PTT Vương Đình Huệ: Xử lý xâm nhập mặn, đảm bảo sinh kế cho dân

Hải Phong Thứ tư, ngày 18/05/2016 17:39 PM (GMT+7)
Trong các ngày 17 - 18.5, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ Vương Đình Huệ đã thị sát và làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội và phòng hạn mặn trên địa bàn.
Bình luận 0

Mặc dù là địa phương không có biển, nhưng với địa hình trũng nhất trong số các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), lại bị nước mặn uy hiếp ở 2 phương (biển Đông và biển Tây) và 4 hướng, Hậu Giang sẽ là tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất khu vực nếu không ứng phó kịp thời.

Tuy nhiên, Hậu Giang lại là địa phương có mức độ thiệt hại ít nhất vùng vì đã chủ động ngăn và kiểm soát mặn xâm nhập. Tính tới nay, tỉnh này mới chỉ thiệt hại 13 tỷ đồng cho sản xuất nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng mức độ thiệt hại 4.000 tỷ đồng của các tỉnh trong vùng.

Tại Hậu Giang, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng đoàn công tác Chính phủ đã đi thị sát tuyến đê bao Long Mỹ - Vị Thanh, là một “phòng tuyến” ngăn mặn xâm nhập vào tỉnh Hậu Giang từ thủy triều của biển Tây (qua Kiên Giang). Dọc tuyến này có hơn 30 công trình cống ngăn mặn đang được tỉnh tiếp tục đầu tư để ngăn mặn.

img

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (bìa trái) thị sát công tác phòng hạn, mặn tại Hậu Giang. Ảnh: Thành Chung

Báo cáo với Phó Thủ tướng ngay tại hiện trường, Giám đốc Sở NNPTNT Hậu Giang Nguyễn Văn Đồng cho biết, các công trình cống và đê bao trên địa bàn tỉnh đã góp phần quan trọng chặn lại sự xâm nhập mặn tại địa phương. Tuy nhiên, đóng vai trò “quyết định nhất” tới kết quả này là các đập ngăn mặn thời vụ do chính quyền và nhân dân cùng làm.

Theo ông Đồng, toàn tỉnh có 150 đập thời vụ, được đắp bằng đất và cọc sắt, có cửa sắt để ngăn nước nhiễm mặn xâm nhập sâu thêm vào địa bàn. Khi mưa lớn, độ mặn giảm thì có thể mở cửa đập nên tuy gọi là “đập thời vụ” nhưng có thể sử dụng cho nhiều năm. Hơn nữa, đầu tư một đập thời vụ chỉ tốn khoảng gần 100 triệu đồng, rẻ hơn nhiều so với làm cống kiên cố (có đơn giá khoảng gần 1 tỷ đồng/mét cửa cống).

Đi liền với đó, tỉnh Hậu Giang cũng tập trung đầu tư khoan nước ở các vùng dân cư để tìm nguồn nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt và hỗ trợ cho tưới tiêu của người dân. “Hậu Giang không bất ngờ về hạn, mặn. Nhờ các biện pháp trên mà hai tháng qua vấn đề nước đã ổn định, sinh hoạt của người dân diễn ra bình thường”, ông Đồng nói.

Sau khi đi thị sát và làm việc với lãnh đạo tỉnh, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang đã chủ động khắc phục hiệu quả ảnh hưởng của thiên tai.

“Đặc biệt, Hậu Giang đã có cách làm sáng tạo khi làm đập thời vụ để ngăn và kiểm soát mặn ít kinh phí mà hiệu quả”, Phó Thủ tướng đánh giá và đề nghị tỉnh Hậu Giang cần tiếp tục dựa vào dân phát huy cách làm này gắn với việc đảm bảo sinh kế của cư dân và tiến trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp.

Phó Thủ tướng lưu ý Hậu Giang cần có nhiều cách thức vận động bà con sử dụng hiệu quả và tiết kiệm nguồn nước, khẩn trương điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhân rộng các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã để gia tăng chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị của nông sản, vật nuôi.

Để kiểm soát hiệu quả hạn, mặn, Phó Thủ tướng cho rằng không thể một mình tỉnh Hậu Giang thực hiện được mà phải có sự phối hợp của nhiều địa phương khác trong vùng. Do đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh việc ưu tiên đầu tư hệ thống Cống Cái Lớn, Cái Bé (do Bộ NNPTNT làm chủ đầu tư) ở khu vực tỉnh Kiên Giang trong những năm tới có ý nghĩa quan trọng trong kiểm soát mặn và thoát lũ đẩy mặn của vùng.

Đi liền với đó, lãnh đạo Chính phủ cũng lưu ý các bộ, ngành và địa phương trong vùng quan tâm xây dựng cơ chế điều phối nguồn nước phục vụ cho sản  xuất nông nghiệp và xử lý hạn mặn đảm bảo hài hòa lợi ích của các tỉnh trong khu vực.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem