Nỗi buồn áo trắng

Thứ tư, ngày 24/08/2011 14:04 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Càng nghĩ, ông Tý càng thấy bực, đời thuở nào lại như thế không?
Bình luận 0

Gặp mấy bác cháu tôi đầu ngõ, ông ấy bô bô:

- Chán cho cái nước mình. Ngoài miệng thì cứ ngoen ngoét với nhau “Tiết kiệm là quốc sách”, thế mà làm ăn vậy thì rõ là coi quốc sách không bằng cái cục... đất.

Thấy mấy bác cháu nhìn mình lom lom, ông Tý rút ngay lại được câu định nói bậy, ông Mão rót chén nước chè:

- Ông bình tĩnh làm chén nước đã, có gì mà “nâng quan điểm” gớm thế?

- Mà làm mấy cái việc lếu láo này lại toàn là các thầy giáo, cô giáo thì ông thấy có bực không chứ? Chuyện nó là thế này…

Có gì đâu, nhà ông Tý có tới 4 đứa cháu, hai đứa năm nay vào lớp 1, hai đứa vào cấp hai, con nhà ông ấy rõ là đẻ khéo như mấy anh kỹ sư môn “cơ khí chính xác” vậy. Vài năm nay, các trường học ở chỗ tôi đã có phong trào mặc đồng phục rồi, chả váy viếc, nơ niếc như thành thị nhưng cứ chơi cái mốt: Quần tây đen – áo sơ mi trắng là nom cũng hay mắt đáo để. Nhìn các cháu tan trường như đàn bướm trắng ai chả vui.

Năm nay, chuẩn bị vào năm học, ông Tý hồ hởi bảo cháu: “Ông có khoản phát minh nho nhỏ nhưng ra số tiền kha khá – lấy tiền ấy, ông sẽ mua cho mỗi đứa hai con gà mái”. Lũ trẻ tròn mắt: “Nuôi gà làm gì hở ông” – “Thì cho chúng mày làm “kế hoạch nhỏ”. Cái ngữ gà mái đẻ ấy mà chúng mày cứ chịu khó bắt cào cào, câu nhái cho ăn là cứ sòn sòn mỗi ngày một quả. Các cháu lấy trứng gà mà bồi dưỡng tha hồ nhiều can xi, cao như Tây. Còn đến mùa nắng ấm, ông ấp cho mỗi đứa đàn gà, gà lớn bán đi tha hồ tiền cho mấy ông cháu mình đi Hà Nội thăm Lăng Bác”.

Trước hôm khai giảng, ông Tý bảo con: “Không cần mua đồng phục cho các cháu đâu. Hôm nọ bố lên nhà ông bạn cùng đơn vị trước, bà nhà ông ấy tìm cho mấy bộ đồng phục cũ của lũ cháu bà ấy nhưng còn mới nguyên lại vừa với bọn trẻ nhà mình. Để tiền sắm đồng phục đấy mua cho ông cháu tôi vài đôi gà để tăng gia. Bốn đứa là gần triệu bạc chứ ít à?”. Chẳng dè, hôm đến trường, các thầy cô dặn quần áo phải in, thêu cái logo của trường thì mới đúng là đồng phục nên bọn trẻ nhất quyết đòi mua quần áo do nhà trường may sẵn.

Chuyện là thế nên ông Tý tức lắm, ông vẫn chưa thôi ý định làm “kế hoạch nhỏ”:

- Các thầy cô làm thế quá bằng bắt người ta phải lãng phí, phải mua quần áo do các thầy cô đặt may. Thêu thì thêu, bà nhà tôi thêu cũng khéo lắm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem