Siết chặt chất lượng dược liệu

Diệu Linh Thứ năm, ngày 17/03/2016 10:58 AM (GMT+7)
Bộ Y tế vừa ban hành quy định yêu cầu dược liệu nhập khẩu phải chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Đây là biện pháp nhằm chấn chỉnh lại thị trường dược liệu bát nháo trong thời gian qua.
Bình luận 0

Bộ Y tế vừa ban hành quy định yêu cầu dược liệu nhập khẩu phải chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Đây là biện pháp nhằm chấn chỉnh lại thị trường dược liệu bát nháo trong thời gian qua.

Bà Trần Thị Hồng Phương - Phó Cục trưởng Cục Y dược cổ truyền cho biết, trong năm 2015, Cục đã lấy 227 mẫu dược liệu để kiểm nghiệm thì có tới 60% mẫu dược liệu không đạt chất lượng (không đạt chất lượng về hàm lượng, hoạt chất, làm giả dược liệu).

img

Kiểm nghiệm dược liệu tại Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương. Ảnh: Dương Ngọc 

Lương y Vũ Quốc Trung  (Hội Đông y Hà Nội) khẳng định, thị trường dược liệu hiện nay thật giả lẫn lộn, với nhiều loại giá khác nhau. Đơn cử như “long vải” giả long nhãn, củ sắn giả bạch linh, thanh thảo giả đông trùng hạ thảo. Điều này khiến người bệnh bị móc túi mà bệnh không khỏi. Ngoài ra, còn có nhiều loại giả gây hại  đến sức khỏe như pha trộn cacbonat giả phục linh, xi măng giả thỏ ty tử, nhuộm phẩm màu độc hại, xông lưu huỳnh hay focmandehid chống nấm mốc… Nhiều loại thuốc khác kém chất lượng đã bị lấy hết chất bổ, chỉ còn “bã” như các loại sâm, linh chi…

Hiện thị trường trong nước cung cấp khoảng 20.000 tấn thảo dược tự nhiên/năm. Tuy nhiên, số lượng này chỉ đáp ứng 30% nhu cầu chế biến, còn lại phải nhập từ Trung Quốc với số lượng trên 20.000 tấn/năm (tự nhiên hoặc đã được sơ chế).

Theo bà Phương, để siết chặt chất lượng dược liệu, Bộ Y tế đã ban hành quy định quản lý nguồn dược liệu nhập khẩu. Theo đó yêu cầu tất cả dược liệu nhập khẩu phải chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, có đối tác bên nhập từ Trung Quốc được phép kinh doanh dược liệu.

Trước đây, để nguồn dược liệu về Việt Nam, chỉ cần có đơn hàng và giấy tờ thông quan là các doanh nghiệp được phép nhập khẩu dược liệu. Tuy nhiên trong thời gian qua, với cách làm này, nhiều doanh nghiệp nhập các loại dược liệu không đủ yêu cầu chất lượng vì không phải chứng minh nguồn gốc.

Đặc biệt, từ 1.7, dược liệu nhập khẩu trong Danh mục phải có Phiếu kiểm nghiệm từng lô dược liệu của cơ sở sản xuất nếu cơ sở đó đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất thuốc” (GMP). Ngoài ra, để ngăn chặn tình trạng buôn lậu dược liệu, Bộ Y tế cũng yêu cầu cơ quan công an tăng cường kiểm tra, ngăn chặn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem