PTT Vương Đình Huệ: Lên đỉnh cao để phục vụ, phát triển đất nước

Thuận Hải Thứ bảy, ngày 05/10/2019 12:06 PM (GMT+7)
Dự lễ khai khóa 2019 của Đại học Quốc gia (ĐHQG) TP.HCM, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhắn nhủ rằng, các bạn trẻ khi trèo lên đỉnh núi cao, không phải để cả nước thấy mình mà để nhìn thấy được tình hình thế giới, tình hình quê hương. Từ đó, phấn đấu phục vụ, phát triển đất nước.
Bình luận 0

Sáng nay (5.10), lễ khai khóa 2019 ĐHQG TP.HCM diễn ra với chủ đề “Tự chủ đại học: Đổi mới và sáng tạo”. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tham dự và có bài phát biểu chia sẻ, động viên đội ngũ giảng viên, sinh viên các trường thành viên ĐHQG TP.HCM.

Lên cao để thấy tình hình đất nước

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chia sẻ rằng, thông điệp muốn gửi đến các bạn sinh viên, khi trèo lên được đỉnh núi cao, không để đất nước nhìn thấy các em, mà để các em có điều kiện nhìn thấy rõ thế giới, quê hương đất nước mình. Từ đó, phấn đấu phục vụ, phát triển đất nước.

Phó Thủ tướng khuyên các bạn sinh viên nên tận dụng thời gian để đem lại hạnh phúc cho bản thân và gia đình, xã hội. Vì hạnh phúc sẽ đến với người biết sử dụng quỹ thời gian, như con kiến tha lâu sẽ đầy tổ, hay cái cây qua năm tháng sẽ có thêm vòng gỗ...

Riêng với ĐHQG TP.HCM, theo Phó Thủ tướng, đây là đơn vị thực hiện tốt mô hình tự chủ đại học, đang phấn đấu đến 2025 sẽ trở thành 1 trong 100 ĐH hàng đầu châu Á. Hiện tại, ĐHQG TPHCM đã lọt top 1.000 thế giới, Phó Thủ tướng cho rằng ĐHQG TP.HCM nên nghĩ đến việc lọt vào top 500 ĐH hàng đầu thế giới trong tương lai.

img

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại lễ khai giảng ĐHQG TP.HCM sáng nay. 

Về tự chủ đại học, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết đây là xu thế phát triển tất yếu của thế giới, giúp các trường thay đổi, đổi mới sáng tạo, thích ứng với sự phát triển của xã hội. Ở những nước có nền tự chủ đại học càng cao, trình độ giáo dục ngày càng phát triển.

Tại Việt Nam, tự chủ đại học thể hiện ở ba khía cạnh: Tự chủ học thuật, tự chủ tổ chức bộ máy-nhân sự và tự chủ tài chính. Tuy nhiên, tự chủ đại học không có nghĩa là các trường tự bơi và tự túc hết mà là các trường có quyền tự chủ hơn về mặt tài chính. Nhà nước vẫn có những đơn đặt hàng, những hỗ trợ để ĐH phát triển.

Như với ĐHQG TP.HCM, trong năm tài khoá 2020, dù nguồn ngân sách nhà nước còn rất khó khăn nhưng ĐHQG cũng được dành cho 745 tỷ đồng để tiếp tục đầu tư, phát triển cơ sở ĐH vùng phía Nam này.

Việc thực hiện tự chủ đại học trong thời gian vừa qua đã giúp nhiều cơ sở giáo dục đại học có sự chuyển biến rất mạnh mẽ, cả về học thuật, bộ máy nhân sự, quản lý tài chính. Các chương trình tiên tiến, chất lượng cao được xây dựng nhiều hơn, nhiều ngành học mới được mở ra, tạo điều kiện cho người học tiếp cận các chương trình học tiên tiến, chất lượng.

img

Trò chuyện với sinh viên ĐHQG TP.HCM, Phó Thủ tướng khuyên các bạn leo lên núi cao để thấy rõ tình hình đất nước, từ đó, cố gắng hơn. 

Cụ thể như trong thời gian qua, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM được mở đến 39 ngành học mới, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM mở thêm 35 ngành, chuyên ngành chỉ trong 2 năm, hay như Trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng được cấp phép mở thêm 13 ngành đào tạo. Một số trường dám chấp nhận rủi ro, mở ngành mới khi chỉ có 3 - 5 sinh viên như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.  

Tăng học phí, học bổng cũng nhiều hơn

Tiếp chuyện với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, sinh viên Ngô Trọng Nguyễn (năm 3, Trường ĐH Kinh tế Luật) cho rằng, trước tình hình các ĐH được trao quyền tự chủ cao hơn, nhiều bậc phụ huynh lo lắng về việc tăng học phí, trong khi các cam kết về đào tạo và đầu ra chưa có cụ thể.

“Ngành giáo dục có những đảm bảo nào về chất lượng giáo dục? Lộ trình tăng học phí như thế nào cho hợp lý?”, sinh viên Ngô Trọng Nguyễn đặt câu hỏi với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.

Trả lời thắc mắc của sinh viên ĐHQG TP.HCM, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, trước mắt, không chỉ những trường được trao quyền tự chủ mà tất cả các cơ sở ĐH đều phải thực hiện lộ trình tăng học phí, theo lộ trình 4 bước, gồm tính đủ tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao vào học phí.

img

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh trống khai khóa ĐHQG TP.HCM.

Theo lộ trình, năm 2020 cả ngành y tế và giáo dục sẽ đưa thêm chi phí khấu hao vào giá thành, học phí. Nhưng nếu vậy, sẽ tạo ra gánh nặng cho ngân sách nhà nước, vì phải chi trả cho các đối tượng như người nghèo, người có công, các đối tượng chính sách… nên chắc sẽ có “độ trễ” thêm vài năm nữa.

Riêng đối với học phí của các đối tượng như hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình có công…, Nhà nước sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ, đồng thời sẽ đẩy mạnh chương trình tín dụng sinh viên. Hiện Chính phủ đang đề xuất tăng mức cho vay tín dụng sinh viên từ 1,5 triệu đồng/tháng lên 2,5 triệu đồng/tháng để giảm bớt khó khăn cho người học.

Ngoài ra, hiện các cơ sở giáo dục cũng được yêu cầu phải dành một phần tiền học phí để tài trợ học bổng cho các đối tượng chính sách, phải tăng số suất, số người được nhận học bổng. Có thể thấy rõ điều này trong kết quả thực hiện tự chủ đại học là sau 3 năm thực hiện, quỹ học bổng của các trường đã tăng.  Từ mức chỉ có 18 tỷ đồng vào năm 2015 đến năm 2017, quỹ học bổng đã tăng lên 186 tỷ đồng.

“Số tiền thu được tin nhắn hỗ trợ người nghèo trong chương trình mới đây cũng sẽ được dành một phần lớn để hỗ trợ cho sinh viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Như vậy, có rất nhiều chính sách hỗ trợ cho sinh viên theo đuổi giấc mơ học tập của mình”, Phó Thủ tướng nói.

GS.TS Huỳnh Thành Đạt - Giám đốc ĐHQG TP.HCM cho biết: Trong những ngày qua, một số ĐH của Việt Nam đã có mặt trong các bảng xếp hạng thế giới. Dù thứ hạng chưa cao nhưng là động lực để các trường cùng cố gắng bứt phá trong những năm học tới.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem