Phũ phàng với di sản

Thứ ba, ngày 04/05/2010 08:01 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tường thành bảo vệ Thăng Long của tiền nhân được phát hiện trước thềm Đại lễ 1000 năm nhưng di sản có giá trị to lớn này đang bị bỏ mặc và tiếp tục bị tàn phá.
Bình luận 0
img
Khu vực thi công nút giao Hoàng Hoa Thám - Văn Cao - nơi phát hiện đoạn tường thành.

Tường thành của ngàn năm

Thời gian qua dư luận xôn xao việc phát hiện một đoạn tường thành tại đường Hoàng Hoa Thám, vị trí giao với phố Văn Cao (quận Ba Đình) trong quá trình thi công đường mới. Đã có sự lên tiếng của nhà khoa học, yêu cầu dừng việc làm đường để nghiên cứu. Nhưng dường như đó vẫn là tiếng gọi không lời đáp. Vừa qua, các chuyên gia tiếp tục chứng minh và khẳng định giá trị quan trọng của đoạn tường thành này.

Đến tận nơi quan sát, PGS.TS Tống Trung Tín – Viện trưởng Viện Khảo cổ nhận xét: Tầng đất đắp của nó rất rõ. Thời kỳ làm đường đầu tiên, chỉ cần gạt đường nhựa đi đã vào thành rồi. Thứ hai là lớp đất thịt và thỉnh thoảng lẫn gạch. Đắp đất thịt thế là rất kỳ công! Trong lòng tường thành là những di vật có tính chất niên đại và phản ánh quá trình đắp lớp thành này.

Theo PGS Tín, các mảnh di vật thuộc các thời Lê, Trần, Lý và cả tiền Thăng Long. Còn GS Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN khẳng định: “Theo bản đồ Hồng Đức thì đây đúng là Hoàng thành. Có phải là Hoàng thành Lý, Trần thì còn phải nghiên cứu, nhưng theo nguyên tắc lấy di vật thời muộn nhất làm thời hiệu thì đây là thành thời Lê. Ta có cơ sở để nghiên cứu nhiều nghi vấn về Hoàng thành”.

Các nhà nghiên cứu cũng đặt ra nhiều câu hỏi xung quanh việc đồng nhất giữa đoạn thành này với thành Đại La xưa, hoặc nét độc đáo và hiếm hoi khi đây vừa là thành vừa kiêm cả chức năng của đê. Đặt bên cạnh các di sản của Thủ đô như Hoàng thành Thăng Long, khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu hay các di tích khác thì đoạn tường thành này cho thấy khả năng làm sáng tỏ nhiều điều, nhất là khi mà nhiều đoạn thành của Thăng Long xưa hầu như đã bị san phẳng.

Đừng đợi di sản tan nát!

Dư luận đang đặt câu hỏi về sự “ngoảnh mặt” quá lâu và “lạ lùng” của các cơ quan chức năng trước việc phát hiện ra cả một đoạn thành quý giá và hiếm hoi.

Theo quy định của pháp luật, trong xây dựng, thi công, nếu lộ ra di tích, di vật thì phải dừng lại để các cơ quan chuyên môn kiểm tra.

Nhìn nhận sự việc này, GS Phan Huy Lê cho rằng: Sau khi đào lên, nhất là sau khi báo chí lên tiếng, đáng lẽ Phòng VH quận Ba Đình và Sở VH-TT&DL Hà Nội phải có ý kiến dừng ngay lập tức việc thi công đường. Tôi nghĩ người xây dựng không có sai phạm nhưng sau khi đã thấy có di tích mà cứ tiếp tục thi công là sai! Theo PGS.TS Diệp Đình Hoa – Khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội thì việc thi công phải dừng lại để xem chỗ nào cần bảo vệ, chỗ nào xử lý ra sao.

Quan điểm và mong muốn là vậy, nhưng thực tế lại đang diễn ra một cách “phũ phàng”. PGS.TS Tống Trung Tín bức xúc: “Muốn thấy được phải nghiên cứu, cắt thành cẩn thận… Vậy mà báo chí đã nói, các nhà nghiên cứu đã nói, đường cứ xây!”.

Dư luận đang đặt câu hỏi về sự “ngoảnh mặt” quá lâu và “lạ lùng” của các cơ quan chức năng trước việc phát hiện ra cả một đoạn thành quý giá và hiếm hoi. Nhất là khi Hà Nội đang tích cực hướng tới Đại lễ 1.000 Thăng Long với những chủ trương lớn về phục hồi, tôn vinh di sản văn hóa của Thủ đô và cũng là của toàn dân tộc.

Cám cảnh cho việc sát những ngày kỷ niệm mà di sản lại bị phá đi, PGS.TS Hán Văn Khẩn – Viện Khảo cổ nói: “Hà Nội phải phân công trách nhiệm cho các cơ quan quản lý di tích trực tiếp, nhất là các di tích liên quan đến nghìn năm. Còn nếu không sẽ chỉ là vuốt đuôi sau khi các di sản bị phá!”

Không hiểu trước những vấn đề mà giới khoa học đang đặt ra và cảnh báo, chính quyền và các cơ quan văn hóa, giao thông của Hà Nội, cũng như các cơ quan chuyên môn của Bộ VH-TT&DL sẽ giải quyết như thế nào và đến tận bao giờ?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem