Sắp xóa sổ di tích đền Văn Thánh

Công Xuân Thứ tư, ngày 03/12/2014 08:57 AM (GMT+7)
Sau gần 20 năm kể từ khi được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, đền Văn Thánh (Quảng Ngãi) gần như không được đầu tư tôn tạo nên hiện trông chẳng khác phế tích. 
Bình luận 0

Nơi thể hiện tinh thần “tôn sự trọng đạo”

img
Bên trong khuôn viên di tích đền Văn Thánh chẳng khác gì một phế tích. Công Xuân
Di tích đền Văn Thánh nằm ở giữa cánh đồng Mỏ Cày, thuộc thôn 3, xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi). Theo tài liệu ghi chép lại và lời của một số các bậc cao niên trong vùng, đền Văn Thánh được xây theo hình chữ Bát từ thời Vua Tự Đức (1863), trên khuôn viên 3.450m2. Đứng ra xây đền là những người đỗ khoa bảng và chức sắc trong phủ, huyện lúc bây giờ. Văn Thánh là một biểu tượng của Văn - Hội. Trong “Nghĩa hội Cần Vương” do ông Lê Trung Đình đứng đầu gồm có “Văn -hội” và “Võ - hội” (theo sách Phong trào yêu nước chống Pháp của nhân dân Quảng Ngãi). Văn-hội (Văn thân) gồm các giới quan lại, những nhân vật có khoa bảng, văn bằng và những thân hào có thế lực.

 

Quan điểm

Ông Phạm Thanh Tùng • Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức
 Trước sự hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng của đền Văn Thánh, địa phương đã nhiều lần làm văn bản kiến nghị lên tỉnh thế nhưng chưa thấy động tĩnh gì”. 
Di tích Văn Thánh này do các vị tú tài, cử nhân, nhân sĩ là tầng lớp trí thức đương thời đứng ra xây dựng. Nó thể hiện tấm lòng “tôn sư trọng đạo”, “cầu hiền đãi sĩ” theo đạo lý làm người của dân tộc. Đến năm Kỷ Dậu 1956, dựa trên cơ sở Văn Thánh, một số nhân sĩ trí thức và một số người trong vùng thành lập “Khổng - hội học” và Văn Thánh được trùng tu một phần vào năm 1957. Hàng năm, tại Văn Thánh tổ chức lễ hội vào ngày Đinh của tháng 3 và tháng 8 âm lịch. Chi phí cho ngày hội có 5 – 6 mẫu ruộng hàng năm đấu thầu làm quỹ.

 

Văn Thánh trải qua năm tháng bị chiến tranh tàn phá hư hỏng nghiêm trọng, không còn nguyên vẹn như xưa. Thời gian và bom đạn chiến tranh tàn phá nên đền thờ chính và 2 gian phụ đã bị san bằng, chỉ còn lại móng. Riêng 4/5 tấm bia, cổng chính... vẫn còn khá nguyên vẹn. Đến năm 1996, đền Văn Thánh được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Từ đó đến nay, ngoài giao trách nhiệm cho một số đơn vị, mà gần đây là Trường THCS Đức Chánh đảm nhận dọn dẹp vệ sinh, với 1-2 lần/năm, di tích này chưa được cấp thẩm quyền đầu tư sửa chữa, trùng tu lần nào.

Cùng với việc tôn vinh những bậc hiền tài đỗ đạt, cống hiến công sức cho nước nhà, đền Văn Thánh còn một trong những di tích quý ghi lại những sự kiện, dấu ấn... của lịch sử quê hương. Ý nghĩa to lớn là vậy, nhưng ngoài chuyện “gắn” cho một cái danh là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, cấp thẩm quyền đã bỏ quên đền Văn Thánh suốt hàng chục năm qua, để giờ đây nơi này chẳng khác gì phế tích. Ngay cả con đường vào di tích này vẫn chưa có. Để vào được đền, người có nhu cầu phải men theo bờ ruộng.

Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Phạm Thanh Tùng- Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức cho biết: Theo phân cấp, huyện chỉ đảm nhận việc quản lý trông coi, còn đầu tư sửa chữa, trùng tu... là của tỉnh. Trước sự hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng của đền Văn Thánh, địa phương đã nhiều lần làm văn bản kiến nghị lên tỉnh thế nhưng chưa thấy động tĩnh gì.

Di tích đền Văn Thánh cần được trùng tu gấp. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nếu xã hội hóa việc trùng tu di tích, cũng nhiều người sẵn sàng góp công góp của phục dựng ngôi đền này, điều cần là một chủ trương và đội ngũ chuyên gia để việc trùng tu không bị sai lệch, không phá hỏng di tích. Ngay lúc này, các ngành chức năng cần phải nhanh chóng đưa ra quyết định cứu lấy di tích này trước khi quá muộn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem