Sau lũ, mai đất võ héo rũ, chết la liệt

Dũ Tuấn Thứ tư, ngày 23/11/2016 06:15 AM (GMT+7)
Nhiều nông dân trồng mai kiểng tại xã Nhơn An, Nhơn Phong (thị xã An Nhơn, Bình Định) đang “khóc ròng” khi chứng kiến nhiều cây mai héo rũ, chết la liệt do bị ngâm nhiều ngày trong nước lũ.
Bình luận 0

Chỉ tại... ông trời

Nhìn những gốc mai rệu rã, héo khô, nông dân Lê Ngọc Hữu (39 tuổi, trú thôn Thanh Giang, xã Nhơn Phong, thị xã An Nhơn) cứ liên tục thở dài. Anh Hữu cho biết, bao nhiêu vốn liếng đã đổ hết vào vườn mai kiểng với hy vọng kiếm được ít tiền tiêu tết, nhưng trận mưa lũ vừa qua đã khiến anh vỡ mộng, lâm cảnh trắng tay.

img

Nông dân Lê Ngọc Hữu (xã Nhơn Phong, thị xã An Nhơn) vẫn chưa hết bàng hoàng vì vườn mai chết trắng do ngập lũ. Ảnh: Dũ Tuấn

Theo ông Trần Đức Thắng, chính quyền địa phương các vùng trồng mai kiểng đang phối hợp ngành chức năng chuyển giao kỹ thuật chăm sóc mai sau lũ cho nông dân; khuyến cáo bà con khi vào mùa mưa lũ nên chuyển số mai đặt dưới ruộng thấp lên khu vực cao để tránh thiệt hại như trận lũ vừa qua.

Anh Hữu cho biết: “Tôi chân ướt chân ráo bước vào nghề trồng mai được 2 năm nay với mong muốn cây mai kiểng mang lại thu nhập khá, giúp gia đình ổn định cuộc sống. Nhưng đầu tháng 11 vừa qua, vườn mai với 2.900 gốc trồng dưới chân ruộng không thể di chuyển kịp, bị ngâm nước mưa lũ quá lâu nên rũ hết lá, chết gần như 100%, thiệt hại lên tới gần 100 triệu đồng, xót lắm”.

Theo anh Hữu, việc trồng lúa thu nhập không cao mà phải cày xới quá vất vả nên anh đã quyết định chuyển sang nghề trồng mai, hy vọng sẽ đổi đời. Với gần 3.000 gốc mai, gia đình anh phải thuê đất trồng với giá 3 triệu đồng/năm, vừa rồi anh đầu tư hơn 10 triệu đồng mua chậu, tính hết mùa mưa sẽ đưa mai vào chậu để chăm sóc. Tuy nhiên, trận lũ vừa qua đã cuốn trôi tất cả. Gia đình anh chỉ còn biết làm đơn cầu cứu chính quyền địa phương để được hỗ trợ kinh phí, tiếp tục sản xuất.

Cùng chung cảnh ngộ, nông dân Phan Thanh Sang (trú xã Nhơn Phong) than thở: “Vườn mai nhà tôi có 900 chậu đặt dưới ruộng bị ngập nước nên tôi phải huy động nhân công đưa mai lên kê tạm bên lề đường giao thông. Số mai này đã có thương lái đặt cọc mua giá 400.000 đồng/chậu, giờ không bán được do bị ngâm nước dài ngày, lá và nụ hoa rụng hết nên phải bón phân, thay đất chờ năm sau mới bán được. Miếng ăn đến miệng còn bị tuột mất, thật trớ trêu”.

Trắng tay vụ mai tết

Tại làng mai Nhơn An (thị xã An Nhơn) - “thủ phủ” mai kiểng cung ứng hàng dịp tết lớn nhất Bình Định, nhiều vườn mai kiểng đặt ở chân ruộng thấp bị thiệt hại nặng nhất. Theo UBND xã Nhơn An, khoảng gần 100 hộ dân có vườn mai trồng phục vụ dịp tết bị ngập nước lũ.

“Nếu so với trận lũ năm 2009 và 2013 thì trận lũ hồi đầu tháng 11 không nhằm nhò gì, nhưng người trồng mai vẫn bị thiệt hại. Nguyên nhân là do tuyến đường tránh Quốc lộ 1A xẻ ngang cánh đồng xã Nhơn An làm hai mảnh. Khi xảy ra lũ, nước trên thượng nguồn đổ về nhưng nước tiêu thoát chậm, khiến một số vườn mai đặt ở chân ruộng thấp bị ngập úng dài ngày, thiệt hại 5-10% số mai trong vườn. Nếu cây mai bị ngâm nước 2- 3 ngày, cùng lắm chỉ bị rụng lá và cứu được, nhưng bị ngâm từ 1 tuần đến nửa tháng thì khả năng sống sót chỉ 1%”- nông dân Lê Văn Thi (61 tuổi, trú thôn Thanh Liêm, xã Nhơn An) chia sẻ.

Ông Trần Đức Thắng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Phong (thị xã An Nhơn) cho hay: “Toàn xã có trên 150 hộ trồng mai kiểng, hộ trồng ít nhất 300 chậu, nhiều nhất khoảng 3.000 chậu. Riêng số mai kiểng đặt dưới ruộng hơn 4ha, đợt lũ đầu tháng 11 vừa rồi đều bị ngập, ảnh hưởng đến chất lượng mai cũng như thu nhập của bà con vụ tết”. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem