Sở Y tế Quảng Nam: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Thứ sáu, ngày 20/12/2013 09:39 AM (GMT+7)
Những năm qua, việc “chảy máu” chất xám từ bệnh viện công sang bệnh viện tư đã gây khó khăn và tạo sức ép lớn đối với cả thầy thuốc và người bệnh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Bình luận 0
Trước vấn đề này, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam đã tham mưu với UBND tỉnh xây dựng đề án phát triển đội ngũ cán bộ y tế, thu hút, đào tạo nguồn nhân lực y tế cho tỉnh nhà…

Đề án thu hút, đào tạo nguồn nhân lực

Theo Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, nhân lực ngành y tế của tỉnh hiện có 5.618 người, trong đó bác sĩ là 674 người, chiếm tỷ lệ 12,2%, đạt 4,6 bác sĩ/1 vạn dân (bình quân cả nước là 7,4 bác sĩ/1 vạn dân). Về trình độ chuyên môn, sau đại học có 348 người, tỷ lệ 6,2%; đại học có 755 người; số người đưa đi đào tạo tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II, thạc sĩ, bác sĩ nội trú chiếm tỷ lệ thấp.

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam đang mổ cấp cứu bệnh nhân.
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam đang mổ cấp cứu bệnh nhân.

Thời gian gần đây, với việc đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa y tế, nhiều bệnh viện tư nhân hình thành, đi vào hoạt động đã góp phần nâng cao năng lực bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nhưng cũng dẫn đến tình trạng bác sĩ ở bệnh viện công ra làm việc ở bệnh viện tư, làm cho ngành y tế tỉnh càng thiếu trầm trọng đội ngũ bác sĩ đa khoa và chuyên khoa để đáp ứng nhu cầu chất lượng khám, điều trị bệnh cho nhân dân.

Vấn đề đào tạo, thu hút nguồn nhân lực y tế trên địa bàn tỉnh ngày càng cần thiết và cấp bách. Trước tình hình đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã thống nhất chủ trương xây dựng Đề án “Đào tạo và thu hút bác sĩ, bác sĩ nội trú, bác sĩ có trình độ trên đại học giai đoạn 2013-2015”, phấn đấu đến năm 2015, toàn tỉnh có 7.092 cán bộ y tế (bổ sung mới 1.734 người, trong đó cần thêm khoảng 285 bác sĩ), đáp ứng yêu cầu phát triển hệ thống y tế tỉnh giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2015-2020.

Để tuyển chọn khoảng 200 bác sĩ từ năm 2013-2015, cần phải thực hiện đồng bộ cả hai phương án thu hút và đào tạo. Trong đó, đối tượng đào tạo là sinh viên đang theo học năm thứ 5 hoặc năm thứ 6 tại các trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh, Đại học Y Dược Huế. Còn về thu hút các bác sĩ, bác sĩ nội trú có trình độ sau đại học (bác sĩ chuyên khoa I, chuyên khoa II, thạc sĩ, tiến sĩ), có bằng tốt nghiệp chính quy tập trung của các trường nêu trên hoặc đang công tác ở các tỉnh/thành trong cả nước có nguyện vọng về làm việc tại tỉnh Quảng Nam.

Hỗ trợ 100% học phí, đất xây nhà

Những bác sĩ tham gia đề án được hưởng nhiều chế độ đãi ngộ từ lúc đào tạo và sau ra trường, như cấp 100% học phí, cấp sinh hoạt phí hàng tháng (bao gồm tiền ăn, ở, bảo hiểm y tế, chi phí đi lại) với mức 3 triệu đồng đối với học viên tại TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, 2,5 triệu đồng đối với học viên tại Huế, thời gian cấp được tính 12 tháng/năm học; hỗ trợ lại học phí, sinh hoạt cho học viên trong suốt thời gian học bác sĩ và từ bác sĩ lên bác sĩ nội trú trước khi tham gia đề án. Ngoài ra, sau khi hoàn thành chương trình đào tạo đề án, các bác sĩ còn được hỗ trợ 100 triệu đồng để mua đất ở tại địa phương nơi công tác.

"Mỗi y bác sĩ thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức để xứng đáng với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lương y phải như từ mẫu”.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Liên

Về thu hút bác sĩ, bác sĩ nội trú được hỗ trợ một lần sau khi ký hợp đồng cam kết làm việc lâu dài tại các cơ sở y tế công lập thuộc tỉnh Quảng Nam: Bác sĩ tốt nghiệp loại trung bình, trung bình khá- 200 triệu đồng; tốt nghiệp loại khá- 230 triệu đồng; loại giỏi- 350 triệu đồng; chuyên khoa cấp I, thạc sĩ- 300 triệu đồng; bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa II- 350 triệu đồng; tiến sĩ- 500 triệu đồng.

Ngoài ra, bác sĩ về làm việc tại các bệnh viện thuộc Trung tâm Y tế huyện Nông Sơn, Tiên Phước, Hiệp Đức, được tăng thêm 0,1 lần; làm việc tại các bệnh viện thuộc Trung tâm Y tế huyện Bắc Trà My, Nam Giang, Đông Giang, được tăng thêm 0,2 lần; làm việc tại các bệnh viện thuộc Trung tâm Y tế huyện Nam Trà My, Phước Sơn, Tây Giang, được tăng thêm 0,4 lần so với mức hỗ trợ nói trên.

Các đối tượng nêu trên cũng sẽ được hỗ trợ tiền mua một lô đất theo giá nhà nước quy định (không qua đấu giá) để làm nhà ở tại địa phương nơi công tác (1 lần/người) với mức 100 triệu đồng. Tổng mức đề án này hơn 73,5 tỷ đồng, trong đó hơn 25,5 tỷ đồng cho đối tượng đào tạo, hơn 48 tỷ đồng cho đối tượng thu hút.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Liên- Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh: “Những năm qua được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự phối hợp của các ngành, các cấp, công tác y tế và sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân đã đạt được những thành tựu quan trọng. Hệ thống y tế cơ sở ngày càng được củng cố và phát triển tạo thành mạng lưới rộng khắp. Chất lượng khám chữa bệnh ngày càng được nâng cao. Nhiều kỹ thuật mới được đưa vào ứng dụng trong khám và điều trị, tích cực thực hiện công tác phân tuyến kỹ thuật tại tuyến y tế cơ sở. Bảo đảm công bằng trong khám chữa bệnh”.

Ngành y tế tỉnh quan tâm bố trí cán bộ cho tuyến y tế cơ sở, tăng cường cán bộ đi đào tạo ở trong nước và nước ngoài, đào tạo chuyên sâu, coi trọng thực hành nhất là đối với đội ngũ cán bộ y tế cơ sở...Với giải pháp trên, công tác cán bộ của ngành y tế Quảng Nam sẽ có những bước phát triển đột phá, góp phần quyết định vào việc nâng cao hiệu quả công tác, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới, đóng góp xứng đáng vào công cuộc phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống cho mọi người dân trong tỉnh.
Hồng Phong (Hồng Phong)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem