Tác nghiệp giữa tọa độ nóng

Đình Thiên Chủ nhật, ngày 22/06/2014 13:18 PM (GMT+7)
“Chuyến đi biển lần này sẽ vô cùng nguy hiểm. Trung Quốc sẽ tổ chức đâm va và xịt vòi rồng vào các tàu của chúng ta.  Không biết trước chuyện gì sẽ xảy ra, ai chưa vững thì có thể ở lại…”.
Bình luận 0

Không “rung rinh” trước hiểm nguy

Những cảnh báo trên là của Chuẩn đô đốc Nguyễn Văn Tương - Chính ủy lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam với đoàn phóng viên chúng tôi trước khi bước chân lên tàu đi vào tọa độ nóng bỏng. Vậy nhưng hàng chục anh em báo chí trung ương địa phương và cả báo chí nước ngoài không ai “rung rinh”.

Phóng viên Hoàng Sơn (Báo Thanh Niên) là phóng viên trẻ nhất theo tàu của lực lượng Cảnh sát biển để tác nghiệp nơi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép. Nhìn Hoàng Sơn mặt còn “búng ra sữa”, nhiều anh em đồng nghiệp thấy ái ngại và hỏi Sơn, chú có chịu được sóng không, ra thực địa gặp tàu Trung Quốc có... đòi vào đất liền không?

“Nói thật với các bác là em có chút lo lắng thôi, còn sợ thì không bởi đơn giản là quanh em còn có nhiều chiến sĩ trẻ của lực lượng Cảnh sát biển đầy nhiệt huyết và làm việc chuyên nghiệp. Tuy nhiên em nhận được lệnh lên đường quá đột xuất, chỉ có thời gian 30 phút vừa thu xếp tư trang vừa đi xuống tàu. Trên đường đi gọi vội cho bạn bè mua dùm ít thuốc lá, gói cà phê làm tư trang đi đường…”- Sơn chia sẻ.

Vượt qua hàng trăm hải lý, điều đập vào mắt tất cả anh em phóng viên chính là hàng loạt tàu Trung Quốc dàn hàng ngang tứ phía. Sự bức xúc xuất hiện rõ trong mỗi người.

Phóng viên Nam Cường (Báo Tiền Phong) đã có hàng chục chuyến theo tàu ra Trường Sa phải thốt lên rằng: Trung Quốc manh động quá, có lênh đênh trên biển cùng bà con mới thấy cái tài tình của ngư dân mình. Tàu sắt Trung Quốc to là thế, nhưng vẫn không thể uy hiếp được những chiếc tàu gỗ nhỏ bé. “Chính sự đoàn kết giữa các đội tàu đã cho chúng ta thêm sức mạnh. Phải là người yêu biển, sống cùng với biển, ngư dân ta mới có những hành động quyết đoán đến thế. Giữa vòng vây của nhiều tàu sắt Trung Quốc, ngư dân chúng ta vẫn chọn cho mình một hướng đi an toàn để bám biển, giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”.

Chỉ mong có tin, ảnh tốt để vạch mặt Trung Quốc

Những ngày trên biển Hoàng Sa, nỗi lo hiện hữu đối với mỗi phóng viên khi những hình ảnh và thông tin rất nhiều nhưng phải làm gì để có thể gửi thông tin, hình ảnh về tòa soạn là một câu hỏi khó. Giữa Hoàng Sa chỉ có những con sóng bạc đầu thì hoàn toàn không có phương tiện Internet thông dụng.

Nhiều phóng viên được tòa soạn trang bị cho máy điện thoại vệ tinh nhưng để sử dụng được chiếc điện thoại này cũng không dễ. Họ phải lên tận boong tàu để “tìm sóng” nhưng ở đó sóng biển cấp 5-6 sẵn sàng quật bay người xuống biển lúc nào không hay... Để có được một bản tin như thế, phóng viên đành phải soạn tin trước vào giấy rồi nối máy đọc một mạch về cơ quan.

Có mặt cùng chuyến tàu ra Hoàng Sa những ngày đầu tiên, nhà báo Toshihiro Yatagal - Trưởng văn phòng đại diện Hãng tin Kyodo News của Nhật Bản tại Bangkok thốt lên rằng: “Vượt biết bao sóng gió cũng xứng đáng. Bởi ra đến tận thực địa, chứng kiến trực tiếp mới biết sự thật”.

Phát biểu trước báo giới Việt Nam ngay giữa Hoàng Sa, nhà báo Toshihiro Yatagal bất bình nói: “Cùng tàu Cảnh sát biển ra Hoàng Sa, những hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là rất nhiều các loại tàu Trung Quốc, tạo thành những lớp bảo vệ dày đặc khu vực giàn khoan. Có các tàu chấp pháp, tàu đầu kéo, dịch vụ dầu khí và cả tàu quân sự, tàu hộ vệ tên lửa vòng ngoài. Rồi có cả máy bay quần lượn trên bầu trời”.

Phóng viên Lê Hải Sơn (Đài Tiếng nói Việt Nam): Gần 10 ngày trên "tọa độ nóng", tôi đã thấy rõ được tinh thần quyết liệt, một lòng xả thân cho chính nghĩa, cho độc lập tự do của dân tộc. Mỗi lần chứng kiến các ngư dân, kiểm ngư, cảnh sát biển tác nghiệp, tôi bỗng thấy yên lòng và tin tưởng tuyệt đối vào khả năng phòng vệ ở vùng biển quê mình.

Nguy hiểm là vậy nhưng bản thân phóng viên NTNN cũng như tất cả anh em báo chí sẵn sàng chấp nhận đối diện với hiểm nguy để truyền tải chân thực đến người dân trong cả nước, kiều bào ở nước ngoài, các quốc gia trên thế giới, những người ưa chuộng hòa bình hiểu rõ hành động đặt giàn khoan của Trung Quốc là hoàn toàn trái với luật pháp Việt Nam, trái với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Chia sẻ với phóng viên NTNN ngay trên chuyến tàu của ngư dân, phóng viên Tấn Vũ (Báo Tuổi Trẻ) tâm sự: “Ra đến Hoàng Sa rồi, không sợ tàu Trung Quốc đâm va, truy đuổi xịt vòi rồng hàng ngày. Chỉ mong sao tìm được góc ảnh, video thật tốt góp phần làm bằng chứng tố cáo Trung Quốc để biển Hoàng Sa sớm được bình yên”. Và như lời của Vũ, sau chuyến đi ấy, các báo từ NTNN, đến Hà Nội Mới, Tuổi Trẻ, Thanh Niên... đều ngập tràn những tin tức, hình ảnh tươi mới được thực hiện ngay ở tọa độ nóng, góp phần làm cho công luận trong và ngoài nước thấy rõ bộ mặt bành trướng của Trung Quốc.

Theo thượng tá Trần Quang Tuấn - Phó Chỉ huy trưởng Cảnh sát biển Vùng 2, trong tháng 5 Cảnh sát biển Vùng 2 đã tổ chức cho gần 50 lượt phóng viên các báo ra thực địa, trong đó có 8 hãng thông tấn báo chí nước ngoài. Mỗi chuyến tàu chở các anh em phóng viên ra ngoài đó, chúng tôi ở nhà rất lo. Nhưng vượt qua tất cả, đội ngũ phóng viên “chiến trường” đã góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh những việc làm sai trái của Trung Quốc trong những ngày qua.


Phóng viên Hoàng Sơn - Báo Thanh Niên: Thấy nhỏ bé trước đầu sóng ngọn gió

Những ngày trên tàu, chứng kiến cảnh tàu Trung Quốc manh động nhiều lần rượt đuổi tàu của Cảnh sát Biển mới hiểu hết những vất vả của anh em là cán bộ, chiến sĩ thực thi việc chấp pháp trên biển. Rồi mỗi người trên tàu là một hoàn cảnh, một số phận, tôi thấy mình thật nhỏ bé trước những hy sinh của các anh nơi đầu sóng. Một người cha sắp đón đứa con đầu lòng nhưng không thể về nhà, một người con biết tin mẹ bị ung thư nhưng không thể thăm hỏi… Các anh khiến tôi thêm quý trọng giá trị của cuộc sống từ những hy sinh thầm lặng như thế.

Phóng viên Công Hạnh, Báo Công an thành phố Đà Nẵng: Chuyến tác nghiệp để đời

Được vinh dự lên tàu đến Hoàng Sa cùng các lực lượng chấp pháp của Việt Nam đấu tranh tuyên truyền buộc Trung Quốc dời giàn khoan Hải dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam là niềm vinh dự lớn. Với tôi, đó là chuyến tác nghiệp để đời và là nhiệm vụ thiêng liêng trước Đảng, trước dân. Tôi đã có những ngày dài làm thủy thủ, chiến sĩ thực thụ trên "tọa độ nóng" Hoàng Sa. Dù hàng chục lần bị tàu Trung Quốc vây ráp, cản trở, tấn công đâm va, phun vòi rồng phá hoại, có lúc tưởng chừng như đã bị những "trâu điên" hải cảnh, hải giám, tàu kéo khổng lồ của Trung Quốc "ăn tươi, nuốt sống", nhưng chúng tôi vẫn kiên trì bám biển, kiên quyết một lòng đấu tranh đòi lại chủ quyền biển đảo quê hương.

Phóng viên Bùi Hải - Báo Hà Nội Mới: Thấy rõ ý chí quật cường của dân tộc

Gần 10 ngày ở thực địa, không biết báo nhiều cảm xúc dồn nén. Một chuyến công tác quá "đặc biệt" mà không dễ gì trong đời làm báo, tôi có được cơ hội thứ hai. Những ngày qua là những ngày sóng gió, biển động, thế nhưng, có đương đầu với hiểm nguy, tôi mới cảm nhận được ý chí quật cường của những người dân nước Việt. Vì sao đất nước nhỏ bé bên bờ Biển Đông lại có thể chiến thắng được những thế lực ngoại xâm lớn mạnh hơn rất nhiều? Chính tình yêu quê hương đất nước nồng nàn, thấm đẫm trong lòng mỗi người Việt Nam đã cắt nghĩa cho câu hỏi đó…

Đình Thiên
(ghi)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem