Ông Ban Ki-moon đến Trung Quốc bàn về Biển Đông

Thứ ba, ngày 20/05/2014 15:51 PM (GMT+7)
Ngày 19.5, trong khuôn khổ chuyến thăm Bắc Kinh, Tổng thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) đã thảo luận với Chủ tịch Trung Quốc về vấn đề căng thẳng trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Bình luận 0
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, TTK Ban Ki-moon đã một lần nữa bày tỏ quan điểm rằng, tất cả các bên phải kiềm chế hết sức và giải quyết vấn đề Biển Đông theo cách hòa bình, thông qua đối thoại và tuân thủ Hiến chương LHQ.

Tuy nhiên, đáp lại lời kêu gọi của ông Ban Ki-moon, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn giữ nguyên quan điểm cứng rắn khi cho rằng, sử dụng “lực lượng bên ngoài” để giải quyết tranh chấp sẽ chỉ dẫn đến những vấn đề mới. Ông Tập Cận Bình tiếp lời rằng, “cộng đồng quốc tế nên theo đuổi các giải pháp chính trị cho cuộc xung đột và LHQ nên “giương cao ngọn cờ” trong vấn đề này".

img

Trong những ngày qua, tình hình tại Biển Đông có những diễn biến căng thẳng sau khi Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam. Hành động ngang ngược và trái với pháp luật này không chỉ dấy lên làn sóng phản đối Trung Quốc tại Việt Nam, mà còn khiến cộng đồng quốc tế không khỏi quan ngại về an ninh, ổn định và hòa bình trong khu vực .

Tờ báo này bình luận rằng, Bắc Kinh nhấn mạnh đến việc cần phải theo đuổi các giải pháp chính trị để giải quyết vấn đề Biển Đông là bởi, Trung Quốc đang muốn khẳng định vị thế của mình, đồng thời cũng biểu lộ sự lo ngại khi Mỹ đang “xoay trục” sang Châu Á – Thái Bình Dương.

Su Hao, giáo sư trường Đại học Ngoại giao Trung Quốc bình luận, nhận xét của ông Tập Cận Bình đã "nhắm mục tiêu vào những tình huống gần đây giữa Bắc Kinh và các nước láng giềng".

"Những xung đột lãnh thổ đã xảy ra trong nhiều thập kỷ, nhưng gần đây đã leo thang tới một mức độ cao hơn, ảnh hưởng đến sự trao đổi, hợp tác giữa Trung Quốc và các nước láng giềng", giáo sư Su Hao nhận định. "Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã muốn giữ mối quan hệ ổn định với Mỹ. Tuy nhiên, đến nay, Trung Quốc muốn công khai bày tỏ lập trường của mình, vì họ (Trung Quốc) cảm thấy rằng sự tham gia của Mỹ đã đẩy một số quốc gia để đối đầu với Trung Quốc”, giáo sư Su cho biết thêm.

Shi Yinhong, một chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh bình luận rằng, những động thái và cách hành xử của Trung Quốc gần đây cho thấy, ông Tập Cận Bình dường như đã đặt ra nguyên tắc chung cho việc giải quyết xung đột. Ông Shi nói: "Các nguyên tắc này cũng có thể được áp dụng để giải quyết các cuộc xung đột ở Crimea khi nhấn mạnh đến yếu tố lực lượng bên ngoài không nên can thiệp vào, chỉ để các bên liên quan giải quyết với nhau”.
Hạ Anh (tổng hợp) (Hạ Anh (tổng hợp))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem