PGS.TS Trần Hữu Sơn: Cần cấm tuyệt đối lễ hội vùng biên, tránh lây dịch virus Corona

Thanh Hà (thực hiện) Thứ hai, ngày 03/02/2020 12:20 PM (GMT+7)
“Tôi nghĩ các cơ quan quản lý cần thắt chặt, cấm tuyệt đối những lễ hội ở vùng biên giới như Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, để tránh nguy cơ lây lan dịch virus corona”, PGS. TS Trần Hữu Sơn - Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam cho biết.
Bình luận 0

Thưa ông, trước tình hình dịch viêm phổi do virus corona lây lan, Bộ VHTTDL đã có chỉ đạo tạm dừng các lễ hội chưa khai mạc. Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là hình thức, tức là chỉ không tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ chào mừng, không có các đoàn đại biểu đến dâng hương, nhưng vẫn hoạt động nội bộ, như vậy có đảm bảo an toàn? 

- Trước hết, như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói, chúng ta phải chuẩn bị kĩ và không thể mất bình tĩnh. Ta phải căn cứ vào tình hình dịch bệnh. Đầu tiên cả nước có 5 trường hợp thì 2 trường hợp là người Trung Quốc, 3 là người Việt Nam, kèm với hơn 30 người bị cách ly. Ở Lào Cai có 21 người bị cách ly, sau đó là 9 người ở cửa khẩu Lào Cai được trả lại Trung Quốc theo quy định. Đến thời điểm hiện tại, trường hợp nhiễm bệnh đã tăng lên tới 8 người.

img

PGS.TS Trần Hữu Sơn - Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam.

Chính phủ đã kịp thời phản ứng, thành lập Ban chỉ đạo phòng chống quốc gia, đồng thời đã ra những chỉ thị kịp thời như Chỉ thị 06, dừng các lễ hội chưa khai mạc.

Có thể việc dừng tất cả các lễ hội chưa khai mạc ảnh hưởng rất lớn tới các tỉnh, địa phương về kinh tế, đời sống của người dân. Tuy nhiên, dù ảnh hưởng lớn tới đâu thì tính mạng của con người vẫn phải đặt lên hàng đầu, chính vì vậy việc dừng lễ hội là hợp lý, sáng suốt.

Tôi ví dụ như sự kiện Ngày thơ Việt Nam, BTC đã phải chuẩn bị cả năm trời với nhiều công sức, kinh phí, nhưng khi dịch viêm phổi corona diễn biến nhanh, phức tạp, BTC đã thông báo tạm dừng tổ chức Ngày thơ Việt Nam, tôi cho là quyết định đúng đắn và kịp thời.

Hay ví dụ như Lễ hội chọi trâu ở Phù Ninh, chính quyền ở đây đã chủ động dừng trước cả chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, thì tôi thấy đáng hoan nghênh. Bởi thà mình dừng lại còn hơn, vì những vùng đó người từ Trung Quốc về khá đông.

Những lễ hội lớn như Lễ khai ấn đền Trần, Hội Lim, Hội cướp phết Hiền Quan… chưa khai mạc đều đã có thông báo tạm dừng, nhưng với hàng nghìn lễ hội lớn nhỏ khác thì kiểm soát thế nào?

- Lễ hội là một trong nếp văn hoá truyền thống, rất quan trọng đối với người dân Việt Nam. Việt Nam có trên 8.000 nghìn lễ hội lớn nhỏ thì đủ biết văn hoá truyền thống, di tích, lịch sử của Việt Nam dày đến cỡ nào.

Vì vậy, ở mỗi lễ hội ở mỗi tỉnh, địa phương, các cụ trưởng lão sẽ vẫn cần thực hiện nghi thức cho riêng lễ hội, địa phương đó. Đó cũng là nhu cầu của người dân nên sẽ không thể cấm tuyệt đối. Tuy nhiên, ban quản lý, cơ quan quản lý cần tuyên truyền, khuyến cáo về cách phòng, chống dịch virus corona. Đồng thời có thể có biện pháp hạn chế số lượng người dân tụ tập quá đông, ví dụ như đền Trần có thể lên đến hàng nghìn người đi lễ và xin ấn đầu năm...

Theo tôi, các cơ quan quản lý cần thắt chặt, cấm tuyệt đối với những lễ hội ở vùng biên giới như ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, bởi những lễ hội ở các vùng biên giới này nếu được tổ chức thì cư dân 2 nước coi đó như lễ hội chung, người dân Trung Quốc ở vùng biên giới có thể sẽ sang từ đường cửa khẩu cho tới đường mòn vùng biên và như vậy, chúng ta sẽ khó kiểm soát được dịch virus corona.

Theo ông, vì sao các lễ hội lớn đã thông báo tạm dừng, nhưng người dân vẫn ùn ùn kéo đi lễ, dự hội như ở chợ Viềng, chùa Tam Chúc, Bái Đính… Và sẽ phải xử lý thế nào trong vấn đề này để tránh đám đông tụ tập, tránh dịch virus Corona lây lan?

- Trước hết người dân phải tự trang bị kiến thức cần thiết. Cần phát loa tại các di tích, đền, chùa, đồng thời treo băng-rôn khuyến cáo người dân cách phòng, chống dịch virus corona, cũng như khuyến cáo người dân phải đeo khẩu trang mỗi khi đến đám đông. 

Còn chuyện Tam Chúc đầu năm diễn ra cảnh chen chúc phản cảm thì có 2 nguyên nhân. Nguyên nhân thứ nhất là ý thức của người đi lễ hội. Người Việt mình khi tham gia lễ hội thường không tôn trọng luật lệ. Ý thức không tốt không chỉ ở lúc tham gia lễ hội, mà thể hiện ngay ở trên đường phố hàng ngày, như việc vượt đèn đỏ, lấn làn đường...

Một tâm lí khác là ban tổ chức hứa cho người ta giải thưởng hay cái gì đó khi tham gia lễ hội. Việc đó rất nguy hiểm, vì ở những chỗ đông người, hạng vạn người như thế sẽ tạo tâm lí đám đông, một người xô đẩy thì hàng vạn người xô đẩy, không ai cản được. Vỡ hội là ở chỗ đấy. Đó là kinh nghiệm rất quan trọng khi tổ chức lễ hội, không thể kích thích tâm lí đám đông được. Lễ hội đền Hùng đã bị như thế rồi, ta phải rút kinh nghiệm để không lặp lại nữa. 

Còn đã có lệnh dừng lễ hội thì tất cả đều phải dừng, đó là lẽ thường vì tính mạng người dân là trên hết. Cho dù nhiều ý kiến cho rằng đây là vấn đề tâm linh cũng phải xếp sau sự an toàn tính mạng của người dân.

Xin cảm ơn TS!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem