Phóng viên NTNN chung tay “giải cứu” nông sản

Hoàng Sơn – Hoàng Ngân Thứ năm, ngày 07/05/2015 08:20 AM (GMT+7)
 “Việc ùn tắc dưa hấu tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) đã xảy ra nhiều năm nay, trong đó có nguyên nhân thông tin của báo chí đôi khi chưa rõ ràng nên đã làm cho giới lái buôn Trung Quốc càng có cơ hội ép giá, khiến ùn tắc ngày một nặng hơn…”. 
Bình luận 0

Ý kiến “phản biện” nóng hổi trên là của bà Nguyễn Thị Minh, một lái buôn dưa từ Bình Định lên cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) phản ảnh với phóng viên Trần Quang (Báo NTNN) ngay khi trái dưa đang cao điểm tắc nghẽn vào tháng 4 vừa qua.

Không chỉ đưa tin, viết bài

img
Lão nông Huỳnh Bạc Lợi (ngụ phường 2, thị xã Vĩnh Châu) rầu rĩ vì 12 tấn hành tím không có đầu ra. Chúc Ly

Lời phát biểu ấy được đưa ra trong tình trạng bức xúc, chưa đánh giá hết những đóng góp tích cực của báo chí trong vấn đề này, nhưng cũng không phải là ý kiến quá đáng, bởi có thể có những bài báo dù không sai, nhưng trong một số thời điểm đã vô tình làm khó thêm cho nông dân. Điều đó khiến cho nhiều nhà báo “sát cánh cùng nông dân Việt” của NTNN trăn trở: Nếu thận trọng quá, vào cuộc chậm thì có lỗi với bạn đọc nhà nông; nhưng nếu đưa tin ào ào, góp phần làm cho thực trạng ùn ứ nông sản thêm nặng nề, mà không thúc đẩy, đề xuất được giải pháp gì, thì cũng là những bài báo “vô tích sự”.

Nhưng nhà báo chỉ với ngòi bút và bàn phím, có thể hỗ trợ những gì cho nông dân, cho bạn đọc của mình?

img
Phóng viên Duy Hậu (phải) trao đổi với những người làm thuê trên rẫy cà phê 
ở xã Thuận An, huyện Đăk Mil, Đăk Nông.

Phóng viên Chúc Ly (Văn phòng đại diện Báo NTNN tại ĐBSCL không chỉ tác nghiệp về chuyện “giải cứu hành tím” tại Vĩnh Châu (Sóc Trăng), mà còn nỗ lực tìm kiếm các đầu mối thông tin mong kết nối hỗ trợ nông dân ở đây tiêu thụ hành tím. Những bài báo của chị cũng như các đồng nghiệp khác đã được ông Trần Triều Huy - Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Hành tím Vĩnh Châu (Sóc Trăng) chia sẻ: “Nhờ báo chí phản ánh nên đã có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các ngành, cấp và thực sự đã giúp cho giá hành nhích lên hơn, người nông dân cũng đỡ khổ khi tiêu thụ được hành. Tôi rất hoan nghênh tinh thần nhiệt tình và có trách nhiệm của các bạn phóng viên, nhất là Báo NTNN đã không ngại xa, ngại khó mà về với chúng tôi, nhiệt tình đứng về phía người nông dân, thực sự đã nói lên tiếng nói của người nông dân trong lúc khó khăn".

 Và ý tưởng “Biệt đội giải cứu sớm”

Trong một nỗ lực xây dựng ý tưởng, thúc đẩy tìm kiếm giải pháp mang tính thị trường hỗ trợ nông dân giảm thiệt hại do “được mùa mất giá”, mới đây trong một buổi làm việc giữa nhà báo Lưu Quang Định - Tổng Biên tập Báo NTNN và ông Phạm Thanh Hải - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại, Đầu tư và Phát triển Công nghệ Quốc tế đã thảo luận ý tưởng về một “Biệt đội phản ứng sớm” với những giải pháp mang tính thị trường, vận hành theo dự án, để hỗ trợ nông dân, với sự chung tay của nhiều bên. Để có thể tiến xa hơn, còn có rất nhiều việc phải làm, nhưng để thúc đẩy một ý tưởng tốt cho nông dân, điều này xứng đáng được cân nhắc thúc đẩy.

Quan điểm

Ông Trần Triều Huy - Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Hành tím Vĩnh Châu (Sóc Trăng)
 Nhờ báo chí, trong đó có báo NTNN phản ánh nên đã có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các ngành, cấp và thực sự đã giúp cho giá hành nhích lên hơn, người nông dân cũng đỡ khổ khi tiêu thụ được hành”.   
Trong quá trình tác nghiệp, một số ý kiến cho rằng, báo chí chỉ nên đưa thông tin khách quan, còn thúc đẩy giải pháp, vận động chính sách, hãy để cho cơ quan chức năng. Tuy nhiên, với kinh nghiệm và kết quả khích lệ trong nhiều năm làm báo “vì nông dân”, chúng tôi tin rằng, báo chí, truyền thông một khi phát huy tốt, sẽ có vai trò vô cùng lớn cho nông dân.

 

Xin dẫn ra đây câu chuyện của trái vải thiều. Sau gần 1 năm kể từ thời điểm xảy ra khủng hoảng thừa quả vải được báo chí, trong đó có NTNN phản ánh, thì những ngày đầu tháng 5.2015 tin mừng đã đến khi quả vải Việt Nam có thể được xuất khẩu đi Mỹ, Úc. Thắng lợi ban đầu này phải kể đến sự nỗ lực vào cuộc của các ngành dưới “sức ép” không nhỏ của truyền thông. Theo đó, Bộ Công Thương đã giúp kết nối chiếu xạ cho quả vải; Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) hướng dẫn doanh nghiệp và nông dân thực hiện đúng các yêu cầu kỹ thuật đối với quả vải tươi... Bộ KHCN đã đầu tư nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo quản quả vải đến 10 năm, có chất lượng tươi ngon đạt 99,7% so với khi mới thu hoạch...

Hy vọng rằng, với trách nhiệm của những người làm báo, với nhiệm vụ đã được giao phó thì báo chí ngày càng định hướng đúng thông tin cũng như tạo thêm những “sức ép” để ngành chức năng ngày càng đưa ra nhiều giải pháp để thúc đẩy việc giải cứu nông sản cho nông dân.


Có trách nhiệm vớ ithông tin thị trường

Những giải pháp kiểu hỗ trợ mua dưa, mua hành như các nhóm vận động xã hội đang làm hiện nay chỉ có thể là giải pháp tạm thời. Làm sao chúng ta có thể trông chờ tiêu thụ nông sản bằng cách kêu gọi như vậy mãi được. Vài chục, vài trăm tấn thì còn được, nhưng chẳng lẽ mùa nào cũng cứ trông chờ “tình thương” của người tiêu dùng?  Cái chính là chúng ta phải có thông tin chính xác, cụ thể từ các thị trường, kể cả thị trường trong nước cũng như thị trường xuất khẩu. Nhiệm vụ này là của cơ quan nhà nước, nhưng báo chí, trong đó Báo NTNN cũng không thể đứng ngoài cuộc.

Ông Trần Công Thắng - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn

Nên quy về một mối

Qua  câu chuyên giải cứu nông sản  tôi thấy chúng ta  phối hợp với nhau còn yếu kém. Tôi không nghĩ Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ về liên kết tiêu thụ nông sản từ 2002, sau 12 con giáp chưa có gì thay đổi cả. Xảy ra sự việc ùn ứ hàng nông sản, là do nhiều khi xử lý hấp tấp; mô hình sản xuất đã thay đổi mà chính sách chưa thay đổi hoặc chậm thay đổi. Theo tôi, việc quản lý chuỗi sản xuất vẫn phải do Bộ NNPTNT thực hiện. Do đó,  sản xuất và bán hàng phải quy về một mối cho Bộ NNPTNT để thống nhất, tránh việc chồng chéo. Báo NTNN cần ủng hộ và tuyên truyền theo hướng này để các ngành thấy rõ được trách nhiệm, nhiệm vụ của mình để thực hiện chức trách cho tốt hơn.  

Ông Nguyễn Hữu Dũng -Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam 

Sợ nhất là thông tin mang tính võ đoán

Gia đình tôi có trồng 1,5ha vải thiều. Mỗi khi bước vào vụ thu hoạch vải thiều, các báo, đài lại  đưa tin. Có báo đưa đúng, nhưng cũng có báo đưa chưa chính xác. Ví như, vụ vải thiều năm ngoái, có báo vội đưa tin về được mùa, mất giá, có báo nói phía Trung Quốc giở chiêu trò ngừng mua để ép giá… Nhưng cái chính do bên Trung Quốc cũng đang vào vụ thu hoạch vải thiều, nên họ mua giảm đi so với mọi năm, không phải là ngừng. Cách đưa tin như thế  khiến cho người trồng vải thiệt hại bởi thương lái được đà ép giá, kéo giá càng lúc càng giảm từ 9.000 đồng/kg xuống còn 4.000 đồng/kg khi vào giữa vụ. Chúng tôi mong các báo, đài, trong đó có NTNN cần đưa nhiều thông tin có tính định hướng thị trường, dự báo tốt, hơn là các thông tin quy chụp, võ đoán, làm trầm trọng hơn thiệt hại của nhà nông.

Anh Trần Văn Nam (xã Hồng Giang, Lục Ngạn, Bắc Giang)

Thanh Xuân- Trần Quang (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem