“Sóng ngầm” sau các siêu dự án

Đức Trí Thứ ba, ngày 12/07/2016 10:00 AM (GMT+7)
Tham vọng phát triển các siêu dự án địa ốc thể hiện tầm nhìn của nhà hoạch định chính sách lẫn đại gia địa ốc. Ngoài thành công vang dội của Phú Mỹ Hưng (TP.HCM) thì những tồn tại đằng sau các siêu dự án tại Bình Dương, Đồng Nai vẫn là bài toán khó giải.
Bình luận 0

 Thành phố đìu hiu về đêm

Thành phố mới Bình Dương có quy mô hơn 1.000ha, được tỉnh Bình Dương giao cho Becamex IDC liên doanh với Tập đoàn Tokyu (Nhật Bản) xây dựng, có tổng mức đầu tư lên đến hàng tỷ đô la Mỹ, một thời gây sốt trên thị trường địa ốc. Đặc biệt, “nhà cái” Becamex là một tập đoàn phát triển hạ tầng mạnh nhất nhì Việt Nam, cộng với chính sách thoáng của Bình Dương nên có thể nói, thành phố mới Bình Dương là một đô thị kiểu mẫu xét về mặt hạ tầng và quy hoạch.

img

Ông Bùi Thanh Trúc - Chủ tịch HĐQT Dona Coop (bên trái) trong lễ ký kết giai đoạn 1 
khu kinh tế mở Long Hưng (Đồng Nai).   Đ.T 

Xét về dài hạn, Bình Dương vẫn là vùng đất tiềm năng nếu kết nối hạ tầng với TP.HCM, Đồng Nai, Long An để giãn dân và thu hút lao động với mục tiêu trở thành thành phố công nghiệp thông minh. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, các dự án bất động sản vẫn chỉ tồn tại ở dạng tiềm năng, người dân nên cân nhắc khi bỏ vốn đầu tư để tránh lãng phí.

Ông Nakata Yasuyuki - Tổng Giám đốc Becamex Tokyu cho biết, Tập đoàn tin tưởng vào tương lai phát triển của Bình Dương. Ông cho rằng, phát triển một siêu đô thị như thành phố mới Bình Dương cần có tầm nhìn dài hạn.

Niềm tin của nhà đầu tư được củng cố thêm khi Trung tâm Hành chính tập trung Bình Dương với tổng kinh phí đầu tư 1.400 tỷ đồng được đưa vào vận hành vào năm 2014. Đây được xem là trung tâm hành chính tập trung lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, thành phố mới Bình Dương vẫn chưa khai thác hết tiềm năng khi buổi sáng còn có hoạt động của các viên chức tỉnh, buổi tối rơi vào tình trạng hoang vắng, chìm trong bóng đêm lạnh lẽo.

Theo ông Nguyễn Khánh Hưng - Giám đốc điều hành Tập đoàn Đất Xanh, một công ty có nhiều kinh nghiệm tại thị trường Bình Dương, nguồn cung tại đây hiện vượt cầu. Về bản chất Bình Dương là thị trường dành để đầu cơ chứ chưa phải là thị trường phát triển cho nhu cầu ở. Tập đoàn Đất Xanh đã thấy được trước bức tranh đìu hiu của thị trường này và rời bỏ từ năm 2008.

“Song đấu” Dona Co.op và Tín Nghĩa

img

Quy hoạch tổng thể Khu kinh tế mở Long Hưng.  Ảnh: Đ.T

Đồng Nai là tỉnh phát triển mạnh cả về công nghiệp lẫn nông nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm 2016, tỉnh đã cấp mới 53 dự án FDI có tổng vốn 392 triệu USD, điều chỉnh 42 dự án có tổng vốn 616 triệu USD. Tổng mức thu hút FDI hơn 1 tỷ USD, vượt kế hoạch cả năm 2016. Cùng với các khu công nghiệp, cụm cảng, nhà máy, nông trại…, Đồng Nai còn có sân bay Long Thành được Chính phủ quyết tâm đầu tư với số vốn 18,7 tỷ USD. Những yếu tố ấy khiến Đồng Nai trở thành “vùng đất hứa” với bất động sản.

Hàng loạt chủ đầu tư như: IDICO, HUD, Tín Nghĩa, Dona Co.op, Đất Xanh, Toàn Thịnh Phát… “nhảy vào” đã biến Đồng Nai thành một thị trường cạnh tranh và có mãi lực lớn. Tuy nhiên, theo giới quan sát, cuộc chơi đáng kể nhất của Đồng Nai vẫn là “song đấu” của Dona Co.op và Tín Nghĩa. Theo đó, Tín Nghĩa tuyên bố tổng mức đầu tư của Đông Sài Gòn lên đến 6 tỷ USD, với diện tích 942ha. Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai, Đông Sài Gòn vẫn ở dạng tiềm năng. Nhiều lần chủ đầu tư mở bán nhưng vẫn chưa được thị trường hấp thụ.

Mới đây, Tập đoàn Thành Thành Công của đại gia Đặng Văn Thành đã chi 500 tỷ đồng để sở hữu 35% cổ phần của Tín Nghĩa. Nhiều nhà phân tích kỳ vọng, với kinh nghiệm tài chính và bất động sản, ông Thành sẽ làm hồi sinh dự án 6 tỷ USD và là một đối trọng xứng tầm với Dona Co.op.

Một siêu dự án khác cũng được công bố rầm rộ là Khu kinh tế mở Long Hưng có quy mô lên đến gần 1.500ha và tổng mức đầu tư dự kiến 9 tỷ USD, thuộc Dona Co.op. Được biết, đây là dự án được đầu tư từ năm 2011. Hiện tại theo ghi nhận Khu kinh tế mở Long Hưng đã hoàn thiện xong hạ tầng và bàn giao sổ hồng cho 500 hộ dân tái định cư. Theo nguồn tin riêng của NTNN, Dona Coop đã chọn một đối tác có kinh nghiệm phân phối địa ốc tại Sài Gòn để thực hiện mở bán chính thức ra thị trường một phần khu đô thị này vào tháng 8 năm 2016.

Chưa biết dự án được đón nhận như thế nào, nhưng có lẽ, cuộc đua giữa Dona Coop và Tín Nghĩa đã bắt đầu nóng dần lên sau các động thái của hai đại gia địa ốc này. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem