Phó Thủ tướng: Không ít trẻ em bị người thân trong gia đình xâm hại

Ngọc Lương Thứ hai, ngày 06/08/2018 10:28 AM (GMT+7)
Theo thống kê của ngành chức năng, trong 5 tháng đầu năm 2018, toàn quốc phát hiện 682 vụ xâm hại trẻ em. Đáng chú ý, trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân trong gia đình chiếm 21,3%...
Bình luận 0

img

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị về các giải pháp bảo vệ trẻ em (ảnh Chinhphu).

Sáng nay (6.8), diễn ra hội nghị trực tuyến toàn quốc về các giải pháp bảo vệ trẻ em trước các hành vi bạo lực, xâm hại và các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trẻ em, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị.

Hội nghị trực tuyến tới tới 675 điểm cầu ở cấp huyện, xã - cấp cơ sở có vai trò quan trọng trong việc thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em, với sự tham gia của khoảng 18.000 đại biểu.

Theo thống kê của ngành chức năng, trong 5 tháng đầu năm 2018, toàn quốc phát hiện 682 vụ xâm hại trẻ em. Đáng chú ý, trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân trong gia đình chiếm 21,3%, bởi người quen, hàng xóm là 59,9%, người lạ là 12,6%...

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, ngoài 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo hành, xâm hại (2.000 trường hợp/năm) được phát hiện, được can thiệp, được hỗ trợ, được đưa vào số liệu thống kê, thì còn bao nhiêu trường hợp khác chưa được phát hiện?

“Còn bao nhiêu hành vi, cách ứng xử với trẻ em mà nhiều người thấy là “bình thường” nhưng thực chất là bạo hành, là xâm hại trẻ em, là ảnh hưởng xấu tới phát triển của trẻ em?”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt câu hỏi.

Vẫn theo Phó Thủ tướng, điều đau lòng là không ít trẻ em bị chính những người thân trong gia đình, ở trường lớp, xóm giềng ngược đãi, xâm hại và dù được can thiệp, hỗ trợ - nhiều trường hợp người ngược đãi, xâm hại bị nghiêm trị - nhưng vẫn để lại những di chứng khó lành trong tâm hồn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề nghị các đại biểu tham dự hội nghị tập trung trao đổi, thảo luận về thực trạng công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; phân tích nguyên nhân, bất cập và các giải pháp cụ thể.

Ông lấy một ví dụ đã nêu tại Điều 90 (Luật Trẻ em) quy định rõ phải xác định người làm công tác bảo vệ trẻ em ở cấp xã nhưng theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH đến nay mới có 590 cán bộ thuộc 6 tỉnh/thành phố được phân công làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã. "Nghĩa là mới có khoảng 5% số xã, 10% số tỉnh triển khai một công việc có thể nói là không khó. Và vì thế trong nhiều trường hợp khi Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 được báo có vụ việc xâm hại trẻ em không biết liên hệ với ai ở cơ sở để xử lý", Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng, từ ví dụ đó, chúng ta cũng có thể thấy nhận thức về tầm quan trọng của công tác bảo vệ trẻ em cũng như hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến, thực thi pháp luật về trẻ em cần phải được chú trọng hơn nữa với đầy đủ trách nhiệm.

Trước đó, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV (tháng 6.2018), Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết: Trong số 682 vụ được phát hiện trong 5 tháng đầu năm 2018, có 735 trẻ em bị xâm hại, với 759 đối tượng vi phạm. Trong số này, số lượng xâm hại tình dục chiếm 84%. Hành vi xâm hại trẻ em chủ yếu giết, gây thương tích, hành hạ, ngược đãi, xâm hại tình dục; 5 tháng 2018 so với cùng kỳ 2017 giảm gần 8%.

Vẫn theo Bộ trưởng Bộ Công an, diễn biến của xâm hại tình dục trẻ em hiện nay rất phức tạp, không chỉ trẻ em gái, trẻ em trai cũng bị xâm hại; không chỉ đối tượng người Việt cả người nước ngoài vào Việt Nam có hành vi phạm tội, thậm chí nước ngoài vào lợi dụng quan hệ, nuôi dưỡng, tập hợp trẻ em để xâm hại.

Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, những quy định luật pháp đối với hành vi xâm hại trẻ em là rất chặt. Bộ luật Hình sự 2015, quy định 6 tội với hành vi rất cụ thể với mức án rõ ràng rành mạch.

Nói về phương hướng hoạt động của lực lượng công an trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết: Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân về phòng chống xâm hại tình dục trẻ em; phối hợp chặt chẽ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục - Đào tạo và các tổ chức đoàn thể chính trị, các cơ quan bảo vệ pháp luật,… thực hiện những biện pháp phòng ngừa hiệu quả trong phòng ngừa, ngăn chặn xâm hại tình dục trẻ em.

“Đối với các cơ quan công an, điều tra viên, chúng tôi tiếp tục chấn chỉnh công tác xử lý tin tố giác tội phạm, thiết lập đường giây nóng, điện thoại, email, nơi công cộng, nơi có nguy cơ cao xảy ra xâm hại tình dục trẻ em; tăng cường sự tham gia của các hội quần chúng nhân dân tố giác tội phạm, phối hợp với các cơ quan xử lý nghiêm, nâng tính răng đe”, Thượng tướng Tô Lâm cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem