Tác giả kịch bản phim “Sống cùng lịch sử”: Hãng phim nhà nước mặc kệ... chính mình!

Mai An (thực hiện) Thứ ba, ngày 23/09/2014 07:06 AM (GMT+7)
Phim “Sống cùng lịch sử” vẫn đang là điểm nóng của cuộc tranh luận- có nên đầu tư tiền ngân sách để làm phim tuyên truyền hay không? Phóng viên NTNN đã có cuộc trò chuyện với nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn - tác giả kịch bản phim “Sống cùng lịch sử”. 
Bình luận 0

Ông Tuấn cho biết: “Với tư cách là tác giả kịch bản và đồng thời là một nhà báo, tôi luôn quan tâm đến mọi ý kiến cũng như dư luận về bộ phim này. Cảm nhận của tôi là buồn”.

Có nhiều ý kiến cho rằng, phim được đầu tư 21 tỷ đồng nhưng thất bại về doanh thu như vậy thì tập thể tác giả cần phải bị truy tố về tội làm thất thoát tài sản của Nhà nước, ông nghĩ sao?

 


img
Nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn  
 
 Một đất nước luôn có dòng phim chính thống được Nhà nước bảo hộ. Nếu Nhà nước không làm phim, thì các bạn và con cái các bạn chỉ được xem những phim “copy” nội dung của Hollywood như “Tèo em”, “Bụi đời Chợ Lớn” mà thôi. Gương mặt quốc gia của một nền điện ảnh chỉ có những phim như thế thì đó là một sự nhục nhã!”.  
- Tôi cho rằng, những người đưa ra ý kiến này nên đi vào trường quản trị kinh doanh nào đó học bổ túc một khóa rồi sau đó nên vào chùa vài tháng để luyện cho cái tâm được quân bình.

 

Thứ nhất, họ không hiểu khái niệm là “phim tuyên truyền” và “phim thương mại” khác nhau thế nào. Phim tuyên truyền Nhà nước làm ra phục vụ miễn phí cho khán giả trong cả nước, kể cả những nơi không có rạp chiếu phim. Còn phim thương mại, hiện nay, do các hãng tư nhân làm ra, với những nội dung câu khách, kể cả “copy” phim nước ngoài, nhằm mục đích thu lợi về tiền bạc. Hai thể loại, hai cách làm, hai nội dung hoàn toàn khác nhau. Không nên nhầm lẫn.

Tôi nghĩ, những người đưa ra những ý kiến kiểu này, chắc không còn trẻ mà sao hồ đồ như vậy? Còn về ý kiến “truy tố” thì tôi thấy buồn cười. Những người này thường ru rú ở nhà hoặc “'bất đắc chí”, nêu ý kiến kiểu “đánh hôi” vì có biết gì về điện ảnh đâu!

 

Từ trước đến nay, dòng phim tuyên truyền Nhà nước đầu tư hầu như không có phim nào thắng lợi về mặt doanh thu. Các nhà làm phim cho rằng vì không có nhiều kinh phí để tuyên truyền, quảng bá, theo ông điều này có chính xác không? Nếu đó là một điều tồn tại thì tại sao không có động thái nào để thay đổi, từ chính các nhà làm phim?

- Phim này, chúng tôi đã chiếu một tuần miễn phí tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia vào dịp 30.4 và 7.5 vừa qua, không còn một chỗ trống. Chúng tôi đã chiếu cho 1.300 chiến sĩ Lữ đoàn bộ binh 82 ở Điện Biên, cho gần 1.000 sinh viên Trường CĐ Sư phạm Điện Biên và hàng ngàn đồng bào các dân tộc các tỉnh biên giới phía Bắc, ai cũng xúc động.

Thậm chí khi chiếu ở Hội Điện ảnh, các nhà văn như Trung Trung Đỉnh, các nhà phê bình như Phạm Xuân Nguyên... đều ứa nước mắt, không thể đứng dậy sau khi xem phim. Còn nhiều ví dụ khác. Ai tính được giá tiền những nỗi xúc động ấy?

Các hãng phim nhà nước cũng cần thay đổi tư duy phát hành. Hiện nay, họ chỉ trông vào “đầu vào” của phim, còn “đầu ra” mặc kệ. Tôi muốn hỏi: Mặc kệ ai? Nếu không phải là chính họ? Về thời điểm ra rạp, tôi đã nói ở trên. Việc phát hành phim phải có chiến lược và học hành bài bản.

Trả lời phỏng vấn của Báo NTNN, nhà biên kịch Hồng Ngát- Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh cho rằng phim “Sống cùng lịch sử” ra rạp lúc này là hơi vội, khi chưa hội đủ các yếu tố cần thiết về công tác tuyên truyền, quảng bá nên đã thất bại...

- Tôi nghĩ chị Hồng Ngát, một người có nhiều kinh nghiệm, cũng có lý của mình.

Nếu ông có toàn quyền để thực hiện cho công tác quảng bá phim “Sống cùng lịch sử”, ông sẽ làm thế nào, chọn thời điểm nào để đưa phim ra rạp?

- Theo tôi ngoài thời điểm, cần lo từ độ lớn của cái áp-phích, từ quảng cáo ở trên phố thế nào, ở các cửa ô ra sao, trên xe bus hay taxi bao ngày, trên TV vào khung giờ nào... nghĩa là phải có công ty chuyên nghiệp. Tôi biết lý thuyết về nghề này nhưng ở nước ra hiện nay không có chuyên ngành này nên người dạy và người học không có cơ hội.

Xin cảm ơn ông!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem