tích trồng rừng lớn, vốn bố trí cho hoạt động còn thấp, cộng thêm thời tiết không thuận lợi, nên việc trồng mới rừng chưa thể triển khai được.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, theo quy định, chỉ có trồng rừng phòng hộ là được hỗ trợ 100% từ ngân sách nhà nước, còn rừng sản xuất chỉ được hỗ trợ một phần. Do vậy, các địa phương phải tích cực huy động các nguồn lực ngoài ngân sách cho kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng.

Cho rằng vốn đầu tư cho trồng rừng còn thấp (15 triệu đồng/ha), lãi suất từ trồng rừng so với các loại cây trồng khác lại không cao, nên đại diện tỉnh Tuyên Quang đề nghị tăng cường thực hiện việc giao rừng, kể cả rừng tự nhiên cho người dân quản lý.

Theo thống kê của Bộ NNPTNT, trong quý I vừa qua mới chỉ có 8 tỉnh triển khai trồng rừng tập trung với diện tích 8.745ha, đạt 4% kế hoạch, ít hơn 1.761ha so với cùng kỳ năm 2012. Nhiều địa phương phản ánh, nguyên nhân trồng rừng còn chậm là do thời tiết khô hạn kéo dài và việc bố trí nguồn ngân sách nhà nước đầu tư và hỗ trợ cho các địa phương không đảm bảo nguyên tắc ưu tiên cho bảo vệ và phát triển rừng. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem