Những điều thú vị xung quanh Tết ở các nước châu Á

Thứ hai, ngày 09/02/2015 08:29 AM (GMT+7)
Té nước, buộc chỉ cổ tay hay gióng 108 tiếng tiếng chuông là ba trong số rất nhiều phong tục  độc đáo ngày Tết ở các nước châu Á.
Bình luận 0

Nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước châu Á đều coi Tết – hay dịp khởi đầu năm mới là thời khắc thiêng liêng và quan trọng nhất trong năm. Vì khác biệt về văn hóa và vùng miền nên mỗi nước lại có những phong tục, nghi lễ đón năm mới riêng vô cùng thú vị và độc đáo.

Tết ở Nhật và 108 tiếng chuông

Người Nhật đón Tết khá sớm, bắt đầu từ Giáng sinh  25.12 cho tới hết tuần lễ đầu tiên của tháng 1. Đặc biệt, vào đúng khoảnh khắc giao thừa, tất cả các ngôi chùa tại đất nước mặt trời mọc này đều gióng lên đúng 108 tiếng chuông theo nghi lễ Phật giáo nhằm xua đuổi tà ma, cầu chúc cho năm mới an khang thịnh vượng hơn. Những tiếng chuông này sau đó cũng được truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình và phát thanh cả nước để mọi người dân Nhật đều có thể nghe thấy.

img

Vào đúng giao thừa, tất cả các chùa ở Nhật đều gióng lên 108 tiếng chuông.

Trung Quốc và Hàn Quốc đón Tết Âm lịch giống Việt Nam

Trên thế giới cũng có nhiều nước đón Tết Nguyên Đán vào ngày 1.1 âm lịch giống Việt Nam, điển hình như Trung Quốc, Hàn Quốc hay Singapore.

Có thể nói, Tết Nguyên đán là ngày lễ lớn nhất trong năm của người Trung Quốc nói riêng và người phương Đông nói chung. 

Giống như Việt Nam, việc trao phong bao lì xì màu đỏ rất phổ biến vào dịp Tết ở Trung Quốc. Hầu hết trẻ em đang đi học đều được nhận lì xì. Những ai đã đi làm thường không được nhận tiền mừng tuổi, ngay cả khi chưa kết hôn. Trên thực tế, những người độc thân đã đi làm đều trao bao lì xì màu đỏ cho những người bé hơn mình.

img

Tết Nguyên đán là ngày lễ lớn nhất trong năm của người Trung Quốc.

Còn tại Hàn Quốc, Tết Seollah (Seol)bắt đầu từ ngày 1.1 hằng năm theo âm lịch và thường kéo dài trong 3 ngày. Tết Seollah là dịp nghỉ lễ quan trọng nhất đối với người dân xứ sở kim chi.

img

Tết Seollah là dịp nghỉ lễ quan trọng nhất đối với người dân xứ sở kim chi.

Nhiều người Hàn Quốc mặc hanbok nhiều màu sắc (Hanbok là trang phục truyền thống Hàn Quốc) và tiến hành nghi lễ cúng bái tổ tiên vào buổi sáng. Họ thường dùng món tteok (súp nấu bằng bánh gạo) trong buổi sáng này. Ăn xong tteok năm mới mới thật sự bắt đầu.

Thái Lan và lễ hội “té nước”

Khác với các nước trong khu vực, Thái Lan đón Tết vào ngày 13 đến 15.4 hàng năm theo lịch dương, và thường được gọi là Songkran. Ngày này, tất cả người Thái từ già đến trẻ đều đổ ra đường để thực hiện nghi lễ té nước. Họ té nước vào người thân, bạn bè và cả những người không quen biết để chúc may mắn.

img

Lễ hội té nước vào dịp Tết cầu may của người Thái.

Những người được té nước đều cảm thấy rất vui mặc dù bị ướt nhèm. Sau đó từng người sẽ về nhà của mình để hoàn thành nốt những việc còn lại để chào đón năm mới.

Lào và Tết “buộc chỉ cổ tay”

Cũng như Thái Lan, Tết của Lào với tên gọi Bunpimay được tổ chức từ ngày 13 đến 15.4 dương lịch hàng năm. Trong những ngày này, người Lào khi gặp nhau sẽ buộc những sợi chỉ nhỏ nhiều màu sắc quanh cổ tay nhau để chúc phúc. Theo quan niệm của họ, sau ba ngày Tết, người nào càng có nhiều chỉ buộc ở tay thì năm đó càng may mắn, khỏe mạnh.

img

Tục buộc chỉ cổ tay đem lại may mắn cho người Lào.

Một số nơi tại Lào còn lưu giữ được tục phóng sinh các con vật nhỏ như cá, chim,... vào ngày đầu năm mới để lấy phúc cho cả năm.  

Ấn Độ đón Tết theo từng vùng

Tại đất nước Ấn Độ, mỗi vùng lại đón một ngày Tết khác nhau. Như miền Bắc thì đón năm mới và tháng 4, miền Nam lại vào trung tuần tháng 3. Ở bang Kirala, người dân đón năm mới vào tận tháng 6 còn ở miền Tây lại vào tháng 11, 12 hàng năm,...Tuy mỗi nơi có một ngày Tết riêng nhưng đối với tất cả người Ấn Độ, dịp đón năm mới đều được coi là ngày hội lửa lớn nhất trong năm.

img

Mỗi vùng ở Ấn Độ lại đón Tết vào một ngày khác nhau.

Vào ngày này, mọi nơi ở Ấn Độ đều diễn lại các vở kịch được dựng theo các bộ sử thi hùng tráng của dân tộc. Nổi tiếng nhất là trường đoạn người anh hùng chiến đấu với gã khổng lồ được bện bằng giấy. Anh ta phải dùng một mũi tên đã châm lửa để bắn vào gã khổng lồ, biến hắn thành một ngọn đuốc lớn trong tiếng hò reo của khán giả. Đây cũng chính là cội nguồn “lễ hội lửa” tại Ấn Độ.

Bên cạnh đó, vào ngày đầu năm, người dân Ấn Độ thường mang theo một cây đèn nhỏ và đặc biệt không thể thiếu một hộp phấn màu đỏ để đi chúc Tết người thân. Khi gặp mặt, họ dùng phấn bôi lên mặt nhau tỏ ý mong năm mới gặp nhiều may mắn và vận đỏ.

Thanh Tuấn (Tổng hợp)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem