“Ông đỡ” của bản

Kiều Thiện Thứ ba, ngày 20/09/2016 16:36 PM (GMT+7)
Làm y tế bản như cán bộ Đôn thì không mấy nơi có người tốt thế đâu. Thu nhập thì thấp nhưng lòng nhiệt tình, sự hiểu biết và đức tính kiên trì của Đôn không nhỏ…” – bà Bàn Thị Nái, hơn 90 tuổi, dân bản Suối Lèo, xã Tân Lang, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, bảo vậy.
Bình luận 0

Ngượng… cũng phải làm cho tốt

Nói về cái đêm mùa đông của một năm trước, chị Đặng Thị Bàng, người dân tộc Dao ở bản Suối Lèo, xã Tân Lang vẫn còn ngại ngùng đến đỏ cả mặt: Em vẫn chưa nghĩ là mình lại sinh sớm thế. Đến nửa đêm, đau bụng dữ dội, nước ối trào ra. Người nhà vội gọi điện thoại nhờ y tế bản Bàn Văn Đôn đến giúp. Lúc ấy em đau nên chả biết ngượng gì nữa. Nhưng sau này, khi đã mẹ tròn – con vuông thì cứ mỗi lần gặp cán bộ Đôn là lại thấy ngường ngượng.

img

Ông đỡ Bàn Văn Đôn đang hướng dẫn các bà mẹ nuôi con nhỏ trong bản cách chế biến một bữa ăn đủ dinh dưỡng cho trẻ nhỏ cũng như những bà mẹ mang thai và sau khi sinh con. 

Còn chàng y tế bản Suối Lèo thì cũng không giấu vẻ lúng túng khi nói về những ca đỡ đẻ cho chị em trong bản của mình. Làm y tế bản, từ lúc mới hơn 20 tuổi, những việc thường ngày như thăm khám bệnh, tuyên truyền, vận động bà con cách ăn ở cho sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh, đủ dinh dưỡng… thì Đôn chẳng thấy ngại ngần gì. Nhưng chuyện tư vấn cho chị em phụ nữ về sinh đẻ có kế hoạch, bảo vệ thai nhi, tình dục an toàn, cách cho con bú … thì “khi nói chuyện mình đã phải tìm cách để tránh ấp úng. Vậy nhưng khi chị em đau đẻ, gọi đến mình mà mình lảng tránh thì cũng không xong. Bởi thế, khi ấy em phải luôn luôn nhủ lòng: Mình là cán bộ y tế để giúp dân. Trách nhiệm đó mình phải gánh vác. Cứ nhủ lòng như vậy để đỡ run. Sau một vài lần thì rồi cũng quen dần, tuy vẫn còn thấy ngượng. ” – Đôn tâm sự vậy.

Bản Suối Lèo vốn là nơi cư trú của hơn 120 hộ đồng bào dân tộc Dao, là một trong những bản đặc biệt khó khăn của xã Tân Lang. Người Dao xưa nay vốn mắn đẻ và có nhiều tục kiêng cữ khi sinh nở khá lạc hậu. Bởi vậy, những nỗi đau ốm khi sinh nở, thai nghén, hậu sản… trước đây là chuyện chẳng hiếm gì. Ngay từ khi còn bé, thỉnh thoảng theo cha mình là ông Bàn Văn Quế - một cán bộ y tế lâu năm của bản đi thăm khám bệnh cho bà con, lòng thương người nghèo đau ốm và khát vọng trở thành cán bộ y tế cứu người lớn dần trong Đôn. “Bố em vẫn bảo: Làm cán bộ y tế thì không được ngại khó, ngại nghèo, ngại bẩn; phải có tấm lòng thương người như chính bản thân mình thì mới có thể giúp được người khác. Nếu chỉ vì chuyện đỡ đẻ mà đã ngại ngần thì những việc khó hơn, lớn hơn sẽ chẳng vượt qua. Con chọn nghề y chính là một môi trường để thử thách, rèn luyện chính mình đấy. Những lúc khó khăn, em lại nghĩ về câu nói của bố mình”.  

Gần chục năm làm y tế bản, Đôn đã có nhiều ca phải trực tiếp đỡ đẻ cho những bà mẹ sinh con trong bản. Có cả những ca sinh con lần đầu, lần hai; có người tuổi là em, có người tuổi là chị và có cả những người đáng tuổi cô mình.

“Bà con vốn nghèo lại ít học nên chưa biết tự chăm sóc sức khỏe cho mình, nhiều khi chẳng dự đoán được khoảng ngày sinh. Vì thế có những ca như của chị Bàn Thị Mùi vừa đi nương về đến giữa trưa thì đau bụng quá, không thể ngồi lên xe máy hay lưng ngựa để đến trạm xá xã. Thế là Đôn phải xắn tay vào đỡ đẻ. “Mỗi ca sinh xong, nhìn mẹ con họ an toàn, khỏe mạnh, em lại thở phào. Khi ấy cái ngại ngùng mới thoáng trở lại và thầm ước giá mình là con gái thì sẽ đỡ hơn cho cả mình và những bà mẹ”

Cái gì chưa biết thì phải học thêm! 

Tuy đồng vốn phụ cấp y tế bản chỉ vỏn vẹn mấy trăm ngàn đồng một tháng nhưng với Bàn Văn Đôn “cái phụ cấp ấy chỉ là để giúp mình đỡ khó khăn. Nhiều khi tiền điện thoại, xăng xe còn vượt cả phụ cấp. Nhưng niềm vui lớn nhất của em là mình được mang hiểu biết, tâm sức giúp đỡ mọi  người. Em cũng bảo với vợ, con và người nhà mình như vậy” – Đôn thật thà kể.

Bà Bàn Thị Nái, ở gần nhà Đôn, bảo rằng: Cái nghề y nó chọn người. Ai mà cái bụng không tốt thì không thể làm được nghề y. Thằng Đôn nó sống có tâm, có đức, tính lại nhu mì như con gái nên làm cái này rất hợp. Bao nhiêu năm nay, nó chưa từ chối giúp đỡ ai khi họ bị bệnh hay sinh nở. Chả biết nó học ở trường y được bao nhiêu kiến thức nhưng cứ lúc nào rỗi là lại thấy nó cầm sách đọc để hiểu biết thêm về cái nghề cứu người”.

Hôm nay ở bản Suối Lèo lại diễn ra buổi thuyết giảng của y tế Đôn về “dinh dưỡng cho bà mẹ mang thái và trẻ nhỏ” theo chương trình hợp tác giữa dự án HKI và ngành y tế Sơn La. Căn nhà bé nhỏ của Đôn chộn rộn tiếng nói, cười, tiếng nựng con trẻ. Đôn giảng giải mạch lạc và thao tác những động tác chế biến nồi bột, nồi cháo đủ dinh dưỡng cho một bữa ăn phù hợp với trẻ từng độ tuổi trước những con mắt cảm phục của các bà mẹ và những cái nhìn hau háu chực “măm măm” của con trẻ. Tôi hỏi nhỏ Đôn “Em lấy những kiến thức này ở đâu ra khi ngay trong bản chẳng có Internet ?”.

Đôn cười hiền hậu: Em tự học thôi. Với trình độ trung cấp y như em thì kiến thức ngành y có được ở trường chỉ là rất nhỏ. Muốn làm tốt vai trò y tế bản ở vùng sâu, vùng khó khăn thì bắt buộc phải học rất nhiều. Ngoài Tây Y, em còn tự học hỏi thêm về thuốc Nam bởi với người dân nghèo khó, xa xôi cơ sở y tế thì thuốc Nam quan trọng lắm. Kiến thức dinh dưỡng này em cũng phải mua sách, ra thị trấn tìm hiểu qua mạng internet và các bác sỹ chuyên ngành đấy. Cái gì chưa biết thì phải học thêm ! Dân bản gọi em là “ông đỡ” thì phần lớn cũng là nhờ em tự học hỏi mà thành !

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem