Phóng viên Nông Thôn Ngày Nay trên những nẻo đường tác nghiệp

Thứ sáu, ngày 21/06/2013 09:41 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đói thì bẻ bánh mì ăn, khát thì xuống suối vục nước uống. Vậy đó mà đi cả một ngày trời trong rừng. Đi trong sợ hãi, hồi hộp... Nhưng rốt cuộc, bằng ý chí và lòng yêu nghề chúng tôi đã đến nơi, nắm đầy đủ thông tin và có một bài báo ấn tượng.
Bình luận 0

Nỗi buồn chậm hơn báo bạn

Vừa qua, tôi đăng ký viết về vụ bã trà phế thải “Hô biến bã trà thành trà tươi”. Phóng viên làm điều tra cả tháng trời, cực còn hơn đi chăn trâu ngoài đồng giữa cái nắng gắt được điểm tô bằng ngọn gió Lào khô rát miền Trung. Kết quả, Văn phòng TP.HCM bị lãnh đạo phê bình, rút kinh nghiệm vì đề tài này bị báo bạn đi trước nửa ngày.

img
 

Đó cũng là chuyện “hậu trường nghề báo”. Khi bắt tay làm vụ bã trà phế thải, tôi cùng với 2 phóng viên của 2 tờ báo bạn cùng phát hiện và thâm nhập vào cơ sở sản xuất bã trà phế thải được mua từ các “đại gia” sản xuất nước giải khát từ trà. Chúng tôi vào tận lò sấy bã trà, tiến hành quay phim, chụp hình các công đoạn sấy khô bã trà từ chỗ ẩm ướt, thối như phân trâu biến thành trà không mùi, khô rang như trà thật. Trà bán thành phẩm này được chở từ Bình Dương lên một bãi tập kết ở TP.HCM, chúng tôi đã đeo bám, lần ra được kho tập kết hàng.

Để thâm nhập kho này mà không bị đám “côn đồ” canh gác làm "thịt", nhiều hôm chúng tôi phải đóng giả từ khách tham quan đến người cần mua bã trà về tẩm hương bán kiếm lời nhưng tất cả đều không qua mặt được các tay giang hồ lão luyện, có hôm còn suýt bị chúng đánh chạy có cờ. Bã trà bán thành phẩm từ kho hàng này tỏa đi các nơi để tẩm hương rồi bán cho các quán cà phê nhưng những người làm giả quá tinh vi điêu luyện nên chúng tôi dù theo dõi nhiều ngày nhưng chưa thể lần ra được chỗ tẩm hương. Nhiều đêm phải trốn vợ đi rình việc di chuyển các bao bã trà bán thành phẩm tại kho hàng này để mong lần ra điểm tẩm hương đến nỗi vợ tôi ghen ầm ĩ bảo tôi đêm hôm “đi làm việc cái gì ngoài việc đi với em chân dài?”.

Để làm đề tài này một cách thấu đáo, tôi đã báo cáo với anh Lưu Phan - Trưởng Văn phòng đại diện tại TP.HCM - trước đó cả tháng. 2 anh em bàn nhau ém đề tài để làm tới cùng, chờ tìm ra điểm tẩm hương thì đề tài mới “ăn” chứ chỉ nói chung chung và bã trà phế thải sấy làm trà tẩm liệm thì thường quá. Vì thế mà đề tài đeo bám mới lâu. Đùng một cái, báo bạn tung đề tài này lên mặt báo giấy mà không chờ đợi đồng nghiệp như đã “cam kết”.

Mới sáng sớm vừa bưng ly cà phê lên miệng chưa kịp uống đã nghe thông tin báo bạn đăng bài rồi, tôi vội vàng bàn ngay với người phụ trách online Đỗ Lê Thăng và anh Lưu Phan để tôi viết luôn rồi đưa lên Dân Việt sớm hơn báo bạn. Kết quả là Báo Nông Thôn Ngày Nay đưa trước trên online cùng những thông tin mới sớm hơn báo bạn, được các báo mạng lấy lại, bạn đọc quan tâm nhiều. Nhưng tôi vẫn buồn khi bị chậm hơn báo giấy bạn.

10 ổ bánh mì cứu đói

Về Báo NTNN, tôi được phân công “đóng quân” tại địa bàn tỉnh Quảng Nam, mới 2 năm nhưng buồn, vui đều có...

img
 

Ai cũng biết, Quảng Nam địa hình rộng lớn, đồi núi hiểm trở, nơi đây nổi cộm nhất là việc khai thác lâm, khoáng sản trái phép trong rừng sâu, núi cao. Muốn vào được bản địa “vàng tặc”, anh em phóng viên phải băng rừng, vượt núi từ vài tiếng đồng hồ hay một ngày đường đi bộ. Tôi không thể nào quên được 10 ổ bánh mì cứu đói trong lần tôi cùng 2 phóng viên báo bạn xâm nhập vào lãnh địa khai thác lâm, khoáng sản trái phép ở Sông Lon, xã Trà Ka, huyện Bắc Trà My, nơi giáp ranh với huyện miền núi Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi.

Chúng tôi đã đi bộ hơn 20km đường, đi từ sáng sớm đến 8 giờ tối. Lúc này, Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012 đang cận kề. Trên đường đi, không hề có quán xá, cũng may, chúng tôi đã phòng bị mang theo 10 ổ bánh mì. Đói thì bẻ bánh mì ăn, khát thì xuống suối vục nước uống. Vậy đó mà đi cả một ngày trời trong rừng. Đi trong sợ hãi, hồi hộp... Nhưng rốt cuộc, bằng ý chí và lòng yêu nghề chúng tôi đã đến nơi, nắm đầy đủ thông tin và có một bài báo ấn tượng.

Sau này, khi Báo NTNN đăng bài phóng sự “Vàng tặc phá rừng Trà Ka”, ông Lê Phước Thanh-Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu vào cuộc điều tra xử lý nghiêm việc khai thác rừng, vàng trái phép ở Trà Ka. Sau khi điều tra, Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Trà My đã tìm ra người chủ mưu và đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với Công ty TNHH Hoàng Thịnh (có địa chỉ tại xã Trà Khê, huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi)về tội hủy hoại rừng. Đơn vị đã tự ý san ủi đường để vào khai thác vàng gây thiệt hại 6.544m2 rừng.

Giập sụn ở bản Co Kài

Tết Trung thu năm 2012, anh bạn đồng nghiệp ở Báo Công an TP.HCM gọi tôi cùng đi viết bài về trung thu của trẻ em vùng khó. Nơi chúng tôi tới là Trường Tiểu học Trung Lý 2, ở bản Co Kài. Quãng đường từ TP.Thanh Hóa lên bản Co Kài (xã Trung Lý, Mường Lát, Thanh Hóa) khoảng 230km, đi từ trưa mà tới 8 giờ tối mới tới nơi, các em vừa phá cỗ xong.

img
 

Ngồi nói chuyện, tôi biết được có 3 chị em học sinh dân tộc Thái đang phải dựng lều trọ học cạnh trường. Nhận thấy có đề tài hay, tôi quyết định tiếp cận để làm phóng sự ảnh. Từ tối tới sáng, tôi một mình “lẽo đẽo” theo 3 chị em cô bé để ghi nhận cảnh sinh hoạt. Khoảng hơn 12 giờ trưa, khi thực hiện góc ảnh cuối cùng (chụp toàn cảnh căn lều của 3 chị em) xong, cao hứng tới quên cả trời đất nên giẫm phải hòn đá và ngã gập chân. Cảm giác đau điếng tại khớp bàn chân, nhưng tôi vẫn cố gắng trườn xuống đến khu nhà ở của giáo viên. Tới nơi, chân đã sưng vù không thể đi lại được.

Suốt 5 ngày nằm ở bản Co Kài, tôi vật lộn với cơn đau. Cuối cùng, khi chân đã bớt đau đớn, tôi nhờ một thầy giáo người Dao chở ra đường cái để đón xe ca về nhà. Quãng đường gần 20km, nhưng phải bò trườn hết gần 2 giờ. Khi về đến thành phố, đi bệnh viện kiểm tra chân thì mới hay, toàn bộ khớp cổ bàn chân, 5 khớp xương mu bàn chân và gót chân bị... sưng tấy. Không những thế, sụn mắt cá chân của tôi đã bị giập, vỡ màng sụn, tràn dịch ra ngoài và đã chuyển sang giai đoạn hoại tử. Bác sĩ bảo, suýt nữa phải tháo bàn chân của tôi. Đận ấy, tôi phải “làm bạn” với đôi nạng gỗ gần 3 tháng trời.

Sau đó, phóng sự ảnh “Ba chị em... lều chõng” của tôi được đăng trên số thứ Bảy của Báo NTNN. Cũng nhờ phóng sự ảnh này, mà em Ngân Thị Đòa được nhiều cá nhân, đơn vị hỗ trợ tiền ăn học khá tươm tất.

Bán sức lao động

Lần đầu lên với vùng đất biên giới Lạng Sơn cũng là chuyến đi dài nhất kể từ ngày tôi bước vào nghiệp viết báo. Lần ấy, tôi được Ban Văn xã cử đi công tác viết bài về hội hát then các tỉnh miền núi phía Bắc sáng đi chiều về. Nhưng vì thấy tiếc công đi lại nên tôi lân la, dò hỏi xem có gì để khai thác làm bài. Sau 2 ngày lăn lê, tôi nắm được thông tin hiện tại ở các huyện giáp biên hàng năm có hàng nghìn lượt người vượt biên trái phép nên quyết định đóng giả lao động để tìm hiểu vấn đề.

img
 

Đường đồi núi, trên tay chỉ có một chiếc đèn pin và một người dẫn đường, đêm đó tôi đã đi tới gần chục hộ ở thôn Khuôn Gioong, xã Trùng Quán, huyện Văn Lãng. Sau khi nắm đường đi nước bước của người dân, tôi đóng giả một lao động muốn xin được vượt biên đi làm thuê. Sau khi nhìn dáng vẻ của tôi, “cò” Đào Công Hùng tỏ ra băn khoăn, e ngại, không đồng ý đưa đi dù tôi năn nỉ xin “bán sức lao động”.

Tôi đành liên hệ nhờ Đồn Biên phòng Tân Thanh để đi theo nhóm lao động vượt biên, qua nhiều khâu thủ tục, cuối cùng cũng được đồng ý. 6 giờ chiều tôi có mặt tại đồn. Ngay trong đêm hôm đó, sau bữa cơm tối tôi được đồng chí Đồn phó Khuất Duy Phúc sắp xếp đi cùng anh em. Trời mưa, vai đeo ba lô, chân vác theo đôi giày to quá cỡ vừa mới mượn được khiến tôi mướt mồ hôi khi leo trèo qua từng vách núi. Đêm đó, tôi đã tận mắt chứng kiến từng đoàn người lao động vượt biên trái phép, từng đoàn người buôn hàng lậu chờ trực để ném hàng qua biên giới và cả sự vất vả của các chiến sĩ biên phòng. Lúc này tôi mới hiểu vì sao mình “bán sức lao động” cũng không đắt, bởi vượt biên đi làm trái phép đòi hỏi phải quen thông thổ đường rừng và sức khỏe dẻo dai. Nhìn tôi trói gà không chặt, chắc các “chim mồi” sợ rủi ro cho chính “mặt hàng” mà họ dẫn đường.

Về bản... “chi pâu”

Trong một lần làm việc với Ban Dân vận tỉnh Hà Giang, tôi được một đồng chí thông tin ở bản Ngà Là Thầu, xã Lao Chải (Vị Xuyên, Hà Giang) có một gia đình được mệnh danh là “vua đẻ”. Người mẹ 44 tuổi đã trải qua 17 lần sinh, 34 tuổi đã lên chức bà ngoại, 35 tuổi lên chức bà nội, hiện có 11 đứa con, đứa con lớn 25 tuổi, nhưng cũng đã có 7 lần sinh… Giật thót mình vì bắt được đề tài độc, sởn gai ốc vì kỷ lục của người phụ nữ được mệnh danh là vua đẻ, sáng hôm sau 3 anh em chúng tôi lên đường ngay.

img
 

Sau khi vượt hàng km đường đèo gian khổ, chúng tôi đến xã Lao Chải tầm 10 giờ 30. Sau khi trình giấy tờ, chúng tôi được đồng chí bí thư cử một đồng chí dân quân dẫn đi gặp ông Cư Seo Sàng - Trưởng bản Ngà Là Thầu (trưởng bản vừa xuống xã họp).

Sau hơn 2 giờ đồng hồ leo ngược những con dốc dựng đứng, chúng tôi tới nhà “vua đẻ”. Từ lúc đặt chân đến bản, tôi thấy từ người già, đến trẻ con cứ nấp quanh vách nhà nhìn khách lạ, khi chúng tôi chụp ảnh thì họ chạy mất hút. Vào nhà vợ chồng Chớ, Sú, chúng tôi chào, bà Sú bế đứa con út 2 tuổi cứ “chi pâu”, hỏi gì bà cũng trả lời “chi pâu”. Hỏi ra mới biết, “chi pâu” có nghĩa là… không biết. Cuối cùng chúng tôi đành nhờ đến phiên dịch của Trưởng bản Sàng. Theo thông tin Trưởng bản Sàng cung cấp thì bản có 49 hộ/280 nhân khẩu, 95% hộ nghèo, hầu hết các hộ đều có 4 – 6 đứa con. Hơn 90% là mù chữ, chỉ có vài đứa trẻ đi học là biết nói tiếng Kinh thôi. Cuộc sống cứ “chi pâu” hồn nhiên như vậy nên bà con rất đói khổ. Chúng tôi ghi nhận câu chuyện của vợ chồng Chớ, Sú với nỗi buồn khó nói nên lời bởi nỗi đói nghèo, thất học khi mà “trời sinh voi, trời không sinh cỏ” ở chân Tây Côn Lĩnh này.

Vào hang ổ gà lậu

Tháng 4.2013, cuộc chiến gà nhập lậu Trung Quốc của các cơ quan chức năng nước ta nóng hầm hập, vì nạn nhập lậu gà từ những vùng có dịch cúm H7N9 của Trung Quốc. Nhận nhiệm vụ từ tòa soạn, tôi phải vận dụng hết các mối quan hệ đã quen biết, lật tung những cửa khẩu từ Móng Cái, Quảng Ninh, đến Tà Nùng, Cao Bằng để tìm cách vào hàng ổ gà lậu. Cuối cùng, một trùm buôn lậu ở biên giới Lạng Sơn đồng ý cho gia nhập với lời dặn dò: “Trên này anh thấy bọn nó vẫn làm, lên đây anh sẽ gửi chú đi theo cho biết nhưng phải khéo, động vào miếng cơm của anh em là mệt lắm”.

img
 

Tới cửa khẩu Chi Ma thuộc huyện Lộc Bình, đích thân ông trùm buôn lậu lái xe đưa tôi vào Chi Ma giao cho những đầu nậu gà lớn nhất để đưa sang bên Trung Quốc tìm hiểu. Sau 2 ngày lần mò lật tung biên giới Lạng Sơn lên, thì tôi đã có một chuyến vượt biên theo đường mòn ở khu vực Cô Sa ở khu vực mốc 1250 trên tuyến biên giới Lạng Sơn, sang khu vực Vằng Rặc của Trung Quốc. Sang đây, tôi đã tìm hiểu và tự giải đáp được tại sao giá gà của Trung Quốc lại rẻ như vậy?

Câu trả lời là ở đây có những trang trại nuôi gà đẻ trứng có đến hàng triệu con gà, và mỗi con gà đều bị tiêm thuốc kích thích và trộn các loại thuốc thúc đẻ vào thức ăn. Khi gà không cho trứng thì những con gà đó bị thải loại, coi đó là rác và cần phải bỏ đi. Để trả công cho những người chuyên dọn gà, những chủ trại gà đã bán lại với giá rẻ như cho chỉ với 3.600 đồng/con. Và chính số gà này đã được tuồn vào nước ta.

Trở về nội địa đi theo những người chuyên chở gà lậu, tôi đã phát hiện ra con đường chuyên chở gà bí mật từ Đình Lập (Lạng Sơn) về đến xã Sa Lý (Lục Ngạn, Bắc Giang) mà chưa cơ quan chống buôn lậu nào của nước ta phát hiện được.

Sau gần 10 ngày thâm nhập cuối cùng loạt bài “Thâm nhập hang ổ gà lậu” cũng đã được hoàn thành và đăng trên báo NTNN với mong muốn giúp người tiêu dùng nhận diện được đường đi và sự nguy hiểm của những con gà thải loại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem