Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp chỉ đạo phòng chống bão số 3

Trần Quang - Hồng Đức-Ngân Phạm Thứ sáu, ngày 19/08/2016 08:43 AM (GMT+7)
Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và đoàn công tác trung ương đã về Ninh Bình và Thanh Hóa kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống cơn bão số 3 đang đến gần.
Bình luận 0

Tại Ninh Bình

img

Tối 18.8, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và đoàn công tác trung ương đã về làm việc với Ninh Bình về công tác phòng chống bão số 3. (Ảnh: Báo Ninh Bình)

Trao đổi với Dân Việt, ông Đinh Văn Điến - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Ninh Bình, Trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình cho biết, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình đã ban hành 2 công điện để chỉ đạo các cấp, ngành, doanh nghiệp và người dân tập trung phòng chống bão lũ. Đồng thời đưa đi thông báo phân công nhiệm vụ cho các cấp, ngành cần đảm bảo tuyệt đối về người và tài sản của dân. Chủ động các phương án đối phó bão, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ.

Ông Điến cho biết thêm, đến 20 giờ ngày 18.8, về cơ bản tỉnh Ninh Bình đã kêu gọi toàn bộ 126 tàu, thuyền/374 thuyền viên vào nơi tránh trú bão an toàn; 182 lều/366 lao động khai thác, nuôi, trồng thủy, hải sản ở bãi bồi ven biển đã hoàn thành di dời. Công ty khai thác công trình thủy lợi đã vận hành 87 máy/39 trạm, 82 cống dưới đê, 11 công tiêu nước trong hồ. Hiện tại, đã cơ bản tiêu kiệt nước đệm trong đồng và hệ thống kênh mương; thực hiện hạ mực nước các hồ xuống dưới ngưỡng tràn theo phương án.

img

Nông dân các xã của huyện ven biển Kim Sơn khẩn trương chằng chống nhà cửa trước khi bão số 3 đổ bộ vào.

img

Để ứng phó với bão số 3, tỉnh Ninh Bình yêu cầu toàn bộ chính quyền địa phương cùng nhân dân chống bão. 100% các cơ quan, đơn vị thường trực 24/24 giờ để phòng, chống bão;100% các đồng chí thành viên Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh trực tiếp xuống địa bàn phụ trách, đặc biệt là các địa phương có điểm xung yếu như: Đê biển Kim Sơn; chống lũ, ngập úng tại các huyện Nho Quan, Gia Viễn, thành phố Tam Điệp...

Theo quan sát của phóng viên Dân Việt, suốt các dọc đường từ các xã thuộc huyện Yên Khánh về huyện ven biển Kim Sơn (Ninh Bình) trời đã bắt đầu nổi gió và mưa nhỏ, nông dân đang khẩn trương chằng chống nhà cửa, cây cối.

img

Chiếc thuyền coi ngao cuối cùng ở 3 xã bãi ngang huyện Kim Sơn đã vào bờ trú ẩn.

Tại các tuyến đường nối ra đê biển Bình Minh (Kim Sơn), lực lượng công an, quân đội chốt chặn tại một số điểm ven biển. Đồng thời, các chính quyền địa phương nơi đây đang tiếp tục huy động các lực lượng giúp dân chằng chống nhà cửa, hoa màu.

Ông Phạm Văn Tôn ở xã Kim Đông, huyện Kim Sơn cho biết: Nghe thông tin tivi báo bão 3 có khả năng đổ bộ vào Ninh Bình, ông đã huy động mọi người trong gia đình đi mua đồ, dụng cụ về chằng chống nhà cửa: "Mới đầu năm đến giờ nông dân Ninh Bình đã phải căng mình đón mấy cơn bão mạnh rồi, thiệt hại hoa màu, công trình nhà cửa nhiều quá”.

Tại Thanh Hóa

Để chủ động đối phó cơn bão số 3, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa đã ký kết với các đơn vị lực lượng vũ trang của Bộ Quốc phòng và Quân khu 4, điều động 1.100 chiến sỹ sẵn sàng xuống với dân để ứng phó bão. Các ngành công an, Biên phòng cũng đã có kế hoạch huy động lực lượng của  ngành tham gia công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Sáng nay (19.8), Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã vào Thanh Hóa để chỉ đạo công tác đối phó cơn bão số 3.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa, đến thời điểm hiện nay, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa phối hợp với các sở,  ban, ngành chức năng và địa phương ven biển trong tỉnh đã thông báo, kêu gọi 7.049 phương tiện/24.973 lao động làm nghề đánh bắt hải sản trên biển vào nơi tránh trú bão an toàn.

Ông Nguyễn Đức Quyền - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết; Thanh Hóa có 33.484 hộ/139.946 người ở khu vực mép nước, cửa sông cần sơ tán khi có bão. Hơn 20.000 hộ dân, với gần 77.000 người ở khu vực bãi sông lớn, vùng trũng thấp và hàng chục nghìn hộ dân sống ở khu vực cửa sông nhỏ, vùng có nguy cơ  xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét cần sơ tán khi có lũ…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị tỉnh Thanh Hóa tiếp tục theo dõi diễn biến của cơn bão, vì ảnh hưởng của cơn bão này rất rộng và mạnh, cần phải đảm bảo sự an toàn cho người dân là trên hết. “Chống bão giống như quân sự, nên cần hết sưc thận trọng, khẩn trương, không lơ là…”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Tại Thái Bình:

Trước những diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, Thái Bình đã khẩn trương triển khai công tác phòng chống lụt bão để đảm bảo an toàn cho người dân.

Theo đó, các địa phương có vùng nuôi ngao, vùng nôi trồng thủy, hải sản tiếp tục quản lý, giám sát chặt chẽ số lao động, không để người dân quay trở lại những vùng nguy hiểm; tiếp tục kiểm tra, rà soát phương án bảo vệ các trọng điểm đê, kè, cống xung yếu nếu phát hiện sự cố phải xử lý ngay theo phương châm “4 tại chỗ”; đóng ngay tất cả các băng két, cửa khẩu, các lối đi qua đê ra phía sông, phía biển đặc biệt là các huyện Thái Thụy, Tiền Hải, Kiến Xương; có biện pháp chống tràn các đoạn đê thấp bé, trực diện với biển để phòng bão vào khi thủy triều lớn; sẵn sàng mọi lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời ứng cứu khi có tình huống xảy ra.

Thái Bình là tỉnh nông nghiệp, nên công tác phòng chống ngập úng cũng được triển khai nhanh chóng. UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị phải tổ chức lực lượng trực 24/24 giờ tại các vị trí được phân công; chỉ đạo đóng, mở hợp lý các cống tiêu nước qua đê; sau khi đóng các cống tiêu nước cần vận hành khẩn trương tất cả các trạm bơm điện và bơm dầu và bơm tiêu nước trong nội đồng trước khi bão vào, rút nước trên toàn bộ hệ thống mương máng và mặt ruộng, đề phòng mưa lớn gây ngập lụt.

Cũng theo thông tin từ Công ty Điện lực Thái Bình cho biết, do thiệt hại từ bão số 1 đến nay vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện lưới điện nên trước những diễn biến bất thường của cơn bão số 3, Công ty đã ra công điện yêu cầu các đơn vị trực thuộc tổ chức trực phòng chống lụt bão, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện, vật tư để huy động ngay khi có lệnh; kiểm tra, rà soát, củng cố toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc thuộc hệ điều độ. Các đơn vị tăng cường kiểm tra lưới điện trước bão, tổ chức xử lý phát quang hành lang an toàn lưới điện trung hạ thế, xử lý hoàn thiện sau bão và chằng néo các vị trí cột điện xung yếu, nhất là các vị trí cột mới khắc phục sự cố do bão số 1, bảo đảm cung cấp điện an toàn, liên tục, ổn định cho người dân.

Theo thông tin mới nhất tại trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh Thái Bình, hiện Thái Bình đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3, được dự báo là một trong những tỉnh nằm trong tâm bão đổ bộ. Bão đổ bộ vào lúc triều cường nên cần đề phòng nước dâng do bão từ 3 – 4mm kết hợp với sóng biển gây ra sạt lở đê, kè. Cấp độ rủ ro thiên tai cấp 3. Từ sáng nay, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 150 – 200mm.

Hiện, tàu thuyền và người lao động đã được đưa vào nơi neo đậu an toàn, công tác phòng chống lụt bão tại Thái Bình vẫn đang được triển khai.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem