Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt

Minh Yến – Hải Phong Thứ năm, ngày 21/01/2016 11:26 AM (GMT+7)
Sáng nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thay mặt Ban Chấp hành T.Ư khóa XI, đã đọc báo cáo trình Đại hội XII.
Bình luận 0

Báo cáo trình Đại hội XII có nhan đề “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

img

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thay mặt Ban Chấp hành T.Ư khóa XI, đã đọc báo cáo trình Đại hội XII.

Phát triển đất nước toàn diện và đồng bộ

Báo cáo đã khẳng định 30 năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đổi mới mang tầm vóc  và ý nghĩa cách mạng, là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để, là sự nghiệp cách mạng to lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Theo Tổng Bí thư, qua 30 năm đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Đồng thời cũng còn nhiều vấn đề lớn, phức tạp, nhiều hạn chế, yếu kém cần phải tập trung giải quyết, khắc phục để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Vì thế, theo Tổng Bí thư, thời kỳ mới đòi hỏi phải phát triển đất nước toàn diện, đồng bộ hơn về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng văn hóa, con người làm nền tảng tinh thần, tăng cường quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên.

Bên cạnh đó, phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH...

Những định hướng lớn báo cáo đưa ra gồm có: Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức; hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường tiềm lực và đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ. Xây dựng, phát triển văn hóa, con người. Quản lý phát triển xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực

Trong một mục tiêu quan trọng là bảo vệ vững chắc tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình ổn định, Tổng Bí thư khẳng định: Đây là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó quân đội nhân dân, công an nhân dân là nòng cốt.

Để thực hiện được mục tiêu này, Tổng Bí thư yêu cầu tiếp tục phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế... Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội...

Xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh cũng là một nội dung then chốt được đề cập trong báo cáo. Đánh giá về công tác thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, sau khi đánh giá những kết quả đạt được, Tổng Bí thư cho rằng một số việc vẫn chưa đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra. Tình trạng suy thoái về tư tương chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn.

Công tác xây dựng Đảng nói chung cũng bộc lộ nhiều hạn chế, khuyết điểm thể hiện trên các mặt, nội dung, các khâu công tác, nổi bật là: Việc dự báo, hoạch định, lãnh đạo tổ chức thực hiện các nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước chưa kịp thời, đồng bộ, hiệu quả; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của không ít tổ chức đảng còn thấp, có nơi mất sức chiến đấu...

Do đó, báo cáo đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó đáng chú ý là tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo điều hành. Hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương... “Đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, coi trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đồng thời là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Báo cáo cũng khẳng định mục tiêu đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại đã được xác định từ Đại hội VIII của Đảng và trên thực tế, 20 năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã nỗ lực phấn đấu thực hiện mục tiêu này. “Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan nên nhiều chỉ tiêu, tiêu chí trong mục tiêu trên không đạt được. Trong 5 năm tới phải phấn đấu quyết liệt hơn, phát triển kinh tế nhanh, bền vững để sớm đạt được mục tiêu này”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem