Sét đánh chết 15 con trâu: Sợ mất quyền lợi vì tỉnh quên từ “sét”

Hoàng Anh Tuấn Thứ hai, ngày 08/08/2016 06:40 AM (GMT+7)
Trong quyết định hỗ trợ thiên tai của UBND tỉnh Quảng Ninh bỏ quên từ “sét”, nên các hộ dân ở huyện Tiên Yên và Hoành Bồ có 2 đàn trâu bị sét đánh chết hôm 2.8 lo sẽ không được hỗ trợ.
Bình luận 0

Khốn cùng vì sét

Chiều 4.8, người dân thôn Khe Lục, xã Đại Dực, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh tá hỏa khi phát hiện đàn trâu 15 con bị sét đánh chết trương phềnh bụng trên đỉnh núi Thông Châu. Số trâu bị chết là trâu từ 3 tuổi trở lên, trong đó 1/3 số trâu đang mang thai. UBND xã Đại Dực xác định, đàn trâu chết từ ngày 2.8, thịt phân hủy không sử dụng được nên 6 hộ dân phải mang đi tiêu hủy. Đáng buồn nhất là có hộ thiệt hại đến 5 con. Tổng thiệt hại người dân phải gánh chịu khoảng 600 triệu đồng.

img

Cả đàn trâu bị sét đánh chết nằm la liệt ở cùng một góc rừng ở huyện Tiên Yên.
Ảnh: Hoàng Anh Tuấn

Ông Trương Công Ngàn – Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên cho biết: “Huyện đã nhận được báo cáo từ UBND xã về việc đàn trâu 15 con bị sét đánh chết. Huyện đang căn cứ vào các quy định của pháp luật để đề xuất tỉnh hỗ trợ cho dân”.

Trong khi đó, ông Bùi Xuân Hưng - Trưởng Phòng nông nghiệp huyện cho biết: “Từ đầu tháng 5 đến khi xuất hiện cơn bão số 2 trong tháng 8, toàn huyện Hoành Bồ có 13 con trâu ở các xã bị chết, trong đó xã Lê Lợi có 1 con, xã Đồng Sơn 6 con, xã Đồng Lâm 6 con, thiệt hại lên đến vài trăm triệu đồng. Ngày 2.8, UBND huyện đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh Quảng Ninh và đề xuất hỗ trợ thiệt hại cho dân do thiên tai gây ra”.

Được biết, để có trâu chăn thả các hộ dân ở 2 huyên Tiên Yên và Hoành Bồ phải dồn toàn bộ tài sản trong gia đình và vay lãi ngân hàng. Giờ hoàn toàn tay trắng nên cuộc sống của những hộ dân ở đây đang rơi vào tình cảnh khốn cùng.

Quyết định quên từ “sét”

Mặc dù tổng thiệt hại của các hộ dân do đàn trâu bị sét đánh chết lên đến hàng trăm triệu đồng, song điều khiến các hộ dân lo lắng nhất hiện nay là họ sẽ không được hỗ trợ thiệt hại vì một quyết định của UBND tỉnh Quảng Ninh đã bỏ quên từ “sét”.

Theo khoản C, Mục 2.1, Điều 3, quy định mức hỗ trợ về giống, cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nêu: “Đối với trâu, bò, ngựa; bê, nghé, ngựa nuôi dưới 12 tháng tuổi được hỗ trợ 3 triệu đồng/con; trâu, bò ngựa nuôi trên 12 tháng tuổi được hỗ trợ 4 triệu đồng/con”.

Cụ thể, khoản 1, Điều 3 Luật Phòng, chống thiên tai quy định: “Thiên tai là hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội, bao gồm: Bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa đá, sương muối, động đất, sóng thần và các loại thiên tai khác”.

Tuy nhiên, Quyết định số 2216/2014QĐ-UBND ngày 6.10.2014 của UBND tỉnh Quảng Ninh quy định mức hỗ trợ về giống, cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai dịch bệnh, còn thiếu một số hiện tượng thiên tai, trong đó có “sét” trong Điều 1 về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng.

Ngày 7.8, trao đổi với phóng viên NTNN - Dân Việt, ông Nguyễn Hữu Giang – Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Ninh cho biết: Sở cũng đã nắm được Quyết định số 2216 hỗ trợ thiên tai đối với giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản của tỉnh “quên” từ sét. Sở đã chỉ đạo các phòng, ban chức năng phối hợp Sở Tài chính họp liên sở để đánh giá lại, có cơ sở báo cáo UBND tỉnh ra quyết định bổ sung. Khi nào có kết quả sẽ thông tin ngay cho báo chí biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem