PGS.TS Vương Toàn: "Hoàng Văn Thụ sống trong lòng dân tộc Việt Nam"

Hoàng Thành (lược trích) Thứ hai, ngày 04/11/2019 06:10 AM (GMT+7)
“Ngày nay, để người chiến sĩ cộng sản Hoàng Văn Thụ kiên trung bất khuất thực sự sống mãi trong lòng dân tộc cùng các thế hệ mai sau, tên Hoàng Văn Thụ - đôi khi được dùng tắt thành “Văn Thụ” - đã được đặt tên cho nhiều phố, phường, trường học... trong cả nước”, PGS.TS Vương Toàn cho hay.
Bình luận 0

Sớm dấn thân vào con đường cách mạng 

Nghiên cứu về thân thế, sự nghiệp của nhà lãnh đạo cao cấp của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương Hoàng Văn Thụ, PGS.TS Vương Toàn - nguyên Phó Viện trưởng Viện thông tin Khoa học xã hội, Chủ nhiệm Chương trình Thái học Việt Nam cho biết, thế hệ ngày nay, nhất là thế hệ trẻ hẳn chẳng thể nào quên vào những năm đầu thế kỷ XX, ở miền đất xứ Lạng, trong số những thanh niên người Tày sớm giác ngộ cách mạng, nhờ được tiếp xúc các tài liệu tuyên truyền và báo chí của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, có Hoàng Văn Thụ và Lương Văn Tri.

Hoàng Văn Thụ sinh ngày 4/11/1909 tại Nhân Lý, châu Văn Uyên (về sau hợp nhất với Thoát Làng thành huyện Văn Lãng ngày nay), tỉnh Lạng Sơn. Là con thứ ba trong số bốn người con của gia đình có bố là Hoàng Khải Lan, một nông dân đã có thời kỳ làm lý trưởng nhưng về sau, do có con hoạt động cách mạng, chính quyền địa phương đã buộc cụ thôi việc. Mẹ là Hà Thị Mùi, luôn chịu khó làm ăn và thương yêu chồng con hết mực.

img

Đồng chí Hoàng Văn Thụ. (Ảnh tư liệu)

Năm lên 8, Hoàng Văn Thụ được cha mẹ cho đi học tại trường làng. Từ năm 1923, Hoàng Văn Thụ được theo học tại trường tiểu học Pháp - Việt Lạng Sơn, và những chuyển biến lớn về nhận thức chính trị đã sớm nảy sinh để kết quả là đã hình thành nên một con người cộng sản sớm tự nguyện dấn thân vào con đường hoạt động cách mạng từ đây…

Do nhiệt tình cách mạng thôi thúc, vào cuối 1927, Hoàng Văn Thụ và Lương Văn Tri bí mật lên đường bắt liên lạc với tổ chức cách mạng. Nhờ sự giúp đỡ và che chở của các gia đình cơ sở của tổ chức như các gia đình chị Mai ở bản Đẩy, Mã Khánh Phương ở Lũng Nghịu), nguyện vọng của các anh đã được tiếp nhận. Rồi sau một năm vừa học tập lý luận vừa hoạt động thực tiễn, đến cuối 1928 thì cả hai (và Hoàng Đình Giong) được kết nạp vào Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội, và được giao nhiệm vụ vận động cách mạng trên vùng biên giới Việt - Trung.

Qua một thời gian vừa hoạt động thực tiễn "vô sản hoá" và học tập lý luận cách mạng, tháng 12/1929, Hoàng Văn Thụ cùng Hoàng Đình Giong, Hoàng Văn Nọn được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng, một trong ba tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ngay sau khi Đảng ta ra đời (3/2/1930), chi bộ Đảng chỉ đạo vùng núi biên giới Cao - Bắc - Lạng được thành lập gồm Hoàng Đình Giong (làm Bí thư), Hoàng Văn Thụ và Hoàng Văn Non, với nhiệm vụ trọng tâm cụ thể là bắt mối, gây dựng các tổ chức cách mạng ở hai tỉnh giáp biên giới là Cao Bằng và Lạng Sơn.

Lúc đầu, Hoàng Văn Thụ được phân công gây dựng phong trào cách mạng ở tỉnh nhà. Bí mật tuyên truyền đường lối cách mạng trong quần chúng nhân dân ở Lũng Nghịu (Trung Quốc), tiếp giáp với vùng núi Khơ Lếch (thuộc Văn Uyên khi đó, nay cắt về huyện Cao Lộc), và đã nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng. 

Cùng với sự hoạt động tích cực của nhiều quần chúng trung kiên, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Hoàng Văn Thụ, cơ sở quần chúng được mở rộng, lúc đầu ở Khưa Đa, Ma Mèo, Tân Yên, Tân Thanh, và đến giữa năm 1933 tới Thuỵ Hùng, Hồng Phong, Phú Xá... Phong trào ngày càng thu hút được các tầng lớp khác nhau tham gia, trong số đó có người là giáo viên, thủ bạ, xã đoàn... 

Đầu năm 1935, Hoàng Văn Thụ đã trực tiếp bồi dưỡng và giác ngộ một quần chúng tích cực ở Bắc Sơn liên hệ được với cơ sở ở Văn Uyên, đó là Đường Văn Thông. Đường Văn Thông được giao nhiệm vụ tuyên truyền, xây dựng cơ sở, châm ngòi lửa xây dựng phong trào cách mạng ở Bắc Sơn. 

Như thế, nhờ đường dây hoạt động bí mật, từ đó con đường cách mạng đã được chắp nối từ Văn Uyên lên Thất Khê, và từ Văn Uyên vào Bắc Sơn, hình thành mạch nối cho phong trào cách mạng Lạng Sơn sau này.

Được sự quán xuyến trực tiếp của Ban cán sự tỉnh và đồng chí Hoàng Văn Thụ, một hệ thống trạm liên lạc bí mật được thiết lập trên địa bàn Tân Yên, Thuỵ Hùng, Phú Xá..., hình thành đường dây an toàn cho việc đi lại hoạt động thường xuyên của Đảng, và chính các cơ sở này đã góp phần tích cực vào việc đưa đón, bảo vệ an toàn cho các đại biểu trong nước sang dự Đại hội lần thứ nhất của Đảng ở Ma Cao (Trung Quốc) từ 27 đến 31/3/1935. 

img

PGS.TS Vương Toàn - nguyên Phó Viện trưởng Viện thông tin Khoa học xã hội, Chủ nhiệm Chương trình Thái học Việt Nam. (Ảnh: VOV)

Từ năm 1936, được sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ uỷ Bắc Kỳ, mà trực tiếp là Hoàng Văn Thụ, các cơ sở quần chúng ở Tràng Định được củng cố, tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền, đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ. 

Tại Hội nghị Trung ương lần thứ VIII, họp tháng 5 năm 1941, Hoàng Văn Thụ được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đặc trách công tác mặt trận và binh vận. Nhưng rồi con đường hoạt động của người thanh niên cộng sản đã bất ngờ bị khép lại. “Đó là ngày 25/8/1943, Hoàng Văn Thụ bị giặc bắt ở khu Tám Mái (Hà Nội) và sau đó bị giặc Pháp giết hại ngày 24/5/1 944 tại trường bắn Tương Mai (Hà Nội). Nhưng "ngọc nát còn hơn ngói lành", tấm lòng kiên trung, ý chí bất khuất được thể hiện trong lời nói trước mũi súng quân thù của người cộng sản”, nhà trí thức người Nùng Lạng Sơn nhấn mạnh.

Sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam

Tại quê hương Lạng Sơn, Hoàng Văn Thụ đã trực tiếp tổ chức kết nạp, thành lập chi bộ Đảng ở Thụy Hùng (năm 1933), do chính đồng chí làm bí thư. Và thế rồi lòng căm thù chế độ thực dân và phong kiến, với mong ước giải phóng quê hương, rộng hơn là đất nước, Hoàng Văn Thụ đã mở rộng hoạt động sang các vùng lân cận.

Từ năm 1934 đến đầu năm 1938, với cương vị là Bí thư chi bộ Đảng trực thuộc Ban lãnh đạo Trung ương, Hoàng Văn Thụ đã chỉ đạo phong trào cách mạng ở nhiều nơi thuộc Lạng Sơn, Cao Bằng và Thái Nguyên. 

Từ tháng 5/1938 đến giữa 1939, Hoàng Văn Thụ là uỷ viên Ban lãnh đạo Xứ uỷ Bắc Lý phụ trách công tác phát triển và củng cố các cơ sở Đảng và quần chúng cách mạng ở Thái Nguyên, Hải Hưng, Vĩnh Yên và vùng mỏ Quảng Ninh. 

Theo PGS.TS Vương Toàn, là “người cộng sản đầu tiên của Văn Lãng”, Hoàng Văn Thụ cũng là một trong những đảng viên đầu tiên của các dân tộc thiểu số Việt Nam có những đóng góp và giữ vị trí cao trong Đảng ngay từ giai đoạn đầu, đã được lịch sử Đảng ta ghi nhận. 

img

Khu tưởng niệm Hoàng Văn Thụ ở tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh: P.V)

Sau phần đánh giá phong trào cách mạng trong các dân tộc thiểu số, Đại hội lần thứ nhất của Đảng đã biểu dương và nhận định: “Điều rất đặc sắc là cuộc tranh đấu của công nông người Thổ, người Nùng ở Cao Bằng, Lạng Sơn có tính chất tổ chức chu đáo và theo những khẩu hiệu cộng sản rất rõ rệt. Một điều thắng lợi cho cộng sản chủ nghĩa nữa là: công nông các dân tộc thiểu số chẳng những đã vào hàng ngũ Đảng và các đoàn thể khác do Đảng chỉ đạo mà thôi, mà họ đã giữ một địa vị rất quan trọng trong các cơ quan chỉ đạo từ hạ cấp cho tới thượng cấp... Đại hội chắc chắn rằng ở các xứ và miền dân tộc thiểu số đã có điều kiện khách quan sẵn sàng cho sự phát triển cách mạng vận động" (Văn kiện Đảng 10/1929-4/1935. Ban NCLS Đảng TƯ, 1977, tr. 480).

Ngày nay, để người chiến sĩ cộng sản Hoàng Văn Thụ kiên trung bất khuất đã sống anh dũng và hy sinh vẻ vang, thực sự sống mãi trong lòng dân tộc cùng các thế hệ mai sau, tên Hoàng Văn Thụ - đôi khi được dùng tắt thành “Văn Thụ” - đã được đặt tên cho nhiều phố, phường, trường học... trong cả nước. Nhà Bảo tàng Hoàng Văn Thụ được xây dựng tại Nhân Lý, nay mang tên đồng chí: xã Hoàng Văn Thụ (thuộc huyện Văn Lãng, Lạng Sơn).

"Riêng Thành phố Lạng Sơn nay có phường Hoàng Văn Thụ, trong khi trước đã có đường Hoàng Văn Thụ thuộc phường Chi Lăng. Tượng Hoàng Văn Thụ được dựng ngay giữa Vườn hoa Đắc Lắc từ ngày còn là thị xã. Thủ đô Hà Nội có phố Hoàng Văn Thụ ngay trước Phủ Chủ tịch và lại có phường Hoàng Văn Thụ, trước thuộc quận Hai Bà Trưng, nay thuộc quận Hoàng Mai. Tên tuổi Hoàng Văn Thụ được ghi nhận đậm nét trong lịch sử dân tộc Việt Nam”, PGS.TS Vương Toàn nhấn mạnh. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem