Tạo môi trường mới cho khoa học Việt Nam

Thứ bảy, ngày 03/08/2013 06:21 AM (GMT+7)
Đó là tâm huyết của Giáo sư Jean Trần Thanh Vân– Chủ tịch Hội Khoa học gặp gỡ Việt Nam tại Pháp, chủ trì cuộc “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 9 (TP.Quy Nhơn, Bình Định). Đó cũng là lý do để ông mời 5 nhà khoa học đoạt Giải Nobel tới Việt Nam.
Bình luận 0
Ở tuổi 77, Giáo sư vẫn nhiệt thành làm việc, với Việt Nam, Giáo sư đang xúc tiến xây dựng một trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành. Điều gì khiến Giáo sư trăn trở với khoa học và với Việt Nam như vậy?

- Tôi đam mê khoa học và quê hương Việt Nam. Bất cứ điều gì có lợi cho hai điều này là tôi làm.
Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành đang hoàn thiện xây dựng tại phường Ghềnh Ráng (TP.Quy Nhơn).
Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành đang hoàn thiện xây dựng tại phường Ghềnh Ráng (TP.Quy Nhơn).

Giáo sư định hướng gì cho trung tâm khi góp phần nâng chất nghiên cứu khoa học ở Việt Nam?

- Nếu chỉ để nói “nâng chất khoa học” thì ai nói cũng được, mà Việt Nam thì càng nói nhiều. Ở đây chúng tôi tạo môi trường. Đầu tư cho khoa học là phải đầu tư cho môi trường dân chủ trong nghiên cứu, sáng tạo; phải đầu tư cho những nhà khoa học trẻ!

Đáng buồn là những nhà khoa học trẻ ở Việt Nam hiện nay không có chỗ đứng và quyền tự quyết. Ví như khi tôi mời một số nhà khoa học trẻ (lấy bằng tiến sĩ ngoại quốc, đang là giảng viên đại học trong nước) đến Hội nghị Gặp gỡ Việt Nam, thì họ không thể đi được bởi câu trả lời “không có tiền lệ, ngân sách” để cho họ đi; một số người khác thì phải tự túc đi tàu hỏa đến với hội nghị bằng tiền lương của mình.

Trong khi, lãnh đạo các trường đại học thì có thể bay đi bay về khắp nơi! Hình như ở Việt Nam chỉ đầu tư nhiều cho những người có chức tước, còn những người làm khoa học thì… khó lắm!? Chúng tôi chỉ giúp cơ hội, diễn đàn. Việt Nam phải có cách đối ứng, phải tự giúp con em mình chứ!

Ở Việt Nam, cái gì cũng phải làm dự án. Thế nhưng dự án chỉ có lợi cho giám đốc thôi, còn người trẻ không có vai trò gì trong đó! Ví như ở Pháp, một giám đốc viện nghiên cứu giỏi, không phải là người giỏi nhất, mà là ông ta phải đưa về viện những nhà khoa học giỏi nhất! Một hội đồng khoa học phải gồm tất cả các tiến sĩ trong viện, không phân biệt chức tước, như thế mới có tiếng nói công bằng cho khoa học.

Bởi thế, phải có một môi trường hệ thống, nhà khoa học trẻ phải có quyền lực độc lập; chứ chỉ nói suông thì không làm được đâu! Tôi mong muốn có môi trường đó, và muốn xây dựng môi trường đó.

GS Jean Trần Thanh Vân sinh năm 1936 tại Đồng Hới (Quảng Bình). Ông trở thành tiến sĩ vật lý năm 1963 tại Paris. Từ đó tới nay, ông được Viện Vật lý Mỹ đánh giá là “người có công lao to lớn suốt 4 thập niên tập hợp các nhà vật lý thuộc nhiều quốc tịch và nhiều nền văn hoá khác nhau ngồi lại bên nhau trong tình thân ái”. Hiện Giáo sư chuẩn bị khánh thành Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (giá trị đầu tư khoảng 6 triệu USD, trên diện tích 18,4ha tại phường Ghềnh Ráng, Quy Nhơn).
Cuộc gặp này quy tụ 5 nhà khoa học đoạt Giải Nobel, họ sẽ mang thông điệp gì tới Việt Nam, thưa Giáo sư?

- Rất khó nói bởi bản thân ngành vật lý đòi hỏi nhiều đầu tư về nhân lực và công nghệ mới có thể nói về sự phát triển. Các nhà khoa học đoạt Giải Nobel tới từ các nước tiên tiến, nên họ tới dự để biết thêm về Việt Nam.

Nói một cách ngắn gọn nhất, như GS George Smoot đoạt Giải Nobel Vật lý năm 2006, đã viết cho tôi, tất cả đều bày tỏ mong muốn tham gia Ban cố vấn quốc tế của hội nghị, và sẽ cố gắng đóng góp hết sức mình để các vấn đề đặt ra trong hội nghị được làm sáng rõ.

Từ công việc bản thân, Giáo sư nghĩ gì về mối liên kết đồng cảm trong nghiên cứu khoa học?

- Làm việc gì cũng phải chân thành, tình nghĩa. Bản thân tôi, nếu làm xong việc của mình thì đi chơi cho khỏe, chứ nếu giao lưu bạn bè thì tốn thời gian, tâm sức. Thế nhưng, tôi phải sống như thế thì mới kết tình được với mọi người.

Riêng một số nhà khoa học đoạt Giải Nobel đến với Gặp gỡ Việt Nam, thì trước đây họ cũng đã đến làm việc với chúng tôi, sau đó họ mới thành danh, thế nên đã có mối thâm tình rồi.

Tôi mong các nhà khoa học ở Việt Nam cũng đến với nhau bởi chữ tình và bởi kiến thức, có vậy khoa học mới phát triển, đất nước mới phát triển.

Xin cảm ơn Giáo sư!

5 nhà vật lý từng đoạt giải Nobel “Gặp gỡ Việt Nam”

Từ 29.7 tới 14.8, tại Quy Nhơn (Bình Định) diễn ra Chương trình Gặp gỡ Việt Nam lần 9 do Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam và UBND tỉnh Bình Định tổ chức. Những ngày qua đã có hơn 100 nhà khoa học vật lý hàng đầu thế giới đến Việt Nam. Cuộc hội ngộ khoa học sẽ thực sự bắt đầu từ ngày 11.8, khai mạc hội nghị quốc tế “Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ”, với sự hiện diện của 5 nhà vật lý nổi tiếng từng đoạt Giải Nobel.

Song song với Hội nghị “Các cửa sổ vũ trụ”, các nhà khoa học cũng lắng nghe các bài thuyết trình chuyên sâu của các nhà khoa học được mời. Ngoài ra còn có 3 hội nghị quốc tế khác, 2 lớp học chuyên đề về vật lý Việt Nam và vật lý thiên văn (chủ đề “Vật lý thiên văn và vũ trụ học”), cùng một hội thảo, một lớp tập huấn về phương pháp dạy học “Bàn tay nặn bột”, do Hội phối hợp với Bộ GDĐT tổ chức.

Tới dự các hội nghị quốc tế này có các nhà khoa học của 30 nước trên thế giới, trong đó có GS Rolf Heuer - Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (CERN) và 5 nhà khoa học đoạt Giải Nobel gồm: GS David J. Gross (Mỹ) đoạt Giải Nobel Vật lý năm 2004 cho “khám phá hiện tượng tiệm cận tự do trong lý thuyết tương tác mạnh”; GS Jack Steinberger (Thụy Sĩ) đoạt Giải Nobel Vật lý năm 1988; GS Sheldon Lee Glashow (Mỹ) đoạt giải Nobel vật lý năm 1979 vì những đóng góp cho thống nhất tương tác điện yếu và dự đoán về dòng trung hòa yếu; GS Klaus von Klitzing (Đức) đoạt Giải Nobel Vật lý năm 1985 về công trình phát hiện Hiệu ứng Hall lượng tử. Hiện ông là Giám đốc Viện Nghiên cứu chất rắn Max Planck ở Stuttgart; GS George Smoot (Mỹ) đoạt Giải Nobel Vật lý năm 2006.

Đức Tuấn- Hùng Phiên


Đào Đức Tuấn (thực hiện) (Đào Đức Tuấn (thực hiện))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem