Tăm, hương đổi ngoại tệ

Thứ ba, ngày 23/10/2012 11:13 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Từ chỗ chỉ một hộ làm nghề, đến nay thôn Chanh Trung, xã Liêm Sơn (Thanh Liêm, Hà Nam) đã có hàng chục hộ làm tăm (dùng để làm hương) và xe hương, tạo việc làm cho hàng trăm lao động.
Bình luận 0

Về Liêm Sơn, từ đầu làng đến cuối xóm đâu đâu cũng thấy mùi hương trầm thơm ngào ngạt, xen lẫn tiếng máy. Vào mùa lễ hội hay cận Tết, làng tăm, hương Chanh Trung càng đông vui nhộn nhịp hơn, xe tải nườm nượp ra vào làng chở hàng đi tiêu thụ.

img
Công nhân làm việc tại xưởng sản xuất tăm, hương của ông Quế.

Tăm, hương đổi ngoại tệ

Chúng tôi đến thăm xưởng sản xuất của ông Nguyễn Văn Quế - người có công đưa nghề làm tăm, hương về Chanh Trung. Ông đang tất bật với những mẻ hương chuẩn bị xuất xưởng. Ông kể: "Trong một lần xem chương trình nói về nghề làm tăm, hương trên TV, tôi thấy nghề này rất phù hợp với ND, vì tạo được nhiều việc làm, dễ học, dễ làm, thị trường tiêu thụ lớn.

Thế là tôi tìm đến các làng nghề làm tăm, hương ở Hưng Yên và tìm hiểu thêm trên sách, báo. Năm 2008, tôi mở xưởng sản xuất tăm và hương với số tiền vỏn vẹn 10 triệu đồng.

Những ngày đầu, tôi gặp nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ vì sản phẩm hương chưa có thương hiệu. Tôi tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu thị trường để sản xuất ra những loại hương phù hợp với nhu cầu từng đối tượng khách hàng trong và ngoài nước”.

Đầu năm 2011, mẻ hương đầu tiên của ông đã được xuất sang Ấn Độ. "Ngoài cung cấp cho thị trường trong nước, hương của tôi còn xuất khẩu, nhiều nhất là sang Ấn Độ. Do văn hóa tín ngưỡng, nên nhu cầu sử dụng hương của người dân Ấn Độ rất lớn. Có thể nói đây là thị trường rất tiềm năng" - ông Quế chia sẻ.

Lớp học tại xưởng

Nghề làm tăm, hương đòi hỏi kỹ thuật rất khắt khe, nhưng lại rất dễ học, người già, trẻ đều có thể làm được. Mỗi que hương đạt tiêu chuẩn, chất lượng phải đảm bảo các yếu tố: Tăm, hương phải đều nhỏ; hương có mùi thơm nhẹ, sản xuất hoàn toàn bằng những nguyên liệu tự nhiên. Năm 2010, được Hội ND và chính quyền xã tạo điều kiện, ông vay 100 triệu đồng từ nguồn ưu đãi của ngân hàng để mở rộng diện tích nhà xưởng lên 1.000m2, mua máy cào tăm, pha lát, trà, cắt tăm…

Để lao động có trình độ kỹ thuật, ông vận động người dân trong làng, xã đến làm và dạy nghề tại xưởng theo hình thức vừa học vừa làm. Ngoài việc tổ chức sản xuất tại chỗ, cơ sở của ông giao nguyên liệu cho các hộ mang về làm tại nhà.

Cơ sở sản xuất tăm, hương của ông Quế đạt doanh thu trung bình 800 triệu đồng/năm, trừ chi phí lãi 350-400 triệu đồng.

Anh Nguyễn Văn Hải - công nhân của xưởng ông Quế tâm sự: "Làm tăm, hương không vất vả, nhưng đòi hỏi phải cẩn thận, chịu khó. Làm gần nhà nên mỗi tháng trừ tiêu pha, tôi vẫn dôi ra khoảng 2 triệu đồng. Tôi còn nhận hàng về cho vợ con làm, mỗi tháng cũng kiếm thêm 1,5 triệu đồng".

Xưởng tăm, hương của ông Quế đang tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động, với thu nhập từ 2- 2,5 triệu đồng/người/tháng. Công nhân làm việc tại đây đa số là người của các hộ nghèo. Từ năm 2010 đến nay, gia đình ông đã giúp đỡ 10 hộ, trong đó có 5 hộ đã thoát nghèo và ổn định cuộc sống.

Năm 2011, ông Quế được UNBD huyện Thanh Liêm và Hội ND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích sản xuất kinh doanh giỏi. Thành tích là vậy, nhưng ông bảo, điều ông vui nhất là đã mang được nghề về cho làng, tạo được nhiều việc làm cho người dân, từng bước xóa đói, giảm nghèo.

"Đầu ra của hương rất ổn định, mỗi tháng tôi xuất khoảng 10 tấn thành phẩm. Khó khăn nhất hiện nay của tôi là vốn và mặt bằng. Nếu được vay thêm vốn, tôi sẽ mở rộng nhà xưởng, mua thêm máy móc, tạo thêm việc làm cho người dân" - ông Quế bày tỏ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem