Sông Hồng bị đầu độc: Cây cháy, cá chết, người bệnh

Thứ tư, ngày 16/03/2011 14:10 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nước sông Hồng giờ ô nhiễm khủng khiếp. Cứ lúc nào màu nước thay đổi kèm theo mùi hóa chất thối nồng nặc là y như rằng kiểu gì cá cũng phơi trắng bụng trên sông, thuyền bè qua sông lập tức han gỉ...
Bình luận 0

Từ xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên (Lào Cai) chúng tôi tiếp tục theo thuyền xuôi về huyện Văn Yên, Trấn Yên, vào TP. Yên Bái (Yên Bái), rồi tới huyện Lâm Thao, Tam Nông (Phú Thọ) và chứng kiến cảnh tận diệt sông Hồng.

Rút ruột, nắn dòng Hồng giang

Trong hành trình tìm hiểu nguyên nhân về sự ô nhiễm của dòng sông Hồng, sau tỉnh Lào Cai, chúng tôi quyết định đi theo tàu chở cát ngược về thượng nguồn của tỉnh Yên Bái. Đến đoạn sông thuộc địa phận huyện Trấn Yên, thấy hàng chục con tàu khá lớn được trang bị đầy đủ máy móc thiết bị hiện đại đang “rút ruột” lòng sông.

img
Những mảng màu đỏ quạch, những vũng nước trắng và nhầy nhụa xuất hiện la liệt bên bờ sông Hồng.

Đến địa phận huyện Văn Yên, (Yên Bái) chúng tôi thấy các loại máy móc đang thi nhau đào xới, để lại những vực sâu hoắm. Những khối đá trơ trọi được móc lên chất thành núi cao. Máy đập đá, máy bơm nước chạy ầm ầm rung chuyển cả núi rừng. Dòng nước bị ô nhiễm đục quánh, bốc mùi hôi thối của a xít và hoá chất độc hại kéo dài vài chục km. Tại đây, nhiều chỗ dòng sông ăn sâu vào đất liền hàng trăm mét, nước sông một màu đỏ quạch.

“Sông Hồng giờ ô nhiễm lắm rồi, mấy tháng nay nước sông nơi đây có nhiều váng và mùi hôi thối nên chúng tôi không thể dùng để sinh hoạt được nữa. Để có thể đánh cá trên sông, chúng tôi phải đi hàng chục km và mang nước sạch từ nhà để dùng”- anh Nguyễn Văn Trinh - dân chài huyện Văn Yên, tâm sự.

Việc nạo vét đào xới tứ tung trên lòng Hồng giang không những gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân vùng thượng nguồn sông Hồng mà còn đe dọa và gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của hạ nguồn con sông này, đặc biệt là đoạn chảy qua địa bàn TP. Yên Bái. Theo đó, hàng ngàn người dân đang đứng trước nguy cơ bỏ nghề chài lưới.

Cây cháy, cá chết, người lâm bệnh

Tàu đang lững lờ trôi vào ranh giới của tỉnh Phú Thọ bỗng khựng lại. Người lái tàu nhảy phốc xuống lòng sông. Anh bảo chúng tôi dừng chân tại đây, địa phận của xã Man Lạn, huyện Thanh Ba (Phú Thọ) với một lý do nghe chừng vô cùng hợp lý: Sông Hồng cạn trơ đáy, có nước đâu mà đi.

Tại khúc sông cạn ở xã Man Lạn, có một điều khá thú vị là người dân đã tận dụng sự cạn kiệt của dòng sông để trồng trọt. Cách chỗ thuyền chúng tôi mắc cạn không xa, chị Nguyễn Thanh Bình - trưởng khu 7, xã Man Lạn đang chăm sóc cho 5 sào mía nhà mình.

Chị Bình cho hay: “Đây là sáng kiến của ông Nguyễn Văn Giang, hàng xóm nhà chị. Ông Giang đã thu hoạch được 1 vụ mía từ ý tưởng này”.

Lợi ích từ dòng sông kiệt chỉ một số ít nhà có đất ven sông được hưởng. Còn sâu phía trong, ở bên kia con đường, hàng chục ha lúa đang khô khát vì thiếu nước, nhiều hộ dân đang khổ sở vì không có nước tưới. Từ khi sông Hồng trơ đáy, trạm bơm 4 cửa của xã cũng trở nên vô dụng và người dân chỉ biết mong trời làm mưa cứu lúa.

Men theo dòng sông xuôi xuống khu Sơn Thị, thôn Cao Mại, thị trấn Lâm Thao, gặp chị Nguyễn Thị Phấn đang chăm bẵm cho 2 sào rau thơm bên triền sông. Chị Phấn rầu rĩ: “Cứ trồng thôi chứ cũng không rõ có thu hoạch được không, vụ nào cũng thế, năm nào cũng vậy, trồng xong đến lúc vừa lớn được tí thì rau cứ vàng khè, thối hết nõn, lá rụng lả tả, họa hoằn lắm mới có vụ được”.

Chị cho hay, nước sông Hồng ở đây rất lạ, màu sắc biến đổi thất thường, lúc thì đen kịt, lúc trắng bệch như vôi, lúc đỏ thẫm như máu đông. Và kinh khủng hơn nữa là mùi nước, những lúc nước chuyển màu, mùi hóa chất nồng nặc, như mùi a xít vậy.

Ở trên triền sông dọc từ thôn Cao Mại xuôi xuống xã Hợp Hải, cây cối hoa màu khô héo hết, những bãi chuối ven sông chết héo, đến sống khỏe, sống bền bỉ như cỏ dại, lau lách còn héo khô.

Ông Lê Thanh Bình ở khu 2, xã Hợp Hải, huyện Lâm Thao buồn rầu: “Nhà tôi chuyển đến đây hơn 10 năm nay, vài năm gần đây cây cối hoa màu cứ chết cháy hết, mùi nước thối nồng nặc, kiểu như mùi a xít vậy. Ở đây chúng tôi hưởng cái mùi này nhiều nên suốt ngày thấy đau đầu, tức ngực khó thở, buồn nôn. Biết là khổ nhưng giờ chuyển thì biết chuyển tới đâu đây? Đành sống vậy thôi”.

Tiếp tục xuôi theo dòng sông Hồng khoảng 20km nữa, chúng tôi đến làng chài Làm Cá, khu 5, xã Hương Nội, huyện Tam Nông. Ở đây kể từ khi nước sông Hồng ô nhiễm nặng, làng cá tan tác, nháo nhác tìm kiếm đủ nghề để kiếm sống.

Cụ Lê Thị Sang, 65 tuổi, tâm sự: “Nước sông Hồng giờ ô nhiễm khủng khiếp. Cứ lúc nào màu nước thay đổi kèm theo mùi hóa chất thối nồng nặc là y như rằng kiểu gì cá cũng phơi trắng bụng trên sông, thuyền bè qua sông thời điểm đó cũng lập tức han gỉ.

Cách đây không lâu, có con bò dở chứng nhảy xuống sông, bì bõm được một lúc thì ngắc ngoải, bất động trôi dạt vào bờ, da phồng rộp và lóp ngóp được vài cái thì chết luôn”.

Thông số chì và cadimi vượt mức cho phép

Phòng Cảnh sát Môi trường (PC 49, Công an tỉnh Yên Bái) vừa công bố kết quả phân tích kiểm định môi trường nước mặt sông Hồng tại địa bàn Yên Bái. Theo đó, đã xác định được 8 thông số môi trường, trong đó có 2 thông số vượt tiêu chuẩn cho phép về chất lượng nước mặt. Đó là chì (Pb) đo được là 0,74mg/l, giới hạn cho phép tối đa là 0,1mg/l; cadimi (Cd-một kim loại tồn tại trong thiên nhiên dưới dạng sulfua lẫn với carbonat kẽm) đo được 0,103mg/l, giới hạn cho phép tối đa là 0,02mg/l.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem