Phong Thổ: Loay hoay khống chế bệnh lỵ trực trùng

Vinh Duy Thứ ba, ngày 30/05/2017 12:09 PM (GMT+7)
Từ tháng 2 đến tháng 5.2017, trên địa bàn xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu) bùng phát bệnh lỵ trực trùng trên người. Đã có 60 trường hợp được khám lâm sàng, điều trị tại cơ sở y tế.
Bình luận 0

Bệnh nhân liên tiếp nhập viện

Theo kết quả giám sát dịch của Trạm y tế xã Ma Ly Chải, từ cuối tháng 2, một số bệnh nhân có triệu chứng nghi bệnh lỵ trực trùng. Các bệnh nhân có biểu hiện: Sốt, đau bụng, đau quặn, đi ngoài phân lỏng 5-6 lần/ngày, phân nhầy… Đặc biệt cuối tháng 4, đầu tháng 5 ghi nhận số trường hợp mắc tăng lên tới 27 ca, bùng phát thành ổ dịch. Trung tâm y tế dự phòng Lai Châu đã thành lập đoàn điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với trực khuẩn Shigella flexeneri (lỵ trực trùng).

Hàng chục bệnh nhân ở Ma Ly Chải đã phải chuyển viện lên tuyến trên để điều trị tiếp; trong đó có những bệnh nhân tuổi cao, sức yếu như bà Chang Lở Mẩy (74 tuổi, bản Tả Chải). Bà Mẩy đã tử vong ngày 11.5 sau 3 ngày điều trị.

img

Cán bộ y tế chăm sóc cho bệnh nhân Lò Dừ Giá, ở bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, theo phác đồ của Bộ Y tế.

Được chuyển tuyến điều trị từ  Trạm y tế xã lên Trung tâm y tế huyện vào ngày 18.5, bệnh nhân Lò Dừ Giá (bản Tả Chải) chia sẻ: “Trước khi chuyển xuống đây, tôi có điều trị tại Trạm Y tế của xã được gần 7 ngày nhưng không khỏi. Bụng luôn cảm thấy đau, đi ngoài phân nhầy ra máu, người mệt mỏi, chán ăn. Đến huyện, được các bác sỹ tận tình chăm sóc, đến nay bệnh đã thuyên giảm và chuẩn bị xuất viện”.

Ngày 29.5, trao đổi với phóng viên Dân Việt về tình hình bênh lỵ trực trùng tại xã Ma Ly Chải, huyện Phòng Thổ, ông Nguyễn Văn Đối, Giám đốc Sở Y tế Lai Châu  khẳng định: “Bệnh lỵ trực trùng đã được khống chế nhưng chưa được dập tắt hoàn toàn; một số ca mắc vẫn rải rác xảy ra tại địa phương vùng biên giới này. Tuy nhiên để tránh dịch có thể bùng phát trở lại, ngành y tế khuyến cáo bà con không nên ăn thức ăn còn sống như: Tiết canh, gỏi cá, thịt tái... đồng thời sinh hoạt đảm bảo vệ sinh”.

Xã Ma Ly Chải có 4 bản, với 99% dân số là người Hà Nhì, trình độ dân trí còn hạn chế, phong tục tập quán lạc hậu. Tình trạng người dân phóng uế bừa bãi ra môi trường khá phổ biến, tỷ lệ sử dụng nhà tiêu chỉ có 7%. Nguồn nước sinh hoạt được lấy từ các mạch nước ngầm trong đất dẫn trực tiếp vào bể chứa tập trung, không qua xử lý, không được nấu chín. Trong khi đó, bà con đi làm nương dài ngày, uống nước trực tiếp từ các mạch nguồn trong rừng nên dễ mắc bệnh và bệnh dễ lây lan, chủ yếu qua đường tiêu hóa.

Khó dập tắt dịch ở vùng cao

Theo bác sỹ chuyên khoa I - Phùng Thị Lai – Giám đốc Trung tâm y tế huyện Phong Thổ:  Từ khi dịch bệnh xảy ra, trung tâm đã tăng cường giám sát dịch bệnh tại xã Ma Ly Chải và các vùng lân cận nhằm phát hiện kịp thời các trường hợp nghi ngờ mắc lỵ trực trùng, xử lý triệt để ổ dịch, tránh lây lan, mắc dịch mới. Thực hiện giám sát, điều tra dịch tễ, lập danh sách, quản lý, theo dõi tất cả trường hợp nghi ngờ tại cơ sở y tế. Cơ quan chuyên môn hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường, kiểm tra, khử khuẩn môi trường, khử khuẩn nguồn nước sinh hoạt tại các hộ; quản lý, xử lý chất thải bằng Cloramin B; hướng dẫn người dân thực hiện vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên, ăn chín, uống sôi… Nhưng để khống chế hoàn toàn lỵ trực trùng cần phải có sự vào cuộc tích cực các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, địa phương trong công tác tuyên truyền nâng cao ý thức người dân.

img

Cán bộ Trung tâm y tế huyện Phong Thổ chuẩn bị thuốc phun tiêu độc, khử trùng tại các điểm bản có dịch lỵ trực trùng.

Hiện nay, thời tiết thay đổi chuyển mùa nắng nóng, mưa gió thất thường, độ ẩm cao tạo điều kiện cho các dịch bệnh phát triển. Đặc biệt là các bệnh đường tiêu hóa, hô hấp, các bệnh lây truyền qua vật trung gian truyền bệnh. Nếu không có biện pháp phòng, chống kịp thời có thể bệnh sẽ thành dịch, ảnh hưởng sức khỏe người dân.

Với các bệnh lây qua đường tiêu hóa nói chung và lỵ trực trùng nói riêng ở vùng cao khi đã phát bệnh rất dễ lây lan và khó khống chế nhanh bởi những tập quán lạc hậu của người dân. Vì vậy, để hạn chế bệnh lỵ và các loại bệnh khác trong mùa hè, cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng cần vào cuộc tích cực và người dân ý thức trong tập quán sinh hoạt, ăn uống.

Lỵ trực trùng còn gọi là lỵ trực khuẩn là bệnh viêm nhiễm cấp tính ở đường tiêu hóa do trực khuẩn Shigella gây ra. Biểu hiện bệnh lý từ tiêu chảy nhẹ cho đến hội chứng lỵ nặng với đau quặn bụng, mệt, sốt và dấu hiệu nhiễm trùng, nhiễm độc. Chỉ cần một lượng nhỏ (10 - 100 vi khuấn) Shigella cũng đủ gây bệnh. Vì thế, bệnh rất dễ truyền từ người này sang người khác, nhất là ở những tập thể đông đúc (nhà trẻ, trường học...).

Bệnh xảy ra phố biến ở những nơi có điều kiện vệ sinh môi trường và thực phẩm kém. Người bệnh là nguồn lây quan trọng, họ thải vi khuẩn trong suốt thời gian bệnh và cả trong thời gian hồi phục (6 tuần). Bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, chủ yếu là do tay bẩn tiếp xúc với phân người bệnh hoặc các dụng cụ ăn, thực phấm, uống nước... đã bị ô nhiễm. Ruồi nhặng cũng có thể truyền Shigella.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem