Phát huy mạnh hơn vai trò dân làm chủ

 Lương Kết Thứ hai, ngày 05/10/2015 06:42 AM (GMT+7)
"Đại hội Đảng lần thứ XII này tôi mong có những dấu ấn rõ hơn để khẳng định việc tới đây chúng ta phải làm là tiến tới thực hiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thực hiện quyền dân chủ của dân, tiếp tục thực hiện công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước". Ông Phạm Thế Duyệt - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam phát biểu tại hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam để góp ý vào dự thảo Văn kiện trình Đại hội lần thứ XII của Đảng, tổ chức trong 2 ngày 3 và 4.10.
Bình luận 0

Trong phần giới thiệu tóm tắt dự thảo Văn kiện trình Đại hội lần thứ XII của Đảng, GS-TS Phùng Hữu Phú - Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng lý luận T.Ư nhấn mạnh: Lần này, vấn đề dân chủ được nhấn mạnh, được đặt lên hàng đầu. Dân chủ ngày càng trở thành một xu hướng lớn của thời đại, khát vọng của nhân dân và động lực phát triển của quốc gia.

Ông Nguyễn Túc – Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về văn hóa xã hội, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam thẳng thắn nêu vấn đề tham nhũng, thoái hóa biến chất ngày càng nhiều ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Mặc dù Đảng và Nhà nước cũng có nhiều biện pháp phòng, chống nhưng kết quả chưa như mong đợi. Theo ông Túc có nhiều yếu tố nhưng yếu tố “dân làm chủ” chưa được phát huy đúng mức.

Theo Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, đối với những vụ việc tham nhũng lớn phải có bộ máy chuyên trách mới làm được, vậy vai trò của nhân dân tham gia ở đâu, như thế nào. "Ở cơ sở, những tham nhũng dù nhỏ thì nhân dân có tham gia phòng, chống được không, có quy chế để bảo vệ người dân, phát huy như thế nào? Rất mong chúng ta cùng suy nghĩ để định hướng, vạch ra con đường làm sao để nhân dân có vai trò, Mặt trận có vai trò hiệu quả hơn nữa trong phòng chống tham nhũng ở các mức độ khác nhau" - Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nêu.

Cho ý kiến về vấn đề đồng bào dân tộc, ông Lù Văn Que - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cho rằng: Vùng dân tộc và miền núi vẫn là vùng có nhiều khó khăn và nghèo nhất nước… Một trong những nguyên nhân là việc tổ chức, chỉ đạo thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta ở các vùng dân tộc và miền núi còn nhiều yếu kém, khuyết điểm. Ông Que cho rằng, việc làm có ý nghĩa quyết định là xây dựng cho từng dân tộc có được một số cán bộ cốt cán có tâm, tầm. “Đây là cái gốc của mọi công việc, thành công hay thất bại ở vùng dân tộc, đều do cán bộ và đảng viên, người đại diện cho dân tộc họ tốt hay kém” - ông Lù Văn Que nêu ý kiến.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem