Sức ép dư thừa lao động nông thôn

Thứ năm, ngày 24/06/2010 16:56 PM (GMT+7)
(NTNN) - Hôm qua, 23-6 tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH đã công bố báo cáo “Xu hướng lao động và xã hội Việt Nam 2009-2010”.
Bình luận 0

Theo báo cáo của Viện Khoa học Lao động và Xã hội, lực lượng lao động của Việt Nam dự kiến sẽ gia tăng khoảng 1,5% (tương đương với 738.000 lao động/năm) trong giai đoạn 2010-2015. Song hành với sự tăng trưởng kinh tế là sự chuyển đổi nhanh chóng về cơ cấu lao động: Việc làm trong nông nghiệp giảm từ 65,3% trong năm 2000 xuống 52,2% trong năm 2007 do người lao động chuyển sang các ngành công nghiệp và dịch vụ.

Thêm vào đó, các vấn đề xã hội khác như tranh chấp lao động gia tăng; gần ¾ tổng số lao động đang làm những việc làm bấp bênh với tiền công và điều kiện làm việc nghèo nàn, bảo trợ xã hội cũng như pháp lý còn hạn chế... Khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã tác động tiêu cực tới việc làm của lao động nông thôn. Số liệu điều tra của Viện Chính sách và Chiến lược NN&PTNT tại 4 tỉnh Nam Định, Lạng Sơn, Bình Thuận, An Giang trong năm 2009 cho thấy, có 21,7% lao động di cư đã bị mất việc làm phải trở về quê.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương - Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cũng nhận định: “Báo cáo chỉ rõ tiềm năng của lực lượng lao động ở Việt Nam vẫn chưa được sử dụng xứng đáng. Chúng ta cần có sự đầu tư hiệu quả và có những chính sách phù hợp kích thích thị trường lao động toàn diện, trong đó có cải thiện hệ thống bảo trợ xã hội; hỗ trợ tìm việc làm; tái đào tạo người lao động thất nghiệp... Đối tượng cần hỗ trợ mạnh mẽ là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các HTX... để tạo việc làm bền vững cho người lao động, đồng thời cần chăm lo cho khu vực nông nghiệp và lực lượng lao động nông thôn.

Nhận định về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đàm Hữu Đắc cho biết: “Báo cáo “xu hướng lao động và xã hội Việt Nam năm 2009-2010” là cơ sở để khuyến nghị cho Chính phủ trong thời gian tới cần tăng cường khuôn khổ pháp lý và thể chế; tăng cường đối thoại xã hội; tăng cường hỗ trợ các hộ gia đình ở khu vực nông thôn và những người lao động dễ bị tổn thương, đặc biệt là những người chưa được hưởng lợi mấy từ sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem