Sóng gió cho nông sản Việt

Thứ sáu, ngày 18/06/2010 08:49 AM (GMT+7)
(NTNN) - Suy giảm kinh tế từ các nước thuộc Liên minh châu Âu cùng với việc đồng Euro bị mất giá đã liên đới làm xuất khẩu nông sản của Việt Nam gặp khó...
Bình luận 0
img
Cá basa đang chịu nhiều ảnh hưởng nhất từ việc đồng Euro mất giá. Ngọc Minh

Hợp đồng bị giảm giá

Nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo sang các thị trường sử dụng đồng Euro gặp khó khăn do tỷ giá của đồng tiền này giảm mạnh. Theo Hiệp hội Lương thực VN (VFA), khó khăn nhất là việc xuất khẩu gạo qua châu Phi, vì hầu hết doanh nghiệp (DN) thành viên của VFA xuất qua thị trường này thông qua các công ty đa quốc gia có trụ sở đặt tại châu Âu trong khi đồng Euro liên tục giảm so với USD khiến các đối tác nhập khẩu dè chừng, chờ giá xuống thấp mới giao dịch.

Ông Phạm Văn Bảy - Phó Chủ tịch VFA cho biết, lượng gạo bán qua Nam Phi, Ukraine, và các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất đều giảm từ 60 - 80%.

Ông Huỳnh Quang Đấu - Giám đốc Công ty dịch vụ Kỹ thuật Nông nghiệp An Giang (Antesco), cũng cho biết khoảng nửa tháng nay, hầu hết các hợp đồng cũ xuất khẩu sang châu Âu của công ty đều bị phía đối tác yêu cầu giảm giá. "Như hợp đồng xuất khẩu khóm, bắp non qua Đức, đối tác yêu cầu giảm 10% giá để bù lỗ vào việc đồng Euro bị mất giá do hợp đồng họ ký với mình là bằng đồng USD. Ngoài ra, họ còn giãn thời gian nhận hàng của mình, xuất rất chậm" - ông Đấu nói.

Đồng Euro suy yếu đã tác động nặng nề đến các công ty xuất khẩu vào thị trường này. 5 tháng qua, đồng Euro đã mất giá gần 15% giá trị so với đồng USD. Điều này có nghĩa là để có được USD trả cho nhà xuất khẩu, phía nhập khẩu phải chi thêm nhiều Euro hơn.

Còn theo ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao VN (Vicofa), thời gian gần đây các bạn hàng ở châu Âu có yêu cầu phía VN giảm giá do đồng Euro suy yếu và họ không ký hợp đồng mới nữa vì sợ rằng đồng Euro sẽ còn xuống nữa.

Mà châu Âu là một thị trường lớn của cà phê VN, chiếm khoảng 30 - 40% tỷ trọng nên việc không có được hợp đồng mới trong những quý cuối năm sẽ gây không ít khó khăn cho ngành cà phê VN.

Thuỷ sản cũng lao đao

Một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong việc đồng Euro mất giá là các DN xuất khẩu thuỷ sản VN. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản VN (Vasep), châu Âu là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành thuỷ sản VN, chiếm tỷ trọng thị phần khoảng 25%, trong đó mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là cá tra, cá basa. Mấy tháng gần đây, giá cá tra, cá basa xuất khẩu qua thị trường này liên tục giảm.

Theo tính toán của Vasep, giá trung bình cá basa xuất khẩu sang châu Âu giảm từ 2,5 USD/kg hồi đầu năm xuống hiện còn có 2,39 USD/kg. Trong đó, nước nhập khẩu cá basa của VN nhiều nhất là Tây Ban Nha lại có mức giảm sâu nhất, từ 2,48 USD/kg xuống còn 2,25 USD/kg. Chỉ tính riêng thị trường này, 4 tháng đầu năm 2010, các DN VN đã xuất khẩu sang Tây Ban Nha 17.272 tấn cá tra, cá basa và họ đã mất gần 4 triệu USD do giá giảm.

"Đầu ra giảm giá, trong khi mọi chi phí đầu vào hiện nay đều tăng so với năm ngoái không những gây khó khăn cho DN mà còn khiến người nuôi cá thiệt hại nặng nề" - ông Ngô Phước Hậu - Phó Chủ tịch Vasep bày tỏ. Ông cho biết chính áp lực giảm giá từ thị trường EU đã làm giá cá tra nguyên liệu trong nước giảm từ 17.000 đồng/kg hồi quý 1 xuống còn dưới 16.000 đồng/kg.

Chuyển hướng thị trường

Giảm giá để cùng chịu đựng, cầm cự với đối tác nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn, theo đánh giá của các DN đó chỉ là giải pháp tạm thời. Giải pháp dài hơi hơn vẫn là tìm cách chuyển hướng thị trường xuất khẩu để giảm bớt tỷ trọng thị phần ở khối EU, giảm bớt khó khăn cho DN.

Ông Huỳnh Văn Đấu - Giám đốc Công ty Antesco, cho biết ông vẫn chưa đồng ý giảm giá 10% cho phía đối tác, vì không muốn làm ảnh hưởng đến "nồi cơm" của người nông dân, mà ông đang xem xét việc đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường đang có nhiều tiềm năng như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Riêng ngành thuỷ sản, lãnh đạo VASEP đều nhận định rằng một số thị trường mà các DN có thể tận dụng chuyển hướng đẩy mạnh xuất khẩu trong giai đoạn hiện nay là Nga, Mỹ, Australia, Trung Đông và châu Á. "Thị trường Nga đang hồi phục mạnh mẽ sau các cải tổ về xuất khẩu và thủ tục thanh toán.

Còn thị trường Mỹ thì nhu cầu chắc chắn sẽ tăng lên sau sự cố tràn dầu làm giảm sản lượng khai thác thủy sản nội địa. Bên cạnh đó, một số thị trường Nam Mỹ mới nổi lên cũng đang được DN VN quan tâm là Colombia, Domenique, Mexico…" - ông Trương Đình Hoè - Tổng Thư ký VASEP phân tích.

Trong khi đó, ngành cà phê, tiêu lại chọn giải pháp giải quyết là thắt chặt thậm chí tạm dừng xuất khẩu trong thời gian tới. "VN có lợi thế là xuất khẩu cà phê lẫn tiêu đều chiếm số lượng lớn trên toàn thế giới nên việc tạm dừng xuất một thời gian sẽ tạo nên sự khan hiếm trên thị trường.

Một khi nguồn cung ít hơn so với cầu thì đa phần giá cả sẽ tăng lên. Ngành cà phê và tiêu của VN đều đang vào cuối vụ, sản lượng không còn nhiều nên cũng thuận lợi cho việc áp dụng giải pháp này" - ông Đỗ Hà Nam giải thích.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem