Nữ cửu vạn với những hiểm nguy chực chờ nơi biên giới

Thứ bảy, ngày 21/12/2013 09:43 AM (GMT+7)
Tai nạn rình rập nhưng họ vẫn bươn chải vì cuộc mưu sinh. Họ là những nữ phu cửu vạn người dân tộc Vân Kiều - Pa Kô tại vùng biên giới Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị...
Bình luận 0
Đời của họ gắn với những phiên chợ sớm vùng biên giới, khuân vác hàng hóa cho cánh lái buôn từ cửa khẩu bên này (cửa khẩu Đen Sa Vẳn - Lào) sang bên kia (cửa khẩu Lao Bảo - Việt Nam) rồi tập kết lên những chiếc xe tải chở về xuôi.

Để hiểu hơn nghề mưu sinh của các phụ nữ đánh hàng qua biên giới ở cửa khẩu Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị, chúng tôi đã có 1 đêm theo chân những người phụ nữ này trên hành trình mưu sinh. 4 giờ sáng, khi mọi người còn chìm trong giấc ngủ say, những phụ nữ vùng biên đã có mặt với “cơm đùm cơm nắm” cho một ngày mưu sinh mới. Đa phần trong số đó là những phụ nữ người Vân Kiều - Pa Kô ở thôn Ka Tăng, thị trấn Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị vẫn hằng ngày, hằng đêm đánh hàng thông thương qua biên giới Việt-Lào. Mặt trời chưa ló dạng nhưng khu cửa khẩu Lao Bảo đã xô bồ, tấp nập.
Cả gia đình mưu sinh bằng nghề cửu vạn
Cả gia đình mưu sinh bằng nghề cửu vạn

Phận đời và những giọt mồ hôi

Vùng biên mùa đông lạnh buốt, gió thổi từng đợt rợn cả người. Những phụ nữ làm nghề đánh hàng mướn phong phanh chiếc áo mỏng manh, bụi trần, lăn theo những “vòng quay bánh xe” để nuôi… “vòng quay cuộc đời”. Chúng tôi tranh thủ trò chuyện với các chị đang tụm ba, tụm bảy lúc giải lao nói chuyện bàn tán về các chuyến hàng. Các chị bập bẹ bằng những câu tiếng Kinh chưa sõi, “Khổ lắm! Vất vả lắm!”. Khi chúng tôi hỏi về thâm niên, các chị đều trần tình… không nhớ, có chị nói là đi theo cha mẹ lúc còn nhỏ xíu giờ bạc tóc, có cả cháu nội ngoại… Một chị 35 tuổi có 25 năm nghề chia sẻ: “Có vất vả, đổ mồ hôi nhiều nhưng kiếm được bữa cơm qua ngày cũng là mừng rồi, chẳng mong gì hơn cả”.

Được biết từ khi biên giới Việt-Lào thông thương, cửa khẩu Lao Bảo tấp nập. Thương gia muốn chuyển hàng qua biên giới thì thuê người cõng hàng, kéo xe… từ đó người dân nơi đây có cái nghề cửu vạn để mưu sinh. Ban đầu nhiều người làm nghề… tay trái, tức ai thuê thì đi chuyến hàng kiếm thêm; thời gian còn lại làm nương rẫy; nhưng về sau thì đây trở thành nghề chính nuôi bản thân và gia đình.

Chị Thanh, một phụ nữ trung niên trong đoàn kể: “Khi tôi mới lấy chồng cuộc sống hai vợ chồng son vui vẻ hạnh phúc, nhàn nhạ với đám nương rẫy trên đồi. Đến khi có 2 đứa con, rồi thì tiền ăn, tiền học, các khoản chi khác ngày một nhiều. Thành ra hai vợ chồng lúc nào cũng rơi vào cảnh túng thiếu. Suy nghĩ miết cũng không có cách nào kiếm ra tiền, thế rồi trình bày hoàn cảnh tôi xin vào đội kéo xe này. Thương tình, mấy chị em đi trước cũng cho vào. Nhiều lúc kéo chuyến hàng oằn cả lưng, hoa cả mắt, nhưng nghĩ kéo xong có được đồng tiền cũng là động lực cho tôi tiếp tục làm”.
Những phụ nữ mưu sinh bằng những chuyến hàng qua biên giới Việt-Lào
Những phụ nữ mưu sinh bằng những chuyến hàng qua biên giới Việt-Lào

Nguyễn Thị Thảo năm nay tròn 16 tuổi nhưng có hơn 5 năm trong nghề lại ngậm ngùi kể, ngày nắng cũng như ngày mưa, đúng 7 giờ cho đến 19 giờ, có ngày muộn hơn, là em phải có mặt ở đây cùng với hai chị gái ngồi chờ, ai gọi kéo hàng là lên đường, miễn rằng hàng thuê kéo không phải là hàng Nhà nước cấm. “Vất vả lắm chú ạ! Không phải ngày nào cũng có hàng để kéo, nhiều lúc phải nhịn đói vì chẳng kiếm được đồng nào.

Ngày nhiều khách thuê thì kiếm được 50 nghìn đồng, còn rủi ro như làm mất và đổ vỡ hàng của chủ là phải góp tiền công để mua hàng đền lại, vậy là về không” - Thảo tâm sự. Sở dĩ Thảo có tâm trạng đó là vì về mặt sức khỏe em kém hơn nhiều so với các chị khác. Người nhỏ nhắn lại hay đau ốm, không đủ tiêu chuẩn để vào đội kéo hàng nhưng Thảo được 2 người chị ruột của mình dìu dắt đi theo cùng kiếm miếng ăn.

Nghề đánh hàng ai cũng nghĩ đơn giản, chất hàng lên xe và kéo đi nhưng thật ra không hề dễ dàng. Chị Trương Thị Hồng, 1 phụ nữ người dân tộc Vân Kiều – Pa Kô, hành nghề đánh hàng đang ôm cánh tay sưng vù vì tai nạn lật xe hàng cách đây không bao lâu, quả quyết: “Tai nạn xảy ra thường xuyên, nhưng vẫn phải chịu. Ai cũng chịu khó lao động kiếm tiền nuôi con. Vất vả chút nhưng có tiền để lo cho con cái ăn học, để chúng khỏi khổ”. Các nữ cửu vạn kể, trước đây mới mon men vào nghề, họ hoạt động theo hình thức tự do, mạnh ai nấy làm.
img

Từ đó dẫn đến những chuyện phức tạp như: tranh giành khách của nhau, cãi lộn với nhau… hay những chiêu chơi “khăm” nhau như: chặn đường hù dọa, rồi phá lốp xe…. dù họ là phụ nữ. Trước tình hình đó, thiếu tá Lê Quốc Hưng - cán bộ Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - đã đề xuất thành lập "đội phu xe”, hoạt động có quy chế, hình thức hoạt động đàng hoàng. Đội chia làm 4 tổ, mỗi tổ có 1 tổ trưởng. Các đội đều có đồng phục, hoạt động theo hình thức tập trung, phân chia hàng với phương châm mọi người cùng có hàng. Giá cả mỗi chuyến được phân định cụ thể cho từng loại hàng; tránh trường hợp ép giá của khách và nâng giá của phu xe. Chị em xây dựng mối đoàn kết, tương trợ giúp nhau vượt qua khó khăn…

Ông Hồ Văn Hồng (trưởng thôn Ka Tăng), cho biết: “Trước đây bà con dân bản mình đi kéo hàng thuê tự phát nên tùy tiện lắm. Từ năm 2005 nhờ có cán bộ, bộ đội Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo hướng dẫn lập đội xe nên công việc đều đặn, ổn định hơn, thu nhập cũng khá lên, cuộc sống gia đình từng bước được cải thiện. Đội xe tự quản này tham gia nhiều hoạt động xã hội của thôn xóm.

Họ đã xây dựng được quỹ riêng từ việc kéo hàng thuê, lấy đó làm quà để thăm hỏi khi có chị em đau ốm, mua sách vở để tặng phần thưởng động viên con em dân bản đạt kết quả cao trong học tập…”. Đặc biệt hơn, “đội xe kéo tóc dài” còn là chiếc cầu nối cho những hoạt động tình nghĩa của hai thôn bản biên giới kết nghĩa Ka Tang - Đen Sa Vẳn của hai nước Việt-Lào. Anh Hồng còn cho biết thêm, riêng thôn Ka Tăng có hơn 150 hộ với gần 700 nhân khẩu, trong đó có gần 50% là gia đình có công với cách mạng, hơn 50 hộ nghèo và rất nhiều hộ cận nghèo, công việc chính của người phụ nữ là tham gia làm dịch vụ, kéo hàng thuê để mưu sinh.

Những người phụ nữ bán “thân” cho nghề…

Các phụ nữ đánh hàng ở cửa khẩu Lao Bảo, ngoài cực khổ kiếm bạc cắc, còn đối diện với không ít hiểm nguy rình rập, những cạm bẫy mà không khôn khéo sẽ dễ dàng trở thành tội phạm, dính vòng lao lý. “Khi mới hình thành nghề kéo xe, các chị em ở đây còn hoạt đông theo hình thức tự do; nên rất dễ bị kẻ xấu lợi dụng. Nhiều người thấy chủ hàng thuê với giá kéo cao, cứ nghĩ là món hàng béo bở, nên đồng ý đi, rồi bị lừa kéo vào trong rừng, qua những đoạn đường hiểm trở, lúc đó mới phát hiện ra là hàng cấm. Nhưng không ai dám nói ra lời nào cả, vì nếu lúc đó mình nói ra có khi bị nó giết chết giữa rừng không ai biết. Đành ngậm ngùi mà tiếp tay cho bọn buôn gian bán lậu” - chị Hồ Thị Du người có thâm niên trong nghề này khẳng định.

Chị Hồ Thị Hoa cũng tâm sự bằng chính chuyện mình đã gặp. Chị kể, cách đây mấy năm chị có nhận một chuyến hàng 200 ngàn. Thế rồi kéo trúng phải hàng cấm, nhưng mãi tới khi đi khuất núi rồi chị mới biết; đành im lặng và kéo. Chuyến hôm đó chị đi đường rừng đúng 3 ngày mới về tới nhà; chủ hàng cũng chỉ đưa cho chị đúng 200 ngàn. Lúc đó không có điện thoại, không biết cách nào liên lạc với người ở nhà; làm cả nhà một phen hú vía đi tìm…
Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo.
Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo.

Được biết để trở thành hội viên của đội xe kéo, ai cũng phải qua kỳ sát hạch khá gắt gao. Trước tiên, các chị phải cam kết chấp hành nội quy của đội và đồn biên phòng; ai vi phạm đều bị xử lý. Thành viên của đội được cung cấp áo đồng phục ghi "đội xe kéo thị trấn Lao Bảo". Trong quá trình kéo xe, các chị cũng đã tích lũy nghiệp vụ riêng để phát hiện kẻ gian.

Chưa kể những bé gái mới lớn bước vào nghề kéo xe mưu sinh còn đối diện với chuyện bị xâm hại thân thể, lạm dụng, bạo hành và thậm chí là bị cưỡng hiếp, là đối tượng của nạn “buôn người” qua biên giới. Thực tế từ nhiều năm nay đã có 1 số vụ các nữ cửu vạn trẻ ở thị trấn Lao Bảo đã bị bắt cóc, xâm hại và thực trạng này trở thành mối lo ngại nhất của chính quyền địa phương.

Đáng xót xa có những bé gái mang thai ngoài ý muốn trong quá trình hành nghề đầy phức tạp, cuối cùng phải chịu hình phạt của buôn làng, cuộc đời hiu quạnh… Một thực trạng đáng báo động là những đứa trẻ nơi đây đa phần đều thất học, không hề biết con chữ, trường lớp là gì, vừa mới lớn cứ lao vào mưu sinh đến khi dựng vợ gã chồng lại sinh con và hướng dẫn con theo người đi trước. Nhiều gia đình nơi đây cứ theo cái vòng luẩn quẩn đó, đời sau cũng không khấm khá hơn gì so với đời trước.

Từ khi đội xe được thành lập, những thực trạng như nói trên đều được tuyên truyền một cách hiệu quả và đời sống cá nhân, gia đình của nhiều nữ cửu vạn cũng vì thế mà thay đổi rõ rệt. Các chị được đào tạo, huấn luyện qua các lớp nghiệp vụ, phòng chống các loại tội phạm, kịp thời phát hiện, trình báo và phối hợp với cơ quan chức năng bắt giữ những vụ hàng giả, hàng trốn thuế qua biên giới. Các chị truyền cho nhau những nghiệp vụ cơ bản trên đường mưu sinh. Đáng nói là được cơ quan chức năng đoàn thể tuyên truyền, họ cũng đã tạo điều kiện cho con cái đến trường, để sau này đời chúng bớt khổ hơn.

Có những ngày lang thang ở cửa khẩu Lao Bảo mới thấy rằng có những phận đời nữ cửu vạn còn những cay đắng, xót xa… Lăn theo từng vòng xe, họ đang nuôi ước mơ cho con em học hành để trở thành người tử tế, bớt khổ hơn cuộc đời mà họ đã trải qua ở vùng biên giới nhộn nhịp nhưng nhiều xô bồ này.
Hà Kiều (Dòng Đời) (Hà Kiều (Dòng Đời))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem