Sân chơi cho trẻ nông thôn: Mơ ước xa vời!

Thứ tư, ngày 01/06/2011 14:46 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Các vùng nông thôn hiện nay gần như vắng bóng sân chơi đúng nghĩa dành riêng cho trẻ em. Quy hoạch sân chơi cho trẻ, hướng trẻ vào các trò chơi bổ ích là vấn đề đặt ra cấp thiết để tránh những chỗ chơi nguy hiểm cho trẻ. Ghi nhận của NTNN tại Hải Phòng.
Bình luận 0

Những trò chơi nguy hiểm

img

Trẻ em chơi trò nhảy cầu ở xã Gia Minh (huyện Thuỷ Nguyên).

Trẻ em đang có tuần nghỉ hè đầu tiên của năm 2011. Chiều nắng bụi, hơn 20 đứa trẻ người nhem nhuốc bùn, ngồi vắt vẻo trên thành cầu ngay ngã ba làng ở xã Gia Minh (huyện Thuỷ Nguyên) để chơi trò nhảy cầu. Ngay bên cạnh các em là những xe tải từ các mỏ đá cứ nườm nượp đi qua. Bất chấp dòng xe cộ, các em lấy đà từ giữa đường và thi nhau lao thùm thụp xuống con đập sâu trong tiếng cười giòn tan của lứa bạn trên bờ.

Bùi Văn Tuyến - một cậu bé trong nhóm cho hay, đây là “sân chơi” quen thuộc của em và các bạn mỗi dịp hè về. “3 tháng hè bọn em chỉ có lang thang bơi lội, đánh bi, chơi game. Nhảy cầu biết là nguy hiểm nhưng rất vui!”- Tuyến nói.

Tại quán Internet trên đường xã Lưu Kiếm (huyện Thủy Nguyên) không lúc nào còn ghế trống. Dịp nghỉ hè, không chỉ học sinh lớn mà cả học sinh lớp 2-3 cũng sà vào đây. Chị Nguyễn Thị Dinh - mẹ cậu bé Vũ Văn Dũng, mới học lớp 3 đã “nghiện” game, bảo: “Từ ngày gần nhà mở quán net, cháu thường ra đây ngồi. Không có tiền chơi thì ngồi xem bạn chơi, dần dần đâm “nghiện”.

Khi được hỏi về các trò chơi khác, cu Dũng hồn nhiên: “Thỉnh thoảng cháu với mấy đứa ra sông bơi lặn nhưng mẹ cháu không cho vì sợ chết đuối. Cháu chỉ ước có sân chơi rộng, đẹp như ở thành phố”.

Không chỉ “khát sân chơi”, trẻ em nông thôn còn “khát đồ chơi”. Chị Trần Thị Thuý- Phó ban Thiếu nhi TP.Hải Phòng bày tỏ: “Khu vui chơi của trẻ em nông thôn hiện nay đã ít lại không có đồ chơi. Có chăng chỉ là những quyển sách báo cũ, không người quản lý...”. Có lẽ vậy mà chúng vốn đói về “tinh thần” nay lại càng đói hơn, dẫn đến rụt rè, ngại giao tiếp với bên ngoài…

Chỉ cần có tâm với trẻ

img Hải Phòng và các tỉnh thành khác đang tiến tới xây dựng môi trường sống thân thiện với trẻ em, đặc biệt là trẻ em nông thôn. Sân chơi với trẻ là nhu cầu tất yếu, nhưng với trẻ nông thôn chỉ có thể cải thiện làm phong phú hoạt động của nhà văn hóa thôn, các sân vận động của làng xã để thu hút các em đến sinh hoạt thiết thực hơn. img

 

Nói về sự chơi của trẻ, anh Nguyễn Tất Thắng - cán bộ đoàn huyện Thuỷ Nguyên cho hay, may lắm thì ngày 1.6, ngày 2.9, các em được quy tụ và chơi trong nhà văn hóa thôn, và “điều này chưa thấm vào đâu so với nhu cầu vui chơi vốn phải có của các em”.

Để giải quyết vấn đề sân chơi cho trẻ em nông thôn, nhiều người cho rằng đó là bài toán khó bởi thiếu quỹ đất, thiếu tiền đầu tư…

Theo ông Vũ Đình Sơn - Chủ tịch UBND xã Minh Tân thì các lý do trên có thể khắc phục được, chỉ cần “có tâm với trẻ”. Hiện nay, đất ở khu vực nông thôn còn khá rộng rãi, không lý gì lại không dành ra được một khoảnh làm sân chơi. Nếu quỹ đất quá thiếu có thể “tích hợp” sân chơi của các cháu vào sân đình, vào nhà văn hoá thôn...

Chẳng hạn các thôn trong xã Minh Tân có sân bóng nhỏ làm chỗ chơi chung cho mọi người, trong khuôn viên sân bóng này có thể thiết kế thêm chỗ chơi riêng cho trẻ. Tuy nhiên, điều ông Sơn băn khoăn là có sân chơi rồi thì trẻ chơi gì, và ai quản trẻ.

Ông bày tỏ: “Xã tôi là địa phương có truyền thống về bơi lội nên vào dịp hè nhà trường thường tổ chức dạy bơi cho một số ít các cháu. Còn về lâu dài thì xã cũng chưa có hướng gì cụ thể…”.

Gợi ý về các trò chơi cho trẻ, ông Ngô Đăng Lợi - Chủ tịch Hội Sử học TP.Hải Phòng nói: “Nếu xây dựng sân chơi cho trẻ em nông thôn, tại sao chúng ta không khơi dậy các trò chơi dân gian như kéo co, ô quan, nhảy dây, pháo tét, đu quay… ?”.

Những trò chơi này gắn bó với làng quê bao đời nay và nó có tác dụng rất tốt đối với sự phát triển toàn diện về thể chất, trí thông minh, sự nhanh nhẹn, khéo léo của trẻ nhỏ. Nên chăng, khôi phục lại các trò chơi dân gian kết hợp các trò chơi truyền thống và hiện đại là một hướng đi mới trong sân chơi trẻ em nông thôn mà các cấp các ngành địa phương cần quan tâm xem xét.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem