Những ngày “bước chân nát đá...”: Chiều chiến thắng kỳ diệu

Chủ nhật, ngày 27/04/2014 06:53 AM (GMT+7)
Lúc quân Pháp tràn ra các giao thông hào, giơ mùi xoa trắng xin hàng làm cản đường tiến của bộ đội, Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật nhanh trí hô: “Tất cả nằm xuống”. Sau đó, quân ta xông vào hầm De Castries.
Bình luận 0
Đó là ấn tượng sâu sắc nhất mà những người lính được tham gia vào thời khắc lịch sử- bắt sống Tướng De Castries vào chiều 7.5.1954, kết thúc thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ.

Câu chuyện hài hước về những ngôi sao cuối cùng


Theo nhà báo Pháp Erwan Bergot trong tác phẩm “170 ngày ở Điện Biên Phủ” vào những ngày cuối cùng, đã có 2 ngôi sao được vội vã gắn thêm trên ve áo của 2 sĩ quan cao cấp tại Điện Biên. De Castries lên cấp tướng và Lauglais thăng đại tá. Vì Lauglais chưa có cấp hiệu đại tá nên De Castrie nhường cho ông ta cấp hiệu đang đeo. Tuy nhiên cấp hiệu của De Castries nền đỏ (cấp hiệu của kị binh) nên Lauglais phải dùng mực tàu bôi đen cho phù hợp với binh chủng của mình (binh chủng lính dù). Về phần mình, Castries đành chấp nhận lấy 1 ngôi sao cắt từ mảnh vỏ đồ hộp sắt tây.

Tướng De Castries và Bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm bị bắt sống.
Tướng De Castries và Bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm bị bắt sống.

Từ Hà Nội, Tư lệnh Cogny báo tin đã thả dù cấp hiệu tướng cho Castries nhưng ông ta đã không nhận được. Trên thực tế, gói hàng Huân chương Bắc Đẩu và Huy chương Chữ thập chiến tranh đã rơi vào tay quân đội Việt Minh. Còn lô hàng có ngôi sao cấp tướng đã được nhặt bởi một đội tuần tiễu của Tiểu đoàn dù lê dương số 1 khi đang tuần tiễu tại Huguett 5. Khi mở gói hàng họ thấy dòng chữ “Quà dành riêng cho Thiếu tướng De Castries”. Lúc này họ mới biết chỉ huy trưởng đã được phong Thiếu tướng. Những chai rượu trong gói hàng đã vỡ hết, còn lại mấy tút thuốc lá thơm, lính dù lê dương chia nhau hút hết. Một người lính tên là Boisbouvier đã chôn kỹ ngôi sao xuống đất. Họ cho rằng nếu chuyển cho De Castries thì có thể mất thêm mấy mạng người vô ích, vì từ chỗ họ đến chỗ De Castries phải đi qua một đoạn giao thông hào của đối phương. Hai mươi năm sau, trong buổi họp mặt lính dù của đơn vị, những người này đã kể lại câu chuyện hài hước và tất cả đều cười vui vẻ.

Kế hoạch “Chim biển” tan nát thế nào?

Ngày 4.5, để tránh một thất bại nhục nhã, Bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp lập kế hoạch cho De Castries tháo chạy sang Lào với sự giúp đỡ của 3 tiểu đoàn dự bị chiến lược cuối cùng. Khi De Castries nhận được thông báo về kế hoạch “Chim biển” thì toàn bộ Điện Biên Phủ chỉ còn 20 cứ điểm trên một ô vuông 2km2. Tuy nhiên nắm được dấu hiệu chuẩn bị rút lui của địch, ta đã giao cho Sư 308 kiểm soát chặt con đường sang hướng tây. Như vậy, đến sáng 7.5 những chốt cuối cùng bị nhổ nốt- đồi A1 kết thúc vào 4 giờ 30 phút, 9 giờ 30 phút số phận C2 được quyết định, tiếp theo ta làm chủ A3. Ở phía tây Trung đoàn Thủ đô chiếm cứ điểm 510, chỉ cách hầm De Castries 300m.

‘Một lát sau, anh em dẫn De Castries vào. Tôi và anh Trần Độ so ảnh. Đúng là De Castries, tuy có xanh gầy hơn so với lúc còn đeo lon đại tá. Nhìn cái mũ ca lô đỏ, tôi lại nhớ tới câu nói của De Castries “Tôi sẽ đội cái mũ đỏ này để Việt Minh dễ nhận rõ mục tiêu”. Tôi gọi điện báo cáo Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Tướng Đờ Cát hiện đang ở trước mặt tôi. Đã so ảnh của Bộ chỉ huy gửi xuống. Xác định đúng là hắn và toàn bộ Bộ tham mưu” (Lê Trọng Tấn).

Trong hồi ký “Đường vào sở chỉ huy De Castries” của Đại tướng Lê Trọng Tấn, nguyên Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312 cho biết: Đúng 3 giờ chiều 7.5, lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Tất cả các đơn vị được lệnh tổng công kích”.

Đại đội 360, dưới sự chỉ huy của đại đội trưởng Tạ Quốc Luật, như một mũi tên lao đến cầu sắt bắc qua sông Nậm Rốn. Các chiến sĩ súng cắp nách vừa chạy vừa hô: “Bắt sống Đờ Cát”, mặc đạn “chiu, chiu” qua tai... Vượt qua đầu cầu, là một ngã ba. Vừa lúc đó có tên cai dõng chạy qua. Anh em hỏi hầm De Castries. Tên cai dõng chỉ vào ụ cao to xung quanh có 4 xe tăng đang bắn loạn xạ. Tạ Quốc Luật ra lệnh đánh hầm. Sau khi thủ pháo được ném vào hầm, khói vừa tan, một sĩ quan của De Castries chạy ra giơ tay xin hàng.

Ông Hoàng Đăng Vinh, người bắt sống De Castries kể: “Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật ra lệnh: “Đồng chí Vinh và đồng chí Nhỏ vào bắt sống địch. Khi vào phải giữ đúng oai phong. Nhất nhất mọi hành động theo lệnh tôi”. Cả ba chúng tôi cùng tiến vào hầm. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là đám sĩ quan Pháp quần áo tề chỉnh, lon, mũ vàng chóe, tinh tươm đang lố nhố đứng chờ. Đại đội trưởng hô tiếp: “Tiến”. Bộ đội ta tiến đến đâu thì địch lùi lại đến đấy. Anh Luật ra lệnh bằng tiếng Pháp: “Tất cả giơ tay lên!”. Riêng De Castries lúc đó sắc phục đầy đủ vẫn ngồi nguyên trước một cái bàn. Đại đội trưởng ra lệnh: “Đồng chí Vinh vào bắt De Castries!”. Tôi tay đặt vào cò súng, mắt trừng trừng nhìn thẳng vào De Castries, tiến tới. De Castries đứng lên chìa tay ra định bắt tay tôi. Tôi nghĩ: “Sao lại bắt tay?” và lập tức chĩa khẩu K50 vào phía hắn hô to câu thuộc sẵn: “Hô-lê-manh!” (nghĩa là giơ tay lên). De Castries vội lùi lại giơ cả hai tay lên và nói một tràng tiếng Pháp, sau này anh Luật dịch ra là: “Các ông đừng bắn! Tôi xin đầu hàng!”.

Thiên Việt (Thiên Việt)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem