Nóng trong ngày: PGS Cương nói trường Lương Thế Vinh không hà khắc

P.V tổng hợp Thứ năm, ngày 28/09/2017 09:58 AM (GMT+7)
PGS Văn Như Cương phủ nhận sự hà khắc như lời tố cáo của phụ huynh trên mạng xã hội. Trước đó, Facebook Giáng Hương chia sẻ bài viết “Bên trong cánh cửa Lương Thế Vinh - chưa vơi nụ cười, đã rơi nước mắt” nhận được sự quan tâm của dư luận.
Bình luận 0

Bên cạnh đó, top chủ đề nóng trong ngày được bàn luận nhiều trên mạng xã hội còn có: Ôtô biển xanh 80B bị cẩu vì chiếm vỉa hè Sài Gòn; Hà Nội cấm công chức cửa quyền, nhũng nhiễu; "Méo mặt" với phí chồng phí trên quốc lộ 5...

PGS Văn Như Cương: Trường Lương Thế Vinh không hà khắc

img

PGS Văn Như Cương cho biết ông cảm thấy buồn khi phụ huynh tố trường có nền giáo dục hà khắc. Ảnh: Zing

Tôi rất buồn trước suy nghĩ của phụ huynh cho rằng cách giáo dục của trường Lương Thế Vinh hà khắc. Điều này không đúng, hà khắc là khắt khe, nghiệt ngã. Chúng tôi chỉ nghiêm khắc, trong đó có sự bao dung đi kèm.

Một số nhà giáo dục có quan niệm học sinh luôn đúng, 100% các em đúng. Tôi cho rằng điều đó sai.

Chúng tôi chủ trương trẻ con không phải luôn đúng và cần sự giáo dục, ảnh hưởng của giáo dục mới trở nên đúng. Vì vậy, chúng tôi quan niệm, giáo dục học sinh là điều quan trọng nhất, chứ không thể để các em tự làm nhiệm vụ giáo dục của mình.

Trước khi tham gia học tập tại trường Lương Thế Vinh, phụ huynh và nhà trường đã thống nhất, đồng thuận trong cách giáo dục. Trường đưa ra các nội quy rõ ràng về việc không đi học muộn, phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, chấp hành luật lệ an toàn giao thông, thân thiện với bạn, tôn trọng thầy cô.

Là phụ huynh, nếu thấy con mình có vi phạm, nhà trường có ý kiến và dạy bảo, nhiều cha mẹ thấy mừng và cảm ơn điều đó. Còn lại, nếu phụ huynh và nhà trường có quan điểm khác nhau, nhìn nhận vấn đề khác nhau, họ có quyền hoàn toàn tự do trong việc chọn trường cho con. 

Trước đó, Facebook Giáng Hương chia sẻ bài viết “Bên trong cánh cửa Lương Thế Vinh - chưa vơi nụ cười, đã rơi nước mắt” nhận được sự quan tâm của dư luận.

Theo lời phụ huynh, “sau hai học kỳ trải nghiệm ở trường mới, từ tâm trạng háo hức, con thường về nhà với sự buồn bã, lo âu". Con của chị và các bạn khác trong lớp lần lượt trở thành tội đồ khi bố mẹ liên tục bị mời lên làm việc. Các con liên tục phải viết kiểm điểm và chịu mọi hình thức phạt của nhà trường.

Các lỗi con thường mắc là: Nói chuyện trong lớp, thiếu bài tập về nhà, đi muộn, đổi chỗ, ngủ gật trong giờ, không ghi chép bài đầy đủ, quần áo đầu tóc không ngay ngắn...

Lượng bài tập về nhà tính ở 2 con số. Thầy dạy Vật lý giao 28 bài tập về nhà. Thầy dạy Toán giao 50 bài tập. Như vậy, ngoài giờ lên lớp, học sinh cứ lăn ra mà làm bài tập, chẳng cần ăn, ngủ.

Vị phụ huynh cho hay bản thân đã dự 3 cuộc họp phụ huynh của lớp và “chưa bao giờ chứng kiến một nụ cười trên môi cô giáo chủ nhiệm”.

Ngoài ra, vị phụ huynh nêu cô Thu (cô giáo chủ nhiệm của con chị) đồng thời là giáo viên của một trường công lập khác ở quận Ba Đình. 

"Nhiều phụ huynh đã ngỡ ngàng vì ngôi trường dân lập đầu tiên của Hà Nội sau gần 30 năm vẫn chưa tự chủ được nguồn giáo viên” – vị phụ huynh này bình luận.

Ôtô biển xanh 80B bị cẩu vì chiếm vỉa hè Sài Gòn

img

Xe biển xanh đậu vỉa hè bị cẩu đi. Ảnh: VNE

Khuya 27.9, đoàn liên ngành quận 1 (TP.HCM) do Phó chủ tịch Đoàn Ngọc Hải dẫn đầu, xử lý vi phạm trật tự đô thị tại đường Nguyễn Thị Nghĩa. Gần vòng xoay Phù Đổng, lực lượng chức năng thấy ôtô biển xanh 80B đậu rất lâu trên vỉa hè, không tìm được tài xế nên niêm phong xe, cẩu về trụ sở.

Cách đó 200 m trên đường Phạm Hồng Thái, phường Bến Thành, ôtô biển xanh 80B khác đậu trên vỉa hè thả khách cũng bị đoàn liên ngành giữ lại, lập biên bản phạt 700.000 đồng.

Phó chủ tịch quận 1 cho rằng phải xử lý nghiêm vi phạm, không nể nang, xe công phải làm gương.

Hà Nội cấm công chức cửa quyền, nhũng nhiễu

UBND TP.Hà Nội vừa ban hành văn bản chấn chỉnh thực hiện cơ chế một cửa liên thông. Thành phố yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức đổi mới lề lối, phong cách làm việc, tạo sự chuyển biến tích cực trong thi hành công vụ.

"Nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức có hành vi cửa quyền, phiền hà, nhũng nhiễu, tiêu cực và tự đặt thêm quy định không có trong văn bản quy phạm pháp luật trong giải quyết thủ tục hành chính", TP.Hà Nội yêu cầu.

img

Lãnh đạo TP Hà Nội cho rằng, vụ việc ở phường Văn Miếu, quận Đống Đa là bài học trong ứng xử của cán bộ với người dân. Ảnh:VNE

Lãnh đạo Hà Nội cũng chỉ đạo Đoàn kiểm tra công vụ tăng cường thanh tra, tập trung vào việc niêm yết, tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa của các đơn vị; kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm (nếu có).

"Méo mặt" với phí chồng phí trên quốc lộ 5

img

Người dân cho rằng, đang phải chịu cảnh phí chồng phí trên QL5. Ảnh VNN

Clip: Xe trọng tải lớn né trạm thu phí, băm nát đường liên xã

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hải Phòng Lê Văn Tiến cho hay, trước khi thu quỹ bảo trì đường bộ theo đầu phương tiện, Nhà nước thông báo sẽ dỡ bỏ trạm thu phí tại các tuyến đường đầu tư bằng vốn ngân sách. 

Riêng 2 trạm thu phí trên QL5 lại vẫn được duy trì, khiến phương tiện phải chịu cảnh phí chồng phí: vừa nộp phí bảo trì, vừa nộp phí cầu đường.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công nói rõ, việc tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính (Vidifi) được Nhà nước giao thu phí trên QL5 là để bù đắp kinh phí làm đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chứ không phải để hoàn vốn làm QL5.

Về việc người dân phản ánh đã nộp quỹ bảo trì đường bộ nhưng phải đóng phí trên QL5, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công lý giải, thực tế quỹ bảo trì đường bộ hàng năm chưa đáp ứng được kinh phí bảo trì hệ thống đường quốc lộ

QL5 được thu để bù đắp cho phương án tài chính làm cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, nhưng thực tế khi QL5 xuống cấp, việc sửa chữa cũng phải lấy từ nguồn thu phí chính tuyến đường này chứ chưa bù đắp được cho cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem