Run rẩy trong vùng băng giá

Kiều Thiện- Định Minh Thứ hai, ngày 25/01/2016 06:19 AM (GMT+7)
L.T.S: Ngày 24.1, cả miền Bắc chìm trong giá lạnh, riêng một số tỉnh miền núi phía Bắc như Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang... đã xuất hiện băng giá, nhiều nơi nhiệt độ xuống còn âm 3- 4 độ C. Phóng viên NTNN đã có mặt ở nhiều địa phương để ghi nhận cuộc sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân trong giá rét.
Bình luận 0

Trời càng về sáng, nhiệt độ càng xuống thấp chỉ còn âm 1- 2  độ C. Cái lạnh càng như cắt vào da thịt. Trong chuồng trâu, lão nông Chá A Sinh (bản Pú Đao, xã Pú Đao, huyện Sìn Hồ, Lai Châu) gục đầu trên miệng cái điếu cày, mắt lơ mơ như ngủ. Thỉnh thoảng, lão lại ném vào bếp lửa một vài thanh củi…

Trắng đêm thao thức cùng... trâu !

“Đã lâu rồi chưa có đợt nào giá lạnh như thế này. May mà tôi còn dự trữ được một ít củi…” – ông Sinh nói lào phào, đan xen cùng tiếng hàm răng va vào nhau cầm cập. Ngoài kia, sau tấm vải bạt dứa mong manh, gió vẫn giật từng cơn nhói buốt, đưa cái lạnh tê người loang khắp không gian. Lạnh lắm, lạnh đến nỗi tưởng như có thể cắt được không khí. Cái chậu nước mà lão Sinh vừa đun nóng cho con trâu uống lúc hơn 1 giờ đêm, chỉ sau 1 giờ, đưa tay vào đã nghe rõ tiếng màng nước cứng vỡ tan lạo xạo. Kéo tấm chăn trùm kín hai tai, lão Sinh lại gục đầu lên miệng chiếc điếu cày, mắt lim dim như ngủ. Tôi nhìn lão Sinh rồi nhìn lại cái chuồng trâu. Bé quá. Chật chội quá. Chẳng thể nào bấm máy ảnh mà gom được cả hình lão Sinh cùng mấy con trâu đang chậm rãi nhai rơm bên bếp lửa…

img

Vợ chồng anh  Châu À Páo đang che chắn, giữ ấm cho đàn trâu, nghé của gia đình ở xã San Sả Hồ, huyện Sapa (Lào Cai).  Ảnh: Trần Quang

Cái chuồng trâu này vốn được dựng lên từ năm ngoái – khi tỉnh Lai Châu có chính sách hỗ trợ các hộ chăn nuôi gia súc làm chuồng trại tránh rét cho trâu, bò. Nhưng nó mới được tu sửa lại 3 hôm trước, khi có thông tin đợt giá lạnh kéo về. Nói là tu sửa, nhưng thực ra cũng chỉ là căng thêm những tấm bạt dứa để bốn bề kín gió. Điều khác nhất sau khi tu sửa là cái nền đất vốn đầy ắp phân trâu, sực mùi xú uế nay đã dọn sạch sẽ như một nền đất mới và trải đầy rơm khô giống như người miền xuôi trải ổ tránh rét thời bao cấp. Chính nhờ cái sự “mới” này mà 2 hôm nay lão Sinh có thể “thao thức cùng trâu”, lo phục vụ củi lửa, nước ấm, chỉnh tấm bao tải trên lưng trâu bị xô lệch sau những phút cựa mình…

 Nông dân cả huyện Sìn Hồ nói riêng và cả tỉnh Sơn La nói  chung, trong những ngày buốt giá như thế này, chắc chắn đều túc trực thâu đêm như ông Sinh để chăm cho đầu cơ nghiệp của mình như vậy.   

Cứu của để… còn người

Không phải chỉ ở Sìn Hồ, không riêng gì Lai Châu, mà trên khắp vùng Tây Bắc, cái lạnh đã hoành hành khắp mọi bản làng. Nhiều nơi nước đã đóng băng, tuyết rơi trắng xóa như: Mẫu Sơn (Hà Giang); Si Ma Cai,  Sapa, Bắc Hà (Lào Cai); đèo Pha Đin (Tuần Giáo, Điện Biên); Mù Căng Chải, Trạm Tấu (Yên Bái)… Đặc biệt, với Sơn La, đây là năm đầu tiên nền nhiệt độ tại nhiều vùng cao đã xuống thấp âm 1-2 độ như vậy: Tà Xùa (Bắc Yên), Lóng Luông, Chiềng Yên (Vân Hồ), Phòng Lái (Thuận Châu)…

Trong những ngày tới thời tiết sẽ còn xảy ra rét đậm, rét hại trên diện rộng nên các địa phương cần tiếp tục, tích cực cử cán bộ khuyến nông bám bản, bám dân hỗ trợ, giúp bà con bổ sung thức ăn, giữ ấm cho trâu, bò tránh xảy ra thiệt hại đáng tiếc”.
 Ông Lã Văn Thảo – Trưởng phòng Gia súc lớn  (Cục Chăn nuôi, Bộ NNPTNT)

Phó Chủ tịch UBND xã  Suối Tọ, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La – ông Vì Văn Anh, cho biết: Với độ cao hơn 1.700m so với mực nước biển, từ đêm 23 đến sáng ngày 24, tại những bản vùng cao của xã Suối Tọ đã xuất hiện băng tuyết bám dày trên các nhành cây. Nước trong bể đóng băng thành mặt. Tuy đây là sự kiện lạ nhưng chúng tôi rất lo lắng vì có thể ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người dân và cây trồng, vật nuôi. 3 ngày hôm nay, toàn bộ lực lượng cán bộ xã, bản đã được phân công bám sát cơ sở, trực 24/24 giờ để vận động, hướng dẫn, đôn đốc bà con thực hiện các giải pháp tránh rét cho người và gia súc. Hiện nền nhiệt độ vẫn dao động ở mức rất thấp nên đầu tuần tới các trường học phải nghỉ học. Cán bộ y tế chia nhau đến với các bản để chăm sóc sức khỏe người dân. Lực lượng khuyến nông, thú y xã, bản cũng phải tập trung cao cho tránh rét gia súc, gia cầm. Ngay cả lực lượng dân quân cũng được huy động cho phòng chống rét…

img

Cái rét đe dọa người dân vùng cao nhưng lại thu hút du khách.

Trên đỉnh đèo Pha Đin thuộc xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, nơi có độ cao hơn 1.800m so với mực nước biển, nhiệt độ vào buổi trưa ngày 24 vẫn nhức buốt dù nằm trong chăn ấm. Đổ thêm bao củi ngô vào bếp lửa giữa nhà, ông Mùa Dũng Dua, dân bản Lồng B vừa khịt mũi tránh khói vừa bảo: Năm nay củi không lấy được nhiều. Mình là người, biết tránh khói nên trong nhà chỉ đốt củi ngô thôi. Còn củi to, củi chắc phải để dành đốt sưởi cho bò và gà, lợn. Nhà tôi có 3 chuồng gia súc, gia cầm nên phải ưu tiên cho nó vì nó nuôi mình, nhà báo ạ.

Dù rất thích thú với mưa tuyết, băng giá nhưng người dân các xã: Chiềng Yên, Lóng Luông… của huyện Vân Hồ (Sơn La) vẫn không thể quên được nỗi lo “miếng ăn, đồng tiền vay nợ” đang bị đe dọa bởi cái rét hàng ngày.

Ông Hoàng Văn Thực, dân bản Chiềng Yên, xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, cho biết: “Chúng tôi đã thiệt hại bởi mưa rét trong nhiều năm qua rồi. Đợt rét này, bà con trong bản đã có thêm kinh nghiệm chống rét cho gia súc, gia cầm. Nhiều hộ còn mang cả chăn cũ, bao tải ra làm áo cho trâu, bò, lợn đấy. Người ta bảo “còn người thì còn của nhưng tôi nghĩ cũng phải còn của mới còn người. Tiền đầu tư vào chăn nuôi cũng là từ vay nợ cả mà thôi. Chết con vật nuôi nào lúc này cũng coi như mình chết đi một ít!”. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem