Sóc Trăng: Mô hình sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu

Chúc Ly Thứ ba, ngày 29/07/2014 05:09 AM (GMT+7)
Thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) là vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH). 
Bình luận 0

Tình trạng lốc xoáy gây thiệt hại nhà cửa của người dân và ngập úng ảnh hưởng sản xuất vẫn thường xuyên xảy ra.

Do vậy, thời gian qua, Phòng TNMT thị xã Ngã Năm đã triển khai nhiều mô hình thích ứng BĐKH như: Chăn nuôi lợn kết hợp ủ biogas, nuôi lươn trong mùng lưới, trồng gừng trên giàn, ủ phân hữu cơ và trồng rau trên bè…Toàn thị xã hiện có tổng số 8 mô hình sinh kế đang được thực hiện, trong đó mô hình chăn nuôi lợn kết hợp túi ủ biogas (43 hộ thực hiện) được đánh giá là mô hình có hiệu quả nhất.

Ông Nguyễn Thanh Hùng ngụ khóm Tân Chánh A, phường 2, thị xã Ngã Năm chia sẻ: “Sau khi được tham gia lớp tâp huấn về kỹ thuật chăn nuôi lợn lấy khí biogas làm chất đốt sử dụng trong sinh hoạt, gia đình tôi rất phấn khởi, không còn mùi hôi trước đây. Đây là mô hình có lợi cho môi trường và cho kinh tế gia đình, ngoài thu nhập mỗi lứa heo khoảng 15 triệu đồng, khi sử dụng khí biogas làm chất đốt gia đình tôi tiết kiệm được khoảng 200.000 đồng/tháng”.

Giữa trưa nắng, chúng tôi gặp bà Nguyễn Thị Thủy ngụ khóm Vĩnh Tiền, phường 3, thị xã Ngã Năm đang loay hoay với luống rau xanh mướt, bà bộc bạch: “Cũng nhờ chính quyền cho theo học lớp tập huấn ủ phân hữu cơ Compost, rồi cấp cho thùng ủ nên giờ rau nhà tôi được bón phân an toàn mà lại giảm ô nhiễm. Rau phát triển tốt mà không sợ ngộ độc do phân thuốc như lúc trước”.

Ông Cao Hữu Lượng - cán bộ Phòng TNMT thị xã Ngã Năm, cho biết: “Thời gian qua, thị xã đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo giới thiệu và tập huấn kỹ thuật thực hiện các mô hình sinh kế với hàng trăm lượt người tham gia, qua đó giúp nâng cao thu nhập cho bà con”.

Ông Triệu Công Danh – Phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh Sóc Trăng nhận định: “Việc phát triển mô hình sinh kế thích ứng với BĐKH đang được ngành chức năng và địa phương tích cực triển khai. Trong đó, tập trung vào các mô hình thiết thực, gắn với đời sống của người dân để dễ dàng triển khai thực hiện và mang lại hiệu quả bền vững; phải phát huy các kinh nghiệm, kiến thức và điều kiện của địa phương, gắn với thị trường”.

“Thời gian tới Sở TNMT vẫn tiếp tục tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ phát triển các dự án của các tổ chức quốc tế về BĐKH, phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ. Nhằm hướng tới nâng cao nhận thức của người dân về BĐKH ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của họ đồng thời có thêm nhiều mô hình sinh kế để vừa nâng cao thu nhập cho người dân vừa giảm bớt rủi ro trong quá trình sản xuất trước tác động của BĐKH” – ông Danh cho biết thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem