Phó mặc tử thần

Thứ sáu, ngày 25/06/2010 16:42 PM (GMT+7)
(NTNN) - Với người dân Lai Châu, mỗi cây cầu không cứ lớn hay nhỏ được bắc qua sông, suối đều là một niềm vui khó tả với bà con. Nhưng mỗi mùa mưa lũ đi qua những cây cầu đó lại là hiểm hoạ và luôn rình rập mạng sống người dân.
Bình luận 0
img
Người dân Lai Châu hiện vẫn phải lưu thông trên những chiếc cầu tre nguy hiểm.

Những cái chết thương tâm

Đã nhiều năm nay người dân 8 bản thuộc xã Mường Khoa, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu phải qua sông Nậm Mu bằng những chiếc mảng tự tạo, thuyền độc mộc bất kể là mùa nước lũ. Nguy hiểm nhất là các em học sinh hàng ngày phải tự tay chèo lái những chiếc mảng mỏng manh lướt trên con nước dữ để đến trường.

Hiện ở các vùng nông thôn vẫn còn rất nhiều cây cầu xuống cấp nghiêm trọng. Cầu treo ở thôn Phú Son (xã Ba, Đông Giang, Quảng Nam) bị hỏng hoàn toàn mặt cầu, hơn 1 m mới có 1 tấm ván lát; các thanh dầm bằng sắt được nẹp thêm các thanh tre, nứa. Ở xã Nam Tiến – Quan Hoá – Thanh Hoá lâu nay vẫn tồn tại một cây cầu bề mặt được lát toàn bộ bằng tre, nứa; lan can cầu không có; hàng năm đều có người ngã xuống sông...

Theo ông Lò Văn Chài – Bí thư Đảng uỷ xã, từ năm 2005 đến nay khúc sông này đã cướp đi sinh mạng của 7 người dân trong bản. Năm nào cũng xảy ra tình trạng lật thuyền, bè, bị nước cuốn trôi. Là người dân địa phương, ông Chài không thể quên được cái ngày định mệnh năm 2006, khi 5 người dân địa phương đang qua con sông này bất ngờ bị nước cuốn phăng.

Tang thương nối tiếp tang thương, năm 2008, em Lò Văn Hắc, học sinh lớp 9 lại bị nước cuốn trôi trên chính khúc sông này. Từ những ngày đó, người dân luôn thấp thỏm, giật mình khi phải qua “cửa tử” này. Tuy nhiên, nói như bà con nơi đây thì dù sợ nhưng vẫn phải đi vì đây là lối đi duy nhất.

Ông Lò Văn Sẵn, người dân bản Phiêng Hào, xã Mường Khoa tâm sự: “Không có cầu, người dân chúng tôi phải tự đóng bè mảng để qua sông. Vào mùa mưa, nước lớn qua sông bằng những chiếc mảng này thật nguy hiểm. Bao đời nay dòng sông Nậm Mu vẫn ngăn cách người dân chúng tôi với trung tâm xã và các bản xung quanh, giao lưu hàng hoá bị chia cắt, trẻ em luôn bị đe doạ trên mỗi chuyến bè”.

Đã nhiều lần bà con trong xã cùng chung sức bắc nên một cây cầu để qua sông cho thuận tiện, nhưng vững chắc lắm những chiếc cầu đó cũng chỉ trụ được đến tháng 6, khi nước lũ về thì cây cầu lại bị cuốn trôi. Mùa khô thì những con suối cạn nước, trơ trọi tận đáy với những vách đá dựng đứng, mùa mưa con nước cuồn cuộn, vách đá ngang dọc dựng lên như những cạm bẫy chết người.

Nhưng nói như ông Bí thư xã thì để có được cái chữ, có miếng ăn, người dân nơi đây vẫn phải phó mặc mạng sống cho sông nước. Không chỉ riêng xã Mường Khoa mà trên địa bàn tỉnh Lai Châu hiện nay có nhiều nơi bà con đang hàng ngày phải qua sông, suối bằng những chiếc bè, chiếc mảng mà chỉ sơ sẩy một chút thôi là có thể biến mình thành mồi ngon cho Hà Bá.

Thót tim làm xiếc

Ông Ngô Quang Đảo -Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết: Những cây cầu vượt sông, suối loại nhỏ ở nông thôn là do các địa phương quản lý. Việc xây dựng hạ tầng giao thông nói chung, cầu ở nông thôn nói riêng là việc các cơ quan quản lý nhà nước phải làm và có nguồn ngân sách đảm bảo. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, để đẩy nhanh phát triển giao thông nông thôn, vẫn có thể chấp nhận hình thức để tư nhân xây dựng rồi thu phí.

Do hệ thống sông suối dày đặc, địa hình chia cắt phức tạp, việc xây dựng cầu ở Lai Châu gặp rất nhiều khó khăn. Những cây cầu ở đây chủ yếu là cầu treo, một đặc trưng vùng miền núi Tây Bắc. Những sợi dây sắt treo lủng lẳng, được mấu vào bê tông hai bên vách núi, hoặc những gốc cây cổ thụ, mặt cầu được lát bằng những tấm gỗ, tre, nứa mỏng manh là kiểu thiết kế điển hình của những cây cầu treo ở Lai Châu.

Một mẫu cầu cũng rất đặc thù mà các kỹ sư nông dân thường thiết kế là họ dùng những rọ đá đặt giữa sông, suối làm trụ đỡ cho những thanh nứa, tre bắc ngang. Với kiểu thiết kế này, vào mùa mưa, nước lũ tràn về gây xói mòn và sạt lở, do đó chuyện những cây cầu bị lũ cuốn trôi là lẽ đương nhiên. Gần đây nhất là trận lũ ngày 13-6 vừa qua, tại xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, do mưa lớn kéo dài, nước lũ đã cuốn phăng cây cầu Chu Va, rất may là không có thiệt hại về người.

Với những vùng bà con chưa có cầu để qua sông là một chuyện, nhưng những vùng có cầu qua sông rồi bà con cũng không thể yên tâm vì những cây cầu tạm bợ, nhanh xuống cấp, chỉ cần mưa lớn là có thể bị cuốn trôi. Như vậy, mỗi mùa mưa lũ đi qua là một phen thót tim đối với bà con.

Nhưng ở tỉnh Lai Châu thì năm nào chẳng có mưa lũ, lốc xoáy, vì vậy người dân cũng chỉ biết kiến nghị với đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh hay Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh mỗi lần tiếp xúc cử tri, nhưng rồi mong muốn đó của bà con chẳng biết lúc nào mới thành hiện thực.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem