Nhiều tỉnh đề xuất xây trụ sở nghìn tỷ: Vô cảm với khó khăn của đất nước!

Mai Hương (thực hiện) Thứ hai, ngày 16/11/2015 06:37 AM (GMT+7)
“Trong khi Chính phủ còn đang khó khăn về chi tiêu ngân sách thì các địa phương không chia sẻ, không quan tâm đến cái chung của đất nước, cứ kiến nghị xây những trụ sở nghìn tỷ thì không phù hợp chút nào”. TS Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã nói như vậy khi trả lời phỏng vấn phóng viên NTNN.
Bình luận 0

imgThời gian gần đây, liên tục nhiều tỉnh, thành phố có thông báo về việc lập kế hoạch xin xây trụ sở hay trung tâm hành chính với dự toán lên tới hàng ngàn tỷ đồng cho mỗi công trình. Như tỉnh Khánh Hòa mới đây  đề nghị xây Khu đô thị hành chính tỉnh có diện tích 126ha, tổng vốn đầu tư dự án này là 4.279 tỷ đồng. Nghệ An, Hải Dương xin xây trụ sở với kinh phí cho mỗi nơi đều trên 2.000 tỷ đồng...

Ông đánh giá thế nào về các đề xuất gần đây của nhiều địa phương  về việc xây dựng những trụ sở làm việc quy mô lớn, kinh phí mỗi công trình lên tới hàng nghìn tỷ đồng?

- Nhiều đại biểu Quốc hội đã có ý kiến phản đối về những đề xuất này, và quan điểm của tôi cũng là không đồng tình. Lý do là tình hình kinh tế, ngân sách, chi tiêu công của ta đang rất nặng nề, khó khăn. Thời điểm này, các địa phương xin xây trụ sở theo kiểu “tôi đã có kế hoạch từ trước, dự án phải thực hiện” thì không phù hợp và có phần “vô cảm” với khó khăn của đất nước.

Chính phủ đã yêu cầu cả nước phải cắt giảm chi tiêu, lùi các công trình dự án chưa cần thiết. Việc xây trụ sở của các địa phương có thể đã có kế hoạch, nhưng xây hay xin ngân sách nhà nước để xây lúc này là hoàn toàn không nên.

Thực tế, không phải lãnh đạo các địa phương không biết ngân sách nhà nước đang khó khăn. Theo ông, vì sao họ vẫn cứ đề nghị xây và xin thêm ngân sách trung ương để xây các trụ sở nghìn tỷ?

- Đây là bất cập lớn bắt  nguồn từ việc phân cấp ngân sách của chúng ta. Theo quy định, Trung ương chỉ nắm 30% chi ngân sách thôi, 70% còn lại là thuộc quyền của địa phương. Do quyền địa phương nên họ không tính tới điều kiện chung của cả nước, cứ muốn làm cho bằng được dự án. Địa phương nào còn tiền, mạnh tiền thì làm và không ít nơi xin thêm cả tiền của Trung ương để làm.

Thế mới nói, trong khi Chính phủ còn đang lúng túng, khó khăn về chi tiêu ngân sách thì các địa phương không chia sẻ, không quan tâm đến cái chung của đất nước mà cứ kiến nghị xây những trụ sở nghìn tỷ thì không phù hợp một chút nào. Chưa kể, việc xây các trụ sở nhiều nơi còn mang nặng “tư duy nhiệm kỳ” của lãnh đạo các địa phương.

Nên hiểu “tư duy nhiệm kỳ” ở đây là như thế nào?

- Đó là có thực tế, nhiều lãnh đạo địa phương sắp hết nhiệm kỳ nên họ tranh thủ thời gian còn tại vị để làm các dự án này. Nói văn vẻ họ xây các trụ sở là muốn tạo dấu ấn trong nhiệm kỳ công tác của họ nhưng nói thật lòng, chưa chắc cái dấu ấn ấy là tốt cho địa phương đâu. Nói cho cùng ý thức nhìn nhận đánh giá, quan tâm tới lợi ích chung của cả nước chưa được địa phương chú ý, giải quyết cho phù hợp mà vẫn còn mang nặng lợi ích cục bộ địa phương lắm.

Trước thực tế này, phải làm thế nào để tiết chế lại những việc làm kiểu như vậy của các địa phương?

img

"Nhà nước tiền không có mà địa phương cứ xin cái này cái kia có được không?! Trong tình hình kinh tế hiện nay, cứ lo xây trụ sở mà không nghĩ đến tái cơ cấu nền kinh tế theo mô hình mới thì chúng ta không có tăng trưởng thực sự đâu”. 

TS Lưu Bích Hồ 

- Tôi cũng đồng tình là phải tiết chế lại, ít nhất vài năm tới yêu cầu các địa phương không xây trụ sở, đầu tư các dự án chưa cần thiết. Tôi được biết, hiện nhiều địa phương đề nghị xây mới trụ sở thì đều đã có trụ sở khá khang trang rồi, không nhất thiết phải làm ngay, chưa phải là việc “chết người đến nơi” mà phải cần làm gấp gáp trụ sở mới trong lúc kinh tế đất nước, địa phương còn nhiều khó khăn, còn nhiều việc họ phải lưu tâm cho dân cho nước. Chúng ta tăng lương tối thiểu có 5% mà còn khó khăn, co kéo mãi mới quyết được. Lương  cho người lao động quan trọng hơn xây trụ sở gấp bội lần.

Trong vấn đề này, tôi cho rằng, chúng ta cần đấu tranh để loại bỏ tư tưởng thành tích, hoành tráng của không ít lãnh đạo địa phương, thậm chí là xóa bỏ triệt tiêu các lợi ích cục bộ nếu có. Không chỉ trụ sở mà không ít dự án đầu tư ngân sách của địa phương làm là để “cho oai”. Trụ sở huyện còn to hơn trụ sở tỉnh, thành phố… Nếu không làm nghiêm tôi cho xây dựng cơ bản, hạ tầng của chúng ta còn “bệnh lãng phí” rất lớn.

Có ý kiến cho rằng với các trụ sở to đẹp mới xây của các cơ quan công quyền, chưa chắc đã gần gũi và đem lại lợi ích cho người dân địa phương... Ông đánh giá sao về ý kiến này?

- Tôi không đề cập đến việc trụ sở gần hay xa dân. Các trụ sở mới to đẹp có khi tạo điều kiện tiếp dân tốt hơn, công nghệ thông tin áp dụng tốt hơn. Dồn nhiều cơ quan lại một khu vực hành chính người dân đỡ vất vả khi gặp lãnh đạo địa phương hơn. Song vấn đề tôi muốn nhấn mạnh ở đây là các địa phương phải tính đến bước đi khi xây trụ sở. Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn thế này, họ phải tập trung vốn vào các dự án cần thiết, hiệu quả trước đã. Còn họ cứ ham làm những việc không đáng làm thì vốn đâu cho đủ.

Nhà nước tiền không có mà địa phương cứ xin cái này cái kia có được không?! Trong tình hình kinh tế hiện nay, cứ lo xây trụ sở mà không nghĩ đến tái cơ cấu nền kinh tế theo mô hình mới thì chúng ta không có tăng trưởng thực sự đâu. Thiết nghĩ các địa phương hãy tập trung vào đổi mới thể chế, kinh tế. Tình hình đất nước chúng ta hiện nay đang đòi hỏi tư duy lãnh đạo các cấp, ngành, địa phương phải thay đổi để ổn định kinh tế -xã hội. Cam kết hội nhập đã ký, chúng ta không làm là không được. Về việc này tôi cho đến nay chúng ta vẫn còn chưa thật quyết liệt.

Xin cảm ơn ông!

Lo cho dân trước

Trao đổi với báo chí, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh khẳng định: “Tinh thần chung trong bối cảnh ngân sách khó khăn hiện nay và những năm tới là phải tiết kiệm triệt để. Bây giờ không còn cách nào khác là phải thắt lưng buộc bụng ngay cả việc xây trụ sở làm việc. Một số địa phương vừa qua đã xây hoặc chủ trương xây trung tâm hành chính cấp tỉnh trên tinh thần tự cân đối ngân sách địa phương bằng nguồn vốn từ việc đấu giá trụ sở cũ. Nhưng tôi nói rõ nguồn thu này cũng là ngân sách nhà nước”. Và Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Trong điều kiện hiện nay, thì hãy lo cho dân trước khi lo xây trụ sở...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem