Nộp lại 3/4 số tiền tham nhũng sẽ thoát án tử hình

Lương Kết Thứ bảy, ngày 28/11/2015 08:42 AM (GMT+7)
Ngày 27.11, Quốc hội đã thông qua hai luật quan trọng là Bộ luật Hình sự (sửa đổi) và Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi). Theo đó, nhiều quy định quan trọng đã được thông qua.
Bình luận 0

img

PGS-TS Trần Văn Độ (ĐBQH An Giang) phát biểu tại phiên họp sáng 27.11. Ảnh: H.L.

Theo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) sẽ bỏ hình phạt tử hình ở 7 tội danh: Tội cướp tài sản; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; Tội tàng trữ trái phép chất ma túy; Tội chiếm đoạt chất ma túy; Tội phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; Tội chống mệnh lệnh; Tội đầu hàng địch.

Luật cũng quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án với các trường hợp sau đây: Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; người từ 75 tuổi trở lên; Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ nhưng sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

Trả lời câu hỏi của phóng viên NTNN việc Quốc hội quyết định cho đối tượng tham nhũng bị kết án tử hình thoát chết vì nộp lại 3/4 tài sản liệu có ảnh hưởng đến công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay, PGS-TS Trần Văn Độ (ĐBQH An Giang) cho rằng: Pháp luật đặt ra là phải xử lý nghiêm minh người phạm tội, nhưng nghiêm minh không có nghĩa cứ phải tử hình.

"Nghiêm minh đối với xử lý vi phạm pháp luật nói chung và với tội phạm nói riêng là tất cả người phạm pháp phải được đưa ra xử lý, chứ không phải có nhiều người phạm tội về tham nhũng nhưng chỉ đưa ra xét xử được vài người rồi kết án tử hình để làm gương đó là nghiêm minh. Người dân bức xúc hiện nay là tham nhũng thì nhiều nhưng phát hiện đưa ra xét xử thì ít, chứ không phải bức xúc với quy định bỏ hay giữ hình phạt tử hình với tội phạm tham nhũng" - ĐB Trần Văn Độ nói.

Cũng theo ĐB Trần Văn  Độ, mục đích xử lý đối với tội tham tham nhũng có hai vấn đề rất quan trọng. Thứ nhất là xử lý nghiêm minh người phạm tội, nghĩa là có vi phạm, có phạm tội phải được phát hiện đưa ra xét xử. Thứ hai là phải thu hồi được tài sản tham nhũng. "Không nên đặt vấn đề dùng tiền để chuộc cái chết. Với những vụ tham nhũng hàng trăm tỷ, nghìn tỷ đồng mà thu hồi được lượng tài sản lớn rồi đầu tư cho an sinh xã hội có phải hơn việc tử hình một vài người nhưng tài sản thu được không là bao" - ĐB Độ nêu quan điểm.

Cũng trong ngày 27.11, Quốc hội cũng thông qua Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi). Trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, ông Nguyễn Văn Hiện - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho biết, trong dự thảo bộ luật có ý kiến khác nhau về quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lấy phiếu xin ý kiến ĐBQH.

Theo đó, có 45,95% tổng số ĐB tán thành với phạm vi quy định trong dự thảo. 34% ý kiến ĐBQH trên tổng số ĐBQH  đề nghị chỉ bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can trong trường hợp bị can về tội đặc biệt nghiêm trọng, bị can kêu oan, không nhận tội hoặc đối với vụ án phức tạp mà dư luận quan tâm.

 Chiều 27.11, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn. Một trong những điểm đáng chú ý của nghị quyết là quyết nghị, ban hành chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là cung cấp giống cây trồng, vật nuôi, chế biến, ứng dụng khoa học; tăng tỷ lệ vốn đầu tư ngoài nhà nước trong tổng vốn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn qua từng năm.

Xây dựng các hợp tác xã kiểu mới để hỗ trợ nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Trong năm 2016, hoàn thành bộ tiêu chí giám sát và đánh giá thực hiện tái cơ cấu trong lĩnh vực nông nghiệp; chỉ đạo các địa phương hoàn thành việc ban hành và thực hiện kế hoạch hành động thực hiện tái cơ cấu. Khắc phục những tồn tại, hạn chế, bảo đảm tiến độ, chất lượng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống nhân dân. Có giải pháp cơ bản giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Đẩy mạnh liên kết 4 nhà, nâng cao năng suất, giá trị và sức cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong và ngoài nước; xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. 

Kết thúc kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, NTNN điểm lại những phát ngôn ấn tượng:

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh: Trách nhiệm của chúng tôi sẽ truyền đạt lại cho bộ trưởng kế tiếp. Thời gian không còn, biết làm sao bây giờ”.

ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị): Một số quan chức nhà nước thường tăng tốc tham nhũng, cả về tần suất và cường độ vào thời điểm “hoàng hôn nhiệm kỳ, bình minh nguyên là”.

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng): Có cử tri nói rằng, chúng ta tạo ra khuyết điểm rồi khắc phục khuyết điểm, xong lại báo cáo thành tích”.

ĐB Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa – Vũng Tàu): Chiếm đoạt tài sản của những người nông dân nghèo khổ, những em sinh viên rất tội nghiệp. Đã có bỏ học, đã có ly hôn, đã có tự tử vì dính vào đa cấp”.

ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng): Con đường từ dạ dày tới nghĩa địa của mỗi người chúng ta chưa bao giờ lại trở nên ngắn và dễ dàng đến thế”.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát: Điều 244, Bộ luật Hình sự nói rằng, nếu buôn bán thực phẩm độc hại, gây thiệt hại tính mạng hoặc sức khỏe nghiệm trọng mới xử lý. Tức là phải lăn ra chết mới xử lý”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem