Phòng chống đuối nước trẻ em: Không thể bỏ lửng

Thứ sáu, ngày 13/05/2011 05:00 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ông Nguyễn Trọng An - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em Bộ LĐTBXH khẳng định như vậy khi trao đổi với NTNN.
Bình luận 0

Theo ông An, hiện các biện pháp can thiệp để phòng chống đuối nước trẻ em vẫn dừng lại ở các giải pháp tình thế và các dự án nhỏ. Khi dự án kết thúc thì mọi việc lại “vẫn như cũ”. Hiện Bộ LĐTBXH đang xây dựng “Chương trình hành động quốc gia về phòng chống thương tích 2011-2015” để trình lên Thủ tướng Chính phủ vào tháng 6 tới nhằm luật hoá chính sách .

Mùa hè là thời điểm xảy ra đuối nước nhiều nhất, ông có đánh giá gì về tình trạng đuối nước hiện nay?

- Hiện chưa có thống kê cụ thể nhưng vào đầu hè đã có nhiều tỉnh như Tiền Giang, TP.Hồ Chí Minh… xuất hiện các vụ đuối nước. Theo số liệu so sánh 3 năm liền cho thấy, dù nỗ lực phòng tránh nhưng từ 2007 đến 2010, tỉ suất tử vong chung vẫn có chiều hướng gia tăng. Đuối nước là nguyên nhân gây tử vong cao ở trẻ em, hiện chỉ xếp sau tai nạn giao thông.

Theo ông, nguyên nhân chính dẫn tới đuối nước vẫn có chiều hướng gia tăng là gì?

Từ ngày 10 đến 13.5, tại Đà Nẵng diễn ra Hội nghị thế giới về phòng chống đuối nước với sự tham gia của 420 đại biểu để thảo luận các nội dung: Bảo hộ, cứu hộ, tập bơi cho trẻ, chính sách, chế độ, chế tài xử phạt vi phạm về an toàn cho trẻ…

- Nguyên nhân chính vẫn là do ý thức của bố mẹ, họ thiếu quan tâm, mải làm ăn nên không có thời gian dành cho con cái. Tiếp đến là trẻ em không biết bơi. Thực tế, có nhiều vụ đuối nước thương tâm là do sự “bất cẩn” của người lớn. Ví như bố uống rượu về mải ngủ để con chết đuối trong xô; cô giáo mầm non mải đan len, em bé vào nhà vệ sinh rồi đuối nước trong chậu; hay trường hợp ở Vĩnh Phúc, người ông tắm cho cháu nhưng mải nghe điện thoại nên cháu chết trong chậu… và nhiều trường hợp tắm sông do không biết bơi dẫn tới đuối nước khác.

Ông đánh giá thế nào về những quy định đảm bảo an toàn cho trẻ trong lĩnh vực này?

- Đúng là những quy định đảm bảo an toàn trong các lĩnh vực này còn rất thiếu và yếu. Thực tế, nếu vi phạm về đảm bảo an toàn như đào hố không lấp để trẻ tụt xuống chết, khu vực nguy hiểm nơi vui chơi giải trí không có cảnh báo… chế tài xử phạt cũng chỉ dừng lại ở mức rất thấp. Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo vệ chăm sóc trẻ em đã đề xuất nâng số tiền xử phạt lên nhưng cao nhất cũng chỉ ở mức 4 triệu đồng.

Thực tế vấn đề đuối nước năm nào cũng nói nhưng vẫn không giảm. Theo ông, để giảm thiểu đuối nước ở trẻ em, vấn đề quan trọng nhất là gì?

- Tôi nghĩ, đầu tiên là phải kêu gọi để tất cả các ông bố, bà mẹ luôn luôn để mắt tới con mình, vì sơ sẩy là có thể đuối nước, nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Ngoài ra, cần dạy trẻ tập bơi, hỗ trợ gia đình nghèo xây dựng mô hình ngôi nhà an toàn… Theo dự kiến, trong tháng 6 tới, Dự thảo “Chương trình quốc gia về phòng chống tai nạn thương tích” sẽ chính thức trình lên Thủ tướng Chính phủ và phê duyệt trong tháng 6. Trong đó có kế hoạch “dài hơi” về phòng chống đuối nước cho trẻ với kinh phí từ ngân sách nhà nước. Dự kiến, sẽ có chương trình hỗ trợ dạy trẻ tập bơi, hỗ trợ xây dựng môi trường vui chơi giải trí, ngôi nhà an toàn…

Ngoài ra, “Kế hoạch Liên tịch phối hợp phòng chống đuối nước giai đoạn 2011-2015, với 9 bộ, ngành vào cuộc hy vọng sẽ giảm thiểu được thực trạng đuối nước. Tuy nhiên, theo tôi để đẩy lùi đuối nước ở trẻ em không chỉ cần sự nỗ lực từ Nhà nước và các bộ, ngành, địa phương mà cần sự hưởng ứng của toàn xã hội.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem